- Ngay sau khi có thông tin sản phẩm sữa dê Danlait là “giả”, có xuất xứ từ Trung Quốc, ngày 21.2, Cục ATTP đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp tại VN đề nghị xác nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm sữa dê Danlait. Ngày 25.2, Tổng cục Thực phẩm, Bộ Nông nghiệp, Nông lương và Lâm sản của Pháp đã có văn bản trả lời và xác nhận các sản phẩm sữa dê Danlait do Cty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu được lưu hành tại Pháp và tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn thực phẩm tại quốc gia này. Như vậy, Cục ATTP khẳng định: Sản phẩm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng sữa dê Danlait do Cty Mạnh Cầm nhập khẩu là sản phẩm có xuất xứ từ Pháp, được nhập khẩu nguyên lon về VN, từng lô hàng khi nhập về VN đã được kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và hoàn thành thủ tục thông quan hợp lệ, hợp pháp.

- Thưa ông, qua kiểm tra cơ quan quản lý thị trường Hà Nội, đã phát hiện sai phạm của Cty nhập khẩu sữa dê Danlait không ghi trên nhãn là thực phẩm bổ sung và hàm lượng đạm không đạt 34%. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Cho đến ngày hôm nay, Cục ATTP chưa nhận được thông tin bằng văn bản chính thức từ cơ quan quản lý thị trường Hà Nội. Qua các kênh thông tin báo chí, tôi được biết cơ quan quản lý thị trường phát hiện sai phạm Cty này không ghi trên nhãn cụm từ “thực phẩm bổ sung” là đúng, vì hồ sơ công bố tại Cục ATTP có ghi rõ: Thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait. Còn về hàm lượng đạm (protein) trong sữa, theo quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng chỉ tiêu hàm lượng protein sữa tối thiểu là 34% đối với các sản phẩm sữa bột (sữa bột nguyên chất, sữa bột đã tách một phần chất béo, sữa bột gầy và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật). Còn các loại thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ hàm lượng đạm phải thấp hơn.

- Như vậy, việc cơ quan quản lý thị trường xử phạt Cty Mạnh Cầm vì cho rằng sữa dê Danlait không đạt chất lượng vì hàm lượng đạm không đạt 34% là sai?

- Tôi không bình luận về vấn đề này. Hiện tại, Cục ATTP chưa hề có quyết định nào thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Cty Mạnh Cầm về vi phạm chất lượng.

- Có ý kiến cho rằng, Cục ATTP cấp phép cho sữa dê Danlait là thực phẩm bổ sung để doanh nghiệp không phải kê khai giá?

- Cấp giấy chứng nhận cho mỗi sản phẩm phải theo các quy định về hồ sơ chặt chẽ từ nhà sản xuất đến kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan Việt Nam. Chúng tôi làm đúng theo các quy định đó và xin khẳng định rằng không có chuyện cố tình cấp phép cho sản phẩm sữa dê Danlait là thực phẩm bổ sung để giúp doanh nghiệp “né” khi khai báo giá.

- Cũng có thông tin cho rằng, một số sản phẩm sữa nhập khẩu trên thị trường có hàm lượng đạm thấp. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Cho đến nay, qua kiểm tra chúng tôi khẳng định sữa nhập khẩu của các hãng sữa nổi tiếng như Abbot, Meiji, Similac... đều đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng. Việc kiểm tra giám sát lấy mẫu các sản phẩm sữa để đánh giá chất lượng vẫn được thực hiện thường xuyên.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Kiều Đình Cảnh - Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) - cho biết: Trên bản công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của Cục An toàn thực phẩm cấp cho Cty TNHH Mạnh Cầm là: Thực phẩm bổ sung. Các giấy yêu cầu nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về nhập khẩu cũng đều ghi là “thực phẩm bổ sung sữa dê”. Khi tiêu thụ, Cty lại bỏ chữ “thực phẩm bổ sung” đi, chỉ để lại chữ “sữa dê” (dùng cho trẻ em) để làm mập mờ giữa sữa và thực phẩm bổ sung.

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu sản phẩm Dainlait là thực phẩm bổ sung thì không phải kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước. Nếu là sữa thì phải kê khai giá, bởi theo quy định đây là 1 trong 16 mặt hàng phải kê khai giá. Cty TNHH Mạnh Cầm cũng chưa thực hiện việc kê khai. Khi làm việc với cơ quan chức năng, PGĐ Cty TNHH Mạnh Cầm cũng đã thừa nhận: Việc ghi nhãn “sữa dê” đã không đúng như kê khai là “thực phẩm bổ sung” với cơ quan quản lý. Lý do là doanh nghiệp hiểu chưa đúng về vấn đề này (!!!).  Q.D-P.L