"Mẹo" tránh nghẽn mạng trong dịp Tết

Khi xảy ra nghẽn mạng, khách hàng không nên cố gọi lại nhiều lần, vì mỗi lần cố gọi lại cũng làm cho hệ thống tăng tải.

0

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện thoại khẳng định việc xảy ra nghẽn mạng cục bộ là điều bất khả kháng trong dịp Tết Kỷ Sửu,  nhưng để hạn chế "thiệt hại" tới mức thấp nhất, theo khuyến cáo, khách hàng nên tránh gọi, nhắn tin vào lúc cao điểm; di chuyển khỏi nơi đông người khi nghẽn mạng; tắt máy vài phút sau khi nhắn, gọi không được rồi khởi động lại...

Nên nhắn tin chúc Tết trước hoặc sau thời khắc giao thừa

Ông Bùi Quốc Việt, Đại diện VNPT, khuyến cáo: Những cuộc gọi hoặc tin nhắn chúc mừng năm mới nên thực hiện trước hoặc sau thời điểm giao thừa để cuộc gọi và tin nhắn chắc chắn được thực hiện thành công.

Thông thường, nếu gặp tình trạng nghẽn mạng, người sử dụng di động hay nhắn tin SMS có thể chọn chức năng nhắn tin MMS, tuy nhiên các "nhà mạng" khuyến cáo người dùng chỉ nên thực hiện nhắn tin ở dạng Text, soạn tin nhắn ngắn gọn, không quá 160 kí tự.

Khi xảy ra nghẽn mạng, khách hàng không nên cố gọi lại nhiều lần, vì mỗi lần cố gọi lại cũng làm cho hệ thống tăng tải.

Vì thế, các "nhà mạng" đều khuyến cáo các chủ thuê bao nên chờ một vài phút rồi gọi lại hoặc di chuyển ra khỏi khu vực đông người.

Nếu không liên lạc được, chủ thuê bao không nên gọi hoặc nhắn tin lại nhiều lần ngay lúc đó và nên tạm thời tắt chế độ báo cáo (Delivery reports) để giảm gánh nặng cho tổng đài. Và nhờ đó, liên lạc của các thuê bao này cũng sẽ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng nên huy động tối đa như: Sử dụng điện thoại cố định; tránh thực hiện cuộc gọi hoặc nhắn tin và lúc cao điểm;… cũng là hình thức giúp giảm tải, vừa đảm bảo tin nhắn tới nơi, vừa giúp các nhà cung cấp chống lại tình trạng nghẽn mạng.

Trước nghi ngại của nhiều người dân về việc bị tính cước với những tin nhắn không thành công, ông Tào Đức Thắng cho biết: “Trong trường hợp khách hàng gửi đi gửi lại tin nhắn nhiều lần, với những tin nhắn gửi thành công, tức là tới được với thuê bao nhận tin nhắn, thì chắc chắn hệ thống sẽ tính cước, dù tin nhắn đó chậm. Ngược lại, những tin nhắn không tới đích thì sẽ không trừ cước. Nghĩa là, hệ thống chỉ tính cước khi thực hiện tin nhắn thành công.”

Các "đại gia" di động bắt tay hạn chế nghẽn mạng

Ông Tào Đức Thắng, Phó Giám đốc Viettel Telecom nhận định: "Tết là dịp mà tất cả các khách hàng đều có nhu cầu thông tin liên lạc rất cao, đặc biệt là sử dụng di động cho nhu cầu chúc Tết, thăm hỏi... Do vậy, thông thường lưu lượng sử dụng mạng vào dịp Tết sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường” .
 

Không ai dám chắc 2 thuê bao sẽ không... "ò e í" trong những ngày Tết dù đang ở rất gần. (Ảnh: Baomoi.com)


Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng này thường xảy ra vào những thời điểm nhất định trong ngày 27, 28 29, 30 và sáng mùng 1 Tết, nhất là trong đêm giao thừa, tại các khu mua sắm, khi mọi người tập trung xem bắn pháo hoa và thực hiện liên lạc để chúc mừng năm mới.
 
Các “nhà mạng” đều cho biết, các thuê bao trong cùng một mạng khi gọi điện, nhắn tin với nhau thì ít khi xảy ra nghẽn mạng hơn so với các cuộc gọi, nhắn tin liên mạng. Nhưng để  hạn chế tình trạng rớt sóng, không liên lạc được giữa các thuê bao di động, 3 “đại gia” Viettel, Mobifone và Vinaphone, Viettel đã hoàn thành việc “bắt tay” để mở thông các đường truyền dẫn. Các vấn đề về mặt kỹ thuật, cơ bản đã phối hợp xử lý xong.
 
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, khả năng nghẽn mạng cục bộ vào thời khắc cao điểm dịp Tết vẫn rất dễ xảy ra. Vì vậy, để tránh "thiệt hại" không đáng có, khách hàng nên làm theo khuyến cáo trên của các nhà cung cấp dịch vụ di động.
 
Theo VTC News
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]