Phát triển kinh tế đi đôi với đời sống được nâng cao, ăn phải ngon, mặc phải đẹp. Rồi đến một lúc con người lại ngao ngán nhìn thực phẩm, không biết ăn gì. Nhất là khi giờ đây, quay chỗ nào cũng thấy độc hại. Ngay cả gạo cũng khiến mọi người hoang mang, không biết có tẩm hương hay chất làm trắng không. Lại thấy, món ăn quê mùa dân dã ngày xưa sao mà ngon đến thế. Hương vị cũ ngày ấy đâu rồi?


 

Một chiều mùa đông, đi làm về tự nhiên thấy thèm miếng cơm cháy vừa sém lửa chấm với mắm kho quẹt. Hồi ấy nhà không có gì ăn, mẹ lấy nước mắm, cho thêm chút mỡ, hành, tiêu, bột ngọt, cứ thể để sôi trên bếp cho đến khi nào quẹt được thì thôi. Mở nắp vung cơm nóng, khói lốc lên, cả đám con xúm lại hơ tay, hít hà, xuýt xoa rồi hau háu chờ mẹ bới ra từng chén. Chỉ có mắm kho quẹt mà hết sạch nồi cơm chóng vánh. 

Bây giờ vào nhà hàng sang trọng, thèm món mắm quẹt quê mùa, kêu ra, kèm thêm đĩa đậu bắp hay rau củ luộc. Nhà hàng bày đẹp mắt trên đĩa trắng tinh, sang trọng. Cũng xuýt xoa bởi gợi nhớ ngày xưa, nhưng sao ăn không thấy hương vị cũ. Mới hay, con người ta có đi góc bể chân trời nào, ăn sơn hào hải vị ra sao, cái chân quê hay chính bởi tình yêu thương gia đình mới khiến món ăn có hồn đến vậy!

Cái thời, nhà không có gì ăn, món bầu luộc chấm nước mắm dầm cái trứng vịt cũng khiến lũ con vét sạch nồi cơm. Như một vòng tròn, sau một thời gian người ta quên và chê bầu luộc quê mùa rồi lại thấy ngự trị trên các bàn ăn sang trọng. Các ông thừa mứa chất đạm, sợ chất béo, ngấy gia vị, tiếp khách đối tác dù sang trọng cách mấy cũng liếc ngang thực đơn và hỏi nhỏ cô phục vụ, kêu thêm món bầu luộc, lại chữa thẹn với khách, ăn món này cho mát ruột. 
Món ăn quê mùa ngày xưa của mẹ vô tình được kích hoạt làm cho câu chuyện giữa chủ và khách trở nên mạch lạc hơn bởi cùng mẫu số chung “kỷ niệm”. Quá khứ ùa về, nhớ quay quắt hương vị cũ, thèm đến mức, giá mà được thưởng thức dù chỉ một lần. Và lòng chợt lắng xuống, một chút nhói lòng khi nhớ lại, ngày ấy, chẳng bao giờ biết khen mẹ một câu, biết nói lời cám ơn mẹ hay đơn giản nhất ôm lấy vai mẹ và chẳng cần nói gì cả. Có mấy người làm được những điều này trong cuộc đời của mình? Thậm chí, có bao giờ nhìn dáng mẹ từ phía sau? Mẹ tất tả hay khoan thai? Mẹ đi chúi về phía trước hay thẳng lưng? Hồi ấy, đã có khi nào nhìn mẹ ngồi bên bếp lửa và tự hỏi mẹ nghĩ gì? Một loạt câu hỏi “tự kiểm” đặt ra, mới thấy mình đã vô tâm với mẹ biết bao!


 

Gặp lại món ăn xưa, tự trách cũng đã muộn, cơ hội tỏ bày với mẹ cũng không còn, nhiêu đó thôi, đã thấy món ăn không còn ngon nữa. Hồn của món ăn là đó. Phải có tình thương yêu con cái vô bờ bến mẹ mới chế biến được những món ăn đơn giản mà ngon đến vậy. Hồn của món ăn còn bởi mẹ phải lặn lội đi bao nhiêu vòng trong chợ, chọn lựa, trả giá, làm sao cho con đủ chất dinh dưỡng mà vẫn vừa với túi tiền eo hẹp. Nhà nghèo vẫn có bữa cơm ngon không chỉ bởi tài của người mẹ mà còn là sự chịu khó. Chợt hiểu ra, món ăn “biết nói” mà cái thời vô tư ấy mình nào biết!

Dù cho vật đổi sao dời, tình thương yêu của mẹ với con cái luôn bất biến. Đứa con thành công hay đứa con thất bại đều có kỷ niệm về những món ăn từ ký ức giống nhau. Bây giờ có thể mẹ không còn nữa hay mẹ đã già yếu chẳng thể nào nấu được món ăn xưa, thôi thì, dù muộn hơn không, nói nên lời cám ơn mẹ đã một đời tảo tần, chắt chiu, dành dụm cho con có ngày hôm nay. Nói ra được thấy lòng nhẹ nhõm làm sao. 

Uống nước nhớ nguồn. Tết sum vầy, một năm đi xa quày quả trở về ngồi bên bếp lửa với mẹ là đủ thấy cả một mùa xuân.

 Theo Kim Duy (PNO)


Video đang được xem nhiều