Động kinh (ĐK) là một bệnh lý thần kinh tâm thần khá phổ biến, theo nhiều tác giả, ĐK chiếm khoảng 0,5 - 1,5% dân số. Tuy nhiên gần đây nhiều nhà nghiên cứu về ĐK nhận thấy rằng có 51-54% những người được chẩn đoán và điều trị ĐK thực sự không bị ĐK. Nhiều tình trạng bệnh lý có thể bị chẩn đoán nhầm là ĐK. Dưới đây xin nêu một số trạng thái bệnh lý dễ nhầm lẫn đó.
Đau nửa đầu dễ nhầm lẫn với bệnh động kinh. |
Ngất: Ngất có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, xúc động mạnh, đứng lâu, đặc biệt nếu nhiệt độ môi trường quá nóng, rối loạn nhịp tim, đau. Trước cơn, bệnh nhân có cảm giác choáng váng. Người bệnh nhanh chóng hồi phục. Ngất có thể tái diễn và thương tích đôi khi có thể xảy ra. Người bệnh có thể xuất hiện giật cơ nhiều ổ, hoặc có thể gặp cơn ĐK giật cơ. Các tính chất của ngất do tim thường có thể khác nhau và đôi khi không có dấu hiệu nào báo trước cho người bệnh.
Co giật không ĐK: Thuật ngữ này được dùng để mô tả những cơn co giật không phải là ĐK mà có nguồn gốc tâm lý, thường dùng hơn thuật ngữ "co giật tâm căn". Các rối loạn này chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân được nhận vào viện với chẩn đoán ĐK nhưng thật sự không có ĐK. Dù sao cũng cần lưu ý rằng những cơn co giật không ĐK có nguồn gốc tâm lý cũng xuất hiện (không thường xuyên) ở những người ĐK. Loại cơn này thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt ở người có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần.
Cơn tấn công hoảng sợ: Những cơn tấn công hoảng sợ dễ gặp ở những người có trạng thái lo âu và cảm giác này thường đi kèm với những triệu chứng cơ thể như là hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, sợ hãi, bất an. Tuy nhiên các triệu chứng này không giống các triệu chứng cơn ĐK thùy thái dương.
Cơn tăng thở: Đây là một loại rối loạn thường gặp và ít khi nhầm lẫn với ĐK. Những cơn tấn công thường xuất hiện trong trạng thái stress, thở dốc có thể gây ra cảm giác hoa mắt chóng mặt và thậm chí gây ra rối loạn định hướng hoặc mất ý thức. Bệnh nhân có thể bị đau ngực, khó thở, mờ mắt, dị cảm, chuột rút và mệt mỏi.
Trạng thái kích động: Trạng thái này xuất hiện đôi khi được cho là cơn xung động tâm thần vận động (cơn ĐK thùy thái dương).
Cơn ngừng thở: Những cơn này thường xuất hiện ở trẻ em dưới 6 tuổi và thường xuyên bị chẩn đoán nhầm với ĐK. Những cơn ngừng thở xanh tím xuất hiện khi đứa trẻ cáu giận hoặc không được đáp ứng các đòi hỏi. Đứa trẻ đang khóc xuất hiện ngừng thở, xanh tím và mềm nhũn, gọi hỏi không đáp ứng, đôi khi run và xuất hiện một chút co giật. Tình trạng không đáp ứng có thể kéo dài vài phút. Cơn ngừng thở có thể kèm theo chấn thương đầu nhẹ (do ngã). Đứa trẻ có thể không khóc nhưng bất ngờ mất ý thức và trở nên mềm nhũn. Giật cơ thường gặp như là hậu quả của thiếu ôxy não nhưng nhanh chóng hồi phục.
Rối loạn giấc ngủ: Có một số hiện tượng rối loạn giấc ngủ có thể nhầm lẫn với ĐK:
- Đi trong giấc ngủ (miên hành): Thường gặp ở trẻ, có đặc điểm là những hành vi tự động, đứa trẻ đang ngủ trở dậy đi lại hoặc tiến hành một số hành động nào đó.
- Hoảng sợ ban đêm: Cũng thường gặp ở trẻ. Đứa trẻ đang ngủ đột nhiên ngồi dậy kêu khóc hoặc la hét, vã mồ hôi, mắt mở to. Sau đó đứa trẻ trở lại bình tĩnh và tiếp tục giấc ngủ bình thường.
- Ác mộng và ngủ rũ: Đôi khi cũng dễ nhầm lẫn với ĐK.
Đau nửa đầu (Migraine): Có nhiều lý do để nhầm lẫn cơn đau nửa đầu với cơn ĐK. Ngất có thể xuất hiện trong thời gian của cơn đau Migraine, đặc biệt khi kèm theo nôn. Cơn Migraine hai bên có thể kèm theo mất ý thức và thường liên quan với nhiều triệu chứng khác, do đó dễ chẩn đoán nhầm với ĐK. Những triệu chứng thần kinh đi kèm và tiền sử gia đình của Migraine có thể giúp chẩn đoán phân biệt. Migraine được báo trước bởi rối loạn cảm giác và rối loạn thị giác có thể là nguyên nhân gây nhầm lẫn với ĐK cục bộ. Lưu ý rằng trong cơn đau Migraine có thể gặp hình ảnh kịch phát trên điện não đồ.
Hoảng sợ quá mức cũng dễ nhầm với bệnh động kinh. |
Cơn đột quỵ thoáng qua: Có thể gây ra mệt mỏi và các rối loạn cảm giác, do đó dễ nhầm lẫn với ĐK. Cơn đột quỵ thoáng qua thường kéo dài hơn cơn ĐK và hiếm khi mất ý thức. Hiện tượng rối loạn cảm giác ở ĐK có thể lan ra ở người có hành trình Jackson. Dấu hiệu này thường không có ở bệnh nhân đột quỵ thoáng qua. Thêm vào đó, đột quỵ thoáng qua giống với mất chức năng bao gồm: suy nhược, tê bì, mất thị trường, dị cảm.
Cơn mất nhớ: Mất nhớ toàn bộ thoảng qua thường gặp ở độ tuổi trung niên hay người già. Cơn thường xảy ra trong nhiều giờ và kèm theo bệnh nhân mất nhớ. Tuy nhiên họ còn có thể giao tiếp nhưng hay hỏi đi hỏi lại nhiều lần cùng một câu hỏi. Sau cơn bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Nguyên nhân chưa rõ ràng, cơn đau nửa đầu, ĐK, bệnh lý mạch máu não được cho là nguyên nhân. Nhưng thực tế bệnh lý ĐK ít liên quan. Các cơn mất nhớ thường ngắn, hay tái phát và thường xuất hiện lúc thức dậy vào buổi sáng.
Rối loạn vận động: Một loạt các rối loạn vận động có thể dễ nhầm lẫn với cơn ĐK Tíc đôi khi có thể nhầm với cơn giật cơ, cơn múa giật, múa vờn kịch phát là rối loạn đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của rối loạn vận động và không kèm theo mất ý thức. Mặc dù không có bất thường điện não trong cơn nhưng tình trạng này có thể đáp ứng tốt với thuốc chống ĐK.
Hạ đường huyết: Trạng thái thường gặp của người bệnh đái tháo đường, đặc biệt ở những người sử dụng insulin hoặc uống thuốc hạ đường huyết. Đôi khi gặp ở những người có u tụy. Hạ đường huyết có thể gây ra buồn nôn, loạn nhịp tim, cơn co giật có thể xuất hiện.
Cơn rối loạn tiền đình: Do nhiều nguyên nhân gây ra, thường là kịch phát và dễ bị nhầm lẫn với cơn ĐK. Hiếm khi cơn rối loạn tiền đình có triệu chứng giống với cơn ĐK nhưng thường dễ nhầm lẫn với cơn ĐK thùy chẩm. Người bệnh có thể bị rối loạn thăng bằng, đau đầu và rối loạn thần kinh thực vật.
PGS.TS. Cao Tiến Đức