Mùi khói làm sao quên!

Ông cậu lâu lâu lên thị xã bảo trì bình xịt, mua mớ thuốc bảo vệ thực vật đều ghé nhà ăn cơm với má tôi. Cơm ăn thì ít mà chuyện trò thì nhiều, toàn chuyện trên trời dưới đất...

0

Chuyện “trên trời” của cậu có thể là ngày xưa: Cái hồi hai chị em mình mười hai, mười bốn đó chị nhớ không? Cây ổi sẻ ruột vàng nhà bà Ba hàng xóm lúc nào cũng đầy trái chín, thơm nức mũi. Mà ba má thì không cho chị em mình leo. Vậy là thèm ổi quá, chị kiếm cây trúc, em ra tay “đập” ổi. Hai đầu cái mền hứng ổi được buộc vào gốc cây, hai đầu còn lại chị nắm chặt... Ổi rớt vô mền thì ít mà rơi ra đất thì nhiều. Chị em mình thi nhau ăn, có những trái dính đất cát cũng ăn luôn, mấy trái ruột có “hoàng tử” mình cũng nhai ngấu nghiến...

Má tôi móm mém cười vui, còn tôi rụt vai kêu lên “Trời ơi! Mấy con dòi thấy ớn mà cậu gọi là “hoàng tử” rồi cũng ăn cho được? Giờ ra chợ, ổi hai chục ngàn một ký thơm ngon giòn ngọt tha hồ mà ăn!”.

Má và cậu không đếm xỉa gì đến ý kiến của tôi, lại nhắc chuyện “dưới đất” là ngày xưa tuổi thơ tụi mình không học sấp học ngửa, học phờ phạc cả người, học gù lưng mờ mắt như con nít bây giờ. Một buổi đi học là một buổi mình đi chăn trâu chị hén? Thả trâu ào xuống mấy khoảnh ruộng gặt rồi thì chị em mình cũng tha hồ be bờ tát cá. Rô, trê, sặc, lóc, cua, ếch... gì mình cũng bắt hết. Chiều về em giòng trâu thì chị xách túi cá, thêm bó kèo nèo, tai tượng nữa là nhà mình có bữa cơm ngon nhứt xứ.

Mà nói nhắc đến cơm mới nhớ, hồi đó mình toàn nấu bằng củi bằng rơm, có khi còn nấu bằng vỏ trấu, mạt cưa nên cơm ngon quá chị hén! Chả bù với người trẻ bây giờ, cái gì cũng dựa vào máy móc, vào điện đùng... Chị coi, con gái chị nó lớn đầu vậy mà nấu nồi cơm dở ẹc, không thơm ngọt mùi khói, không giòn rụm vị cơm cháy thì làm sao mà ăn ngon đây? Ngữ này lấy chồng chắc năm ngày ăn ba trận đũa bếp của bà già chồng chị ạ!

Cậu bảo, bây thử một bữa bỏ cái máy nhấp nháy xanh đỏ đó ra, bỏ luôn cái lò vi ba vi bốn sáng bóng mà nướng đồ ăn không có mùi vị gì, bỏ luôn cái nồi áp suất kia... kiếm cái lò đất nấu củi một bữa cơm ngập cháy đáy nồi, thịt kho ươm mùi khói, cà tím nướng than thơm nức mũi cho má bây ăn coi, bả có vui, có sống ngoài trăm tuổi không thì biết!

Mấy hôm nay má tôi bệnh. Mấy chứng bệnh già thấp khớp, cao huyết áp... Thuốc mua đầy bàn, thức ăn trữ ngập tủ lạnh nhưng đi làm tôi thấy nồi cơm vẫn y nguyên, rau cá vẫn chưa mất miếng nào. Má than lạt miệng. “Lạt thì má ngậm xí muội. Má toàn làm khổ con cái. Đi làm mà cũng không yên tâm nữa!”. Má nhỏ giọng phân bua rằng ở nhà một mình buồn nên không muốn ăn. Giá mà như hồi trước còn ở quê, bẻ trái khế đâm nấu với tép rong, nêm thêm mấy ngọn tần dày lá. Ra ruộng xúc mớ cá con về kho sả nghệ, nấu thêm nồi cơm củi ngập cơm cháy chắc là ngon miệng lắm.

Tôi cười ồ, má ơi là má, cái “hồi trước” của má cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi. Má ơ hờ bảo “Vậy à?...”. Tôi không quan tâm lắm tới “ngày xưa”, ngày nay phấn đấu cho xong công việc, vắt kiệt sức mình để thăng tiến hầu có thêm vài trăm ngàn mỗi tháng đã là quá sức rồi. Chuyện cơm nước cứ ấn nút nồi cơm điện là xong. Bận lòng chi chuyện củi lửa, cá mắm, rau ngò. Mọi thứ đã có siêu thị lo hết rồi, tuổi chúng tôi chỉ cần làm cho ra tiền là sẽ có hết cả.

Trưa nay má đón tôi bằng nét mặt vui tươi nhưng cơ thể toát ra mùi gì quen mà lạ lắm. Má bảo tôi ăn cơm, tôi chưa cầm chén, má đã và cơm ăn ngon lành. Sao nồi cơm hôm nay không là chiếc nồi điện màu trắng quen thuộc mà là cái nồi nào là lạ ám màu đen? Tôi mở vung nồi, lớp cơm cháy vàng ươm đã được má xới lên úp sẵn trên mặt lớp cơm trắng. Hèn gì..., mùi trên người má là mùi khói mà tôi quên. Má ấp úng: “Tại má thèm cơm cháy quá. Sáng nay ra đầu hẻm thấy có chỗ bán củi nên mua một bó về nấu cơm...”.

Nhìn má lóng ngóng với nồi cơm cháy, nghe má phân trần, tôi thấy mình mới chính là người có lỗi.

ĐÀO PHẠM THÙY TRANG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]