Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện nhỏ này về nhà sáng lập Đại học Phật giáo Naropa, Đại sư Chögyam Trungpa, và cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với ông.
Cuộc phỏng vấn này diễn ra đúng vào thời điểm mọi thứ trong cuộc sống của tôi dường như hoàn toàn sụp đổ , và tôi tới đó bởi vì tôi muốn trò chuyện với ông về việc tôi đang cảm thấy bản thân là một sự thất bại lớn và mọi thứ thật khó khăn.
Nhưng khi tôi ngồi xuống trước mặt ông, ông hỏi tôi: "Việc tập thiền của bạn thế nào?"
"Cũng ổn", tôi trả lời.
Và sau đó thì chúng tôi bắt đầu trò chuyện, chỉ nói chuyện phiếm, cho tới khi ông đứng dậy và nói, "Rất vui được nói chuyện với bạn," rồi bắt đầu tiễn tôi ra cửa. Nói cách khác, buổi phỏng vấn đã kết thúc, tôi như vỡ òa ra không thể kìm lại:
Rằng cuộc sống của tôi như một dấu chấm hết.
Tôi đã ở dưới đáy rồi.
Tôi không biết phải làm gì nữa.
Xin hãy giúp tôi.
Và đây là lời khuyên mà Trungpa Rinpoche đã cho tôi. Ông nói, "Cũng giống như khi bạn đang bước vào lòng đại dương thì một cơn sóng dữ ập đến và đánh gục bạn. Rồi bạn thấy bản thân đang nằm dưới đáy với đầy cát trong mũi và miệng. Và khi bạn nằm đó, bạn phải đưa ra lựa chọn, một là tiếp tục nằm đó, hai là đứng dậy và bước ra biển cả rộng lớn."
Vậy nên, về cơ bản là bạn sẽ đứng dậy bởi lựa chọn "nằm yên" đồng nghĩa với cái chết.
Nói một cách ẩn dụ mà rất nhiều người trong số chúng ta lựa chọn tiếp tục nằm yên tại thời điểm đó. Nhưng bạn có thể chọn cách đứng lên và bước đi, rồi sau một lúc, một cơn sóng khác lại ập đến và đánh ngã bạn.
Bạn sẽ lại thấy bản thân đang ở đáy đại dương với cát đầy trong mũi và mồm, rồi một lần nữa bạn lại phải lựa chọn giữa việc nằm đó hay đứng lên và tiếp tục bước về phía trước.
"Vậy là những cơn sóng cứ tiếp tục ập tới," ông nói. "Và bạn tiếp tục nuôi dưỡng bên trong mình sự can đảm và dũng khí và khiếu hài hước, rồi bạn tiếp tục đứng dậy và tiến về phía trước."
Đó là lời khuyên của ông dành cho tôi.
Sau đó Trungpa nói, "Sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra những cơn sóng dường như đang trở nên nhỏ dần lại. Và chúng không thể quật ngã bạn được nữa."
Đó là một bài học cuộc sống quý báu.
Không có nghĩa là những cơn sóng dữ sẽ không tới nữa; mà đó là bởi vì bạn đã được tôi luyện để kìm giữ đặc tính dễ bị tổn thương nguyên sơ trong trái tim con người, những cơn sóng có vẻ như trở nên nhỏ dần lại, và chúng không thể quật ngã bạn nữa.
"Thất bại theo cách tốt hơn" nghĩa là bạn bắt đầu có khả năng kiểm soát cái tôi gọi là" đặc tính dễ bị tổn thương nguyên sơ" trong trái tim con người.
Điều tôi đang muốn nói là: hãy cứ thất bại. Rồi lại tiếp tục thất bại, và sau đó có thể bạn sẽ bắt đầu nhận thấy một vài điều mà tôi đang nói tới. Và khi điều đó lặp lại, khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn, bạn sẽ thất bại khá hơn. Nói cách khác, bạn có khả năng đối mặt với cảm giác thất bại thay vì làm những điều vô ích như tìm cách giấu diếm, đổ lỗi cho một ai đó, và có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân.
"Thất bại theo cách tốt hơn" nghĩa là bạn bắt đầu có khả năng nắm giữ cái mà tôi gọi là "đặc tính dễ bị tổn thương nguyên sơ" trong trái tim con người, và nhận ra rằng sự kết nối với người khác là một phần bản thể con người. Loại thất bại này nghĩa là khi những khó khăn trong cuộc sống trở thành khởi nguồn của sự tăng trưởng, động lực để tiến về phía trước, một nguồn lực để "thoát ra khỏi đặc tính nguyên sơ ấy, và bạn có thể thực sự kết nối với người khác bằng chính trái tim mình."
Những phần tốt đẹp nhất trong con người bạn khi đó sẽ xuất hiện bởi chúng đã được giải phóng, bởi bạn thôi không che đậy bản thân mình nữa.
"Thất bại theo cách tốt hơn" đồng nghĩa với việc những thất bại trở thành một động lực mạnh mẽ thay vì một cú đánh của cuộc đời. Đó là lý do tại sao trong câu chuyện về Trungpa Rinpoche mà tôi vừa chia sẻ, những cơn sóng đã từng quật ngã bạn bỗng dưng trở nên nhỏ dần đi và khả năng chúng quật ngã bạn cũng yếu dần đi. Trong khi sự thực là vẫn cơn sóng đó thôi, có khi còn dữ dội hơn trước, nhưng hiện tại nó có vẻ nhỏ đi bởi bạn đã rèn luyện được khả năng bơi trên biển lớn hoặc là đã thuần phục được cơn sóng đó.
Và điều này không có nghĩa rằng thất bại sẽ không còn đau đớn nữa. Ý tôi là bạn có thể sẽ đánh mất những người yêu thương. Mọi thứ xảy ra có thể sẽ khiến trái tim bạn tan vỡ, nhưng bạn có thể lưu giữ những thất bại và mất mát đó như một phần trải nghiệm tất yếu của cuộc sống, và rồi chính điều đó sẽ giúp bạn kết nối với những người khác.
Về tác giả: Pema Chodron là một thiền sư, tác giả, và giáo thọ trong dòng phái Phật giáo Shambhala. Thiền sư hiện cư trú và giảng dạy tại tu viện Gambo Abbey, một tu viện trên hòn đảo Cape Breton thuộc tiểu bang Nova Scotia, nước Canada.
Một số cuốn sách nổi tiếng: Vượt Qua Nỗi Lo Âu - Đánh Thức Bồ Đề Tâm; Sống Đẹp Giữa Thế Gian Đầy Biến Động; Cú Nhảy Thoát Khỏi Thói Quen Và Nỗi Sợ Hãi; Tự Tại Giữa Vô Thường - 108 Bài Học Nuôi Dưỡng Lòng Can Đảm Và Tâm Từ Bi;...
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ