Nghị lực phi thường của cậu học trò 15 tuổi nuôi cha mẹ bệnh nặng

(ĐSPL)- Hơn hai năm nay, từ ngày cha mắc bệnh ung thư tụy, rồi mẹ mắc căn bệnh tim, Vũ - cậu học trò nhỏ trở thành trụ cột lo toan mọi việc trong gia đình. Vừa đi học, em vừa đi làm thuê kiếm tiền thuốc men cho cha, mẹ và lo cho ba em đi học. Càng xót thương cho gia cảnh của gia đình em, người ta càng cảm phục nghị lực phi thường của cậu bé.

15.6023

Cha mẹ đều lâm bệnh nặng

Vượt quãng đường hơn 30km từ thành phố Quảng Ngãi, không quá khó để chúng tôi tìm được đến nhà em Trương Quốc Vũ (15 tuổi, ngụ thôn An Quang, xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn), cậu học trò nghèo được người dân cả vùng thương cảm bởi tuổi nhỏ nhưng đã phải gồng mình để nuôi cha, mẹ và ba em ăn học.

Căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm heo hút dưới chân ngọn núi ở thôn An Quang. Mái nhà tôn thủng lỗ chỗ, bốn bức tường gạch không được trát xi măng. Lúc chúng tôi đến, Vũ cùng em trai Trương Quang Nhật (14 tuổi) đang dìu cha ra phía sau nhà nằm. Còn cô em gái nhỏ Trương Thị Anh Trúc (11 tuổi) hì hục nhóm lửa nấu nước. Trò chuyện với chúng tôi, em Vũ tâm sự: "Từ ngày cha em mắc bệnh ung thư tụy, rồi mẹ em ngã xuống vì căn bệnh tim, em trở thành trụ cột chính trong gia đình. Vừa học, em vừa làm thuê kiếm tiền lo men cho cha, mẹ và lo cho ba em đi học".

Phóng to

Cả gia đình sáu người đều trông chờ vào số tiền Vũ kiếm được.

Một người hàng xóm của Vũ cho biết, hoàn cảnh của gia đình em Vũ rất đáng thương, có thâm niên nghèo nhất xã. Gia đình nghèo lại đông con, nên cha mẹ Vũ cố gắng làm thuê khắp nơi để nuôi bốn con. Nhưng dường như số phận không mỉm cười với họ. Năm 2013, trong một đêm khuya, anh Trương Văn Dũng (42 tuổi, ba của Vũ) lên cơn đau dữ dội rồi ngất đi. Các bác sỹ chẩn đoán anh Dũng bị ung thư tụy giai đoạn cuối. Như sét đánh ngang tai, anh suy sụp hoàn toàn. Còn chị Nguyễn Thị Mùi (38 tuổi, mẹ của Vũ), bán hết những gì quý giá trong gia đình để đưa chồng ra Đà Nẵng chữa trị, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Chị Mùi về quê thế chấp căn nhà cho ngân hàng vay được 30 triệu đồng đưa anh Dũng vào TP.HCM, với hy vọng kéo dài sự sống cho chồng. Vừa nuôi chồng nằm viện, chị Mùi vừa đi bán vé số để có tiền trang trải viện phí và gửi về cho các con. Vốn là người phụ nữ ốm yếu, nay phải gánh vác mọi chuyện trong gia đình, nên chị Mùi kiệt sức. Trong lúc đi bán vé số, chị bị ngất, may mắn có người đi đường đưa đi cấp cứu kịp thời. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán chị bị hở van tim ba lá, cần được nghỉ ngơi, không làm việc nặng. Nhưng vì thương chồng, thương con, chị vẫn cố gắng đi bán vé số từ sáng sớm đến tối khuya.

Nằm viện hơn một năm, tiền bạc "đội nón" ra đi, nhưng bệnh tình của anh Dũng ngày càng nặng, chân, tay và bụng sưng phù lên. Biết không qua khỏi, anh nói vợ đưa mình về quê bên các con.  Nhìn chồng quằn quại trong đau đớn, chị Mùi không cầm lòng. Quyết không bỏ cuộc, chị cố gắng đi làm thuê làm mướn để dành tiền, tiếp tục đưa chồng đi chữa trị với hy vọng một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến. Nhưng rồi, họa vô đơn chí, chị cũng ngã gục theo chồng vì căn bệnh tim.

"Nó đã mang bệnh tim mà làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, ai kêu làm gì nó cũng làm từ phun thuốc, bê gạch, đến phụ hồ. Người bình thường còn ngã xuống vì bệnh, huống chi là người ốm yếu đầy bệnh như con Mùi. Bây giờ, thì cả chồng cả vợ đều mang bệnh không thể lao động được", bà Từ Thị Phương (40 tuổi, ngụ xóm An Quang) xót xa nói. Hiện tại, anh Dũng, người trụ cột trong gia đình nhưng chỉ nằm một chỗ, nói năng cũng khó khăn, mọi sinh hoạt thường ngày phải dựa vào con cái. Còn chị Mùi, sức khỏe ốm yếu, thường xuyên ngất xỉu, chỉ làm được những việc lặt vặt trong nhà.

Gồng mình nuôi cả gia đình

Cha, mẹ bệnh nặng, cuộc sống gia đình sáu người lâm vào cảnh khó khăn. Vũ trở thành người gánh vác mọi việc trong gia đình. Từ tiền thuốc men cho cha, mẹ rồi tiền sinh hoạt của sáu người trong gia đình đều đè nặng lên vai cậu bé mới 15 tuổi.  Nhà có hai sào lúa, chỉ gieo trồng được một vụ nên cũng không đủ ăn. Ngoài lúc đi học ở trường, dù nắng hay mưa, cứ sau giờ đi học về Vũ lại tranh thủ đi làm thuê cho bà con trong xóm. Em không từ việc gì, từ phun thuốc, cắt lúa, làm cỏ mỳ... Mỗi buổi, họ trả công cho em từ 40-50 ngàn đồng, có người thương tình còn cho thêm gạo, thịt...

Trong thời gian nghỉ hè, bạn bè cùng trang lứa được nghỉ ngơi, đi học thêm môn này môn kia, còn Vũ, phải vất vả mưu sinh, lo toan cho gia đình. Dường như, cậu học trò nhỏ không có thời gian nghỉ ngơi. Sáng sớm đã ra khỏi nhà, chiều tối mới về nhà. Thấy anh trai đi làm vất vả, cậu em Nhật cũng xin đi theo phụ giúp anh. Còn cô em Anh Trúc dù học lớp 5, nhưng cũng phụ anh nấu cơm và chỉ dạy cho cậu em út Trương Quang Điềm (6 tuổi) viết chữ.

Phóng to

Nghỉ hè, cậu em Quang Nhật cũng theo anh Vũ đi làm.

Giữa trưa nắng, trên cánh đồng ai cũng đã về nhà nghỉ ngơi, nhưng hai anh em Vũ vẫn hì hục cuốc cỏ ruộng mè cho xong để chiều đi làm nơi khác. Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán, Vũ chia sẻ: "Cha mẹ nói em cứ lo ăn học, mọi chuyện để cha mẹ lo. Nhưng em biết, cha mẹ bệnh đâu đi làm được, nhà em cũng không còn gì để bán, mượn thì ai mà cho. Em là anh cả trong gia đình thì phải có trách nhiệm lo cho cả nhà".

Nhìn cậu bé đang tuổi cắp sách đến trường phải vất vả mưu sinh lo toan cho gia đình, ai cũng phải xót xa. "Nhìn cảnh cháu Vũ mà thương quá, nhiều đứa bằng tuổi nó chỉ biết học với chơi nhưng nó thì vừa học vừa làm thuê lo cho sáu người. Bà con hàng xóm ai cũng thương, nhưng ở đây nhà nào cũng khó khăn, không giúp được gì. Lâu lâu người cho nắm rau, con cá, miếng thịt...", bà Nguyễn Thị Hai  (60 tuổi, hàng xóm của Vũ) xót xa khi nói về hoàn cảnh của cậu trò nhỏ hiếu thuận.

Bữa ăn hàng ngày của cả nhà chỉ có cơm trắng, rau luộc và nước mắm, có bữa thì có thêm con cá, ít thịt do bà con hàng xóm thương tình cho. Sợ cha mẹ ăn uống như thế sẽ không đủ sức chống chọi với bệnh tật, nên buổi tối, Vũ đem lưới ra con sông ở đầu thôn đánh cá để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Đêm nào nhiều cá, Vũ còn đem ra chợ bán, số tiền này em để dành mua sách vở cho bốn anh em. "Nhìn cháu còn nhỏ mà phải làm lụng vất vả như thế, tôi xót lắm, tôi khuyên cháu hãy nghỉ ngơi, nhưng nó nói, “con thương ba mẹ, thương em lắm, hãy để con cố gắng làm giúp gia đình mình”. Tôi nghẹn ngào không biết nói gì nữa", chị Mùi nói trong nước mắt.

Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng em Vũ vẫn miệt mài chăm chỉ học tập và suốt 8 năm học vừa qua em luôn đạt học sinh tiên tiến. Còn hai em của Vũ, đều là những học sinh xuất sắc của trường. Nhưng con đường đến trường của anh em Vũ bây giờ trở nên quá chông chênh. "Thằng con út chuẩn bị học lớp 1, vậy là bốn anh em đều đi học sao mà thằng Vũ lo cho hết. Ăn còn không no làm sao mà đi học. Chắc tụi nó phải nghỉ học thôi", chị Mùi lau vội nước mắt chia sẻ với PV. Nghe mẹ nói cho nghỉ học, bé Anh Trúc òa khóc: "Không, con muốn đến trường, con không nghỉ học đâu mẹ ơi!". Cậu em út nghe chị khóc cũng sụt sùi khóc theo.

"Nhờ chính sách của Nhà nước, gia đình em thuộc diện hộ nghèo nên được miễn giảm tất cả các khoản học phí. Chắc em cố gắng học hết lớp 9, sau đó nghỉ học đi làm lo cho gia đình chứ em vừa học vừa làm thế này sẽ không đủ tiền cho các em đi học, lo thuốc men cho cha mẹ. Dù vất vả đến mấy, em cũng không để các em mình phải nghỉ học", Vũ bẽn lẽn lau nước mắt.

Địa phương luôn trăn trở

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch xã Bình Thanh Tây cho biết: "Gia đình cháu Trương Quốc Vũ thuộc diện hộ nghèo nhất xã. Chính quyền địa phương luôn trăn trở về hoàn cảnh này. Hàng tháng, gia đình cháu Vũ nhận hỗ trợ tiền điện, khi có khoản hỗ trợ nào, xã đều ưu tiên cho nhà cháu. Địa phương rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để bốn anh em cháu Vũ được học hành đến nơi đến chốn".

NHƯ Ý

Xem thêm video:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]