Nghịch lý: Nhân lực đổ vào nơi hiệu quả thấp, năng suất âm!

Dân trí Một nghịch lý đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam là những ngành có năng suất lao động thấp nhất hiện cũng là ngành phân bổ nhiều nguồn lực nhất bao gồm: bất động sản, tài chính ngân hàng hay xây dựng...

0
Trong các năm gần đây đều cho thấy những điểm yếu cơ bản của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là thiếu lao động quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động được đào tạo và sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ.

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn Đại học đợt 1, giảng viên một trường kinh tế lớn trong nước chia sẻ trên trang cá nhân: “Ở góc độc một thành viên của trường, tôi tự hào khi trường tôi nằm trong số các trường có điểm tuyển sinh cao nhất. Nhưng việc các em học sinh giỏi đua nhau lao vào các trường khối kinh tế lại là điều làm tôi lo lắng nhất về tương lai của đất nước này”.

Những nhận định trên hoàn toàn không phải chỉ là “cảm nhận” của một người làm trong ngành giáo dục lâu năm. Trên thực tế, mới đây, báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra rằng, thập kỉ 90, hầu hết các ngành mức tăng trưởng năng suất lao động tương đối tốt nhưng từ năm 2000 trở đi, tăng trưởng nâng suất lao động trong các ngành chính đều giảm, trong 4 ngành thậm chí mức tăng trưởng âm là khai mỏ, dịch vụ công ích, xây dựng và tài chính.

Một điểm đáng lưu ý, những ngành có năng suất lao động thấp nhất cũng là ngành phân bổ nguồn lực nhiều nhất bao gồm: bất động sản, tài chính ngân hàng, xây dựng. Một số ngành có năng suất lao động cao như: ngành chế biến thực phẩm, dệt may và điện tử - có năng suất, hiệu suất cao hơn thì lại thu hút được ít nguồn lực hơn.

Số liệu thực tế cũng cho thấy, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn và mức thu nhập hấp dẫn nhưng Việt Nam vẫn thiếu hụt một lượng lớn kỹ sư kỹ thuật nói chung và kỹ sư điện tử nói riêng.

Dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại thị trường Việt Nam trong quý I/2015 do Navigos Search cung cấp cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh và điện tử vẫn tiếp tục dẫn đầu, chiếm 21% tổng số yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng vẫn rất khó khăn trong khâu tìm kiếm kỹ sư, đặc biệt là kỹ sư có chất lượng, tay nghề tốt.

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu khi mà năng suất lao động chưa cải thiện nhưng lại chỉ tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính - ngân hàng bất động sản cũng là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch.

Báo cáo mới đây của Uỷ ban Kinh tế trung ương cũng thừa nhận, đào tạo nguồn nhân lực đang là một trong hai điểm nghẽn của Việt Nam trong thời kỳ phát triển công nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa sát với nhu cầu phát triển nền kinh tế và nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân hạn chế về kiến thức, năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ không cao,…

Báo cáo dẫn kết quả điều tra của Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation, JBIC) trong các năm gần đây đều cho thấy những điểm yếu cơ bản của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là thiếu lao động quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động được đào tạo và sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ. Các hạn chế này đều sâu sắc hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Trung Quốc.

Theo Ban Kinh tế trung ương, nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhân lực phổ thông, chưa qua đào tạo, trong khi đó, nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Chất lượng lao động không chỉ thấp mà còn mất cân đối về ngành nghề, vùng miền. Khả năng của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Trở lại với những chia sẻ của vị giảng viên nhắc tới ở trên, vị này cho rằng, một đất nước như Việt Nam không thể phát triển và bền vững được nếu không dựa trên một nền sản xuất phát triển. Và một nền sản xuất phát triển thì cần nhiều các kỹ sư giỏi hơn là có nhiều nhà kinh tế (kể cả là giỏi).

"Nếu bạn chia sẻ điều này với tôi, hãy động viên con, em hay các bạn trẻ xung quanh chúng ta vào học các trường kỹ thuật - công nghệ (sinh học, nông nghiệp, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin...) nhiều hơn. Nếu mọi người làm điều đó từ bây giờ, 15 năm sau đất nước chúng ta có thể sẽ được hưởng thành quả phát triển”, ông nhấn mạnh.

Phương Dung

15.6004--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]