Người bệnh tiểu đường nên ăn Tết thế nào?

Tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết bất thường luôn tiềm ẩn đối với người bị bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ.

15.613

Theo DS. Phan Thu Thảo, ngày Tết, bất cứ gia đình nào có cũng bánh, kẹo, mứt.... Việc ăn vặt, nhất là đồ ngọt do tiếp khách cả ngày rất khó tránh khỏi với người tiểu đường làm cho việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn hơn.

Đường trong máu tăng cao bất thường có thể dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận, mắt – đây là hai cơ quan được nuôi dưỡng bởi các mạch máu nhỏ nên bị ảnh hưởng đầu tiên. Vậy làm thế nào để kiểm soát đường huyết trong ngày Tết?


Kiểm tra đường huyết hàng ngày


Uống nhiều rượu bia trong ngày tết sẽ không có lợi cho bệnh tiểu đường, vì rượu không chỉ gây hạ đường huyết mà còn gây rối loạn chức năng gan, làm tăng nặng thêm rối loạn chuyển hóa vốn đang có ở người bệnh tiểu đường.

Lượng đường trong máu rất thấp cũng có thể gây nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến não – do não chỉ sử dụng năng lượng là gluco. Để bảo vệ chính mình và chống lại sự thay đổi đường máu thất thường tốt nhất là cố gắng giữ chế độ ăn uống và chế độ tập luyện thông thường của bạn trong suốt kỳ nghỉ tết.

Việc theo dõi đường máu hàng ngày đối với người bị tiểu đường là cần thiết để giúp việc điều chỉnh đường huyết một cách hiệu quả nhất. Nên có máy thử đường huyết cá nhân và máy đo huyết áp để tiện theo dõi.

Xử lý khi có sự bất thường về đường huyết: Người bị bệnh tiểu đường cũng như các thành viên trong gia đình nên học cách xử lí một số tình huống cấp cứu khi cần, trước khi tìm đến sự giúp đỡ của thầy thuốc. Khi đường máu tăng cao thì cần uống nhiều nước. Nếu có dấu hiệu của cơn hạ đường huyết như hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi lạnh thì ăn hoặc uống ngay các thức ăn hay đồ uống có chứa nhiều đường hấp thu nhanh như nước đường, sữa, bánh kẹo ngọt...

Bí quyết ăn uống ngày Tết đối với người bệnh tiểu đường

Ngày Tết, trong mâm cơm gia đình nào cũng nhiều  chất béo, chất đạm và luôn tạo cảm giác ngon miệng. Chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn làm mỡ máu, huyết áp, biến chứng tiểu đường trở nên khó kiểm soát.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến những người bệnh đã và đang bị biến chứng tiểu đường, nhất là những người đang có rối loạn mỡ máu (lipid máu), rối loạn chức năng thận.

Ăn quá nhiều cholesterol có nhiều trong phủ tạng động vật, trứng, sữa hoặc thức ăn chiên rán sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu đang gặp phải ở người bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ tắc mạch, đoạn chi.

Chế độ ăn giàu đạm (thịt nạc, cá,…) sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và tăng nguy cơ biến chứng thận (suy thận).

Người tiểu đường dĩ nhiên vẫn cần tận hưởng cuộc sống, bạn vẫn có thể thưởng thức các món đó, nhưng chỉ nên ăn một lượng vừa phải, bên cạnh những món ăn đó thì vẫn có các món ăn nhẹ nhàng, ít chất béo, nhiều rau xanh (chất xơ) cũng có thể giúp phòng tránh các nguy cơ biến chứng.

Ngày Tết, việc ăn uống, đi chơi của gia đình luôn bị đảo lộn
. Các bữa ăn không đúng giờ, thậm chí có thể bị bỏ qua khi mải vui hoặc không tiện bữa, dẫn đến nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và duy trì đường huyết, người bệnh tiểu đường nên cố gắng giữ nếp sinh hoạt như ngày thường: ăn đúng bữa, luyện tập nhẹ nhàng và nhớ uống thuốc. Đồng thời chú ý mỗi khi ra khỏi nhà cần mang theo bên mình đồ ăn như bánh, sữa...phòng khi xảy ra cơn hạ đường huyết dọc đường.

Đồng thời, những người thân trong gia đình cũng cần đồng hành cùng họ, thường xuyên lưu ý khẩu phần bữa ăn, giờ giấc sinh hoạt, nhắc nhở uống thuốc, vận động, học cách xử trí các tình huống…để giúp người bệnh tiểu đường có được những ngày Tết vui vẻ, an toàn.

AloBacsi.vn
Theo Phạm Minh - VnMedia

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]