Người tiểu đường nên ăn đồ ngọt như thế nào?

Tuần qua, chuyên mục "Khám bệnh online" nhận được 32 câu hỏi về bệnh Tiểu đường. Sau khi lọc ra những câu hỏi trùng ý, TS.BS Lê Tuyết Hoa đã trả lời.

15.6154

Xin chào BS Tuyết Hoa,

 

Bố tôi 57 tuổi, bị mắc bệnh đái tháo đường đã 13 năm nay, hiện nay mỗi ngày bố tôi phải tiêm insulin 4 lần. Ông rất thèm ăn đồ ngọt. Gần đây tôi nghe nói có loại kẹo dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Xin BS cho biết loại kẹo đó có tác dụng phụ gì không?

 

Ngoài kẹo, tôi còn thấy các loại Coca Cola Light, Pepsi Light dành cho người tiểu đường, không biết mỗi ngày bố tôi được uống mấy lon? Hình như các loại đường hóa học đều có tác dụng phụ nếu dùng nhiều?

 

Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội - [email protected])

 

Chào bạn,

 

Chúng tôi không khuyên người ĐTĐ ăn đồ ngọt, ngoại trừ dùng một ít chất tạo ngọt viên/gói mà bạn có thể mua ở các nhà thuốc dễ dàng và lưu ý dùng số lượng đúng theo hướng dẫn.

 

Coca Light (diet) hay Pepsi Light sử dụng chất tạo ngọt là đường aspartam (một ít sản phẩm dùng đường sucralose) có trên thị trường dành cho người cần chế độ ăn ít chất ngọt/ chất đường. 1 lon 330mL coke diet chỉ cung cấp 1,3 calories trong khi lon Coca thông thường cho đến 142 calories. Như vậy, ba bạn có thể dùng như nước giải khát, nhưng cũng đừng lạm dụng.

 

Ông có thể ăn chất béo thực vật là nhóm chất béo không bão hòa có nhiều nhánh, ít làm tăng cholesterol có hại trong máu. Ăn đậu phộng, hạt điều... bao nhiêu mỗi ngày là vừa thì thật khó nói. Người bình thường cũng chỉ thỉnh thoảng mới ăn 2 thứ đậu này. Do vậy, ba bạn cũng được ăn và cũng ở mức độ thỉnh thoảng, nghĩa là 1-3 lần/ tuần là quá đủ (không ăn hàng ngày). Đậu phộng luộc 8-10 hạt hoặc 5-6 hạt điều rang/1 lần ăn.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Cháu chào BS Tuyết Hoa,
 
Cháu rất thích những câu cô tư vấn, rất dễ hiểu và gần gũi. Cháu 30 tuổi, cao 1,65m, nặng 73kg, bị tiểu đường 6 năm rồi. Cháu bị tiểu đường do rối loạn nội tiết, uống mỗi ngày 1 viên glucofa 850mg.

 

Cô cho cháu được hỏi là hiện nay có loại thuốc nào có khả năng làm giảm ảnh hưởng của đồ uống có cồn tới căn bệnh này? Nhiều khi đi tiệc tùng, vui miệng cháu ăn uống không điều độ thì cháu có thể dùng thuốc nào để hạ đường huyết ngay? Hay uống thêm thuốc tiểu đường? Bị hạ đường huyết lâu dài có làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiểu đường không ạ?

 

Cháu xin cảm ơn và kính chúc cô lúc nào cũng xinh đẹp như tấm hình cô trên AloBacsi ạ.

 

Lê Hồng Ánh (Quận 1, TPHCM - [email protected]

 

Khi dự tiệc, người bệnh tiểu đường nên tránh món tráng miệng ngọt - Ảnh: internet
 
Mến chào Hồng Ánh,

 

Cháu quả là đã thừa cân và tỏ ra là người rất ham vui, lại có tâm hồn ăn uống đúng không?

 

Làm gì có loại thuốc nào có khả năng làm giảm ảnh hưởng của đồ uống có cồn tới căn bệnh này. Do vậy, người ĐTĐ nếu đi tiệc tùng, vẫn phải tuân theo một số nguyên tắc chính :

 

- Uống nước đủ trước bữa tiệc, thậm chí có thể phải ăn nhẹ ở nhà để hạn chế ăn nhiều thức ăn của buổi tiệc

- Chọn thức ăn luộc, rau cải nấu canh

- Hạn chế chiên xào, thức nhiều dầu mỡ

- Không ăn thêm những món tráng miệng ngọt

- Chỉ dùng rượu khai vị, nếu phải uống bia rượu, hãy giới hạn trong 1 lon bia hoặc 150ml sâm banh

- Chỉ ăn vừa đủ, không nên ăn no.

 

Về mặt điều trị, bác sĩ không bao giờ cho phép bệnh nhân ăn không kiểm soát rồi mặc tình uống thêm hoặc tăng liều thuốc hạ đường huyết cả. Ăn uống hợp lý và vận động thể lực phù hợp quyết định rất lớn đến sự thành công của điều trị (chứ không phải là thuốc đâu cháu ạ)

 

Chắc chắn hạ đường huyết sẽ có ảnh hưởng đến sức khóe thậm chí tính mạng, đặc biệt đối với người già, người có biến chứng mạn tính của ĐTĐ.

 

Vậy nhé cháu. Rất cám ơn lời chúc của cháu, BS cũng chúc cháu luôn có mức đường huyết ổn định nhé.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Chào bác sĩ,

 

Tôi tên là Đỗ Thị Hòa, 54 tuổi, cân nặng 53 kg, bệnh tiểu đường tuyp 2, chỉ số đường huyết lúc đói 126, uống đường vào rồi thử lại 256, mới phát hiện bệnh cách đây 2 tháng.

 

Ngoài bệnh tiểu đường tôi còn có bệnh mỡ máu cao, huyết áp cao, tôi vẫn uống 1/2 viên thuốc BS cho đơn vào buổi sáng, nên huyết áp lâu nay vẫn bình thường.

 

Thời gian gần đây tôi thấy các ngón tay và ngón chân có hiện tượng tê, nhất là về ban đêm tê cả bàn tay.

 

Mong BS Tuyết Hoa tư vấn cho tôi một thực đơn ăn uống hàng ngày. Hiện nay tôi vẫn còn đang làm việc cơ quan Nhà nước.

 

Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong nhận được câu trả lời của BS.

 

Thanh Hòa (Bình Dương - Email: [email protected])

 

Chị Hòa thân mến,

 

Chị có thể đọc tham khảo các câu trả lời của BS về việc ăn uống như:

 

 

Để có 1 thực đơn hàng ngày chính xác, chị cần gặp BS dinh dưỡng, vì phải tính toán calories nhập vào cân đối với cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của chị. Cũng như tính toán thành phần thực phẩm trong hoàn cảnh tăng huyết áp và mỡ máu của chị.

 

Tuy nhiên, cách tốt nhất là chị đừng quá quan trọng hóa việc ăn uống, đừng quá lo lắng... Nếu bệnh chưa có biến chứng thận, chị chỉ cần ăn đa dạng, ít chất bột (cơm, bánh mì, miến, phở, hủ tiếu, mì gói...), thịt cá có thể ăn bình thường (nhưng không ăn nhiều khi đi ăn tiệc), tăng gấp đôi rau cải, trái cây ăn khoảng 1/2 của người bình thường, giảm bớt chất béo (dầu mỡ), bớt ăn mặn.

 

Chị không nên ăn quá no, vừa đủ no sẽ tốt hơn. Nếu được, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ, điều này hạn chế đường huyết tăng cao sau ăn. Bữa chiều tối là bữa ăn nhẹ nhất trong ngày. Việc ăn uống hãy linh động nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc trên.

 

Việc tê tay và chân, chị nên đến BS chuyên khoa để được khám và chẩn đoán.

 

Thân ái!

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Chào bác sĩ,
 
Tôi 42 tuổi (nữ), cách đây 1 năm chẩn đoán bị đái tháo đường tuyp 2. Tôi uống thuốc điều trị cùng với diabecna (dây thìa canh) cùng liên tục uống Glucerna SR trong vòng 6 tháng. Lúc đầu uống Glucerna, bệnh tình hồi phục rất nhanh nhưng hình như càng về sau uống Glucerna vẫn bình thường.

 

Hiện nay thỉnh thoảng hằng tuần tôi vẫn đo đường huyết lúc đói thường ở mức 4,9mlg - 5,2mlg, lúc ăn thi dưới 7. Chỉ số này vẫn duy trì cho đến nay. Xin bác sĩ cho biết như vậy tôi đã hết bị bệnh đái tháo đường chưa và có nên uống thuốc, uống Glucena nữa không? Hiện tại thỉnh thoảng tôi vẫn uống diabacna. Xin bác sĩ cho một lời khuyên trong việc điều trị và ăn uống. Xin chân thành cảm ơn.

 
Kim Thoa (Nam Định - [email protected])

 

Chào chị,
 

Bác sĩ thật chưa hiểu hết ý chị trong câu “uống Glucerna, bệnh tình hồi phục rất nhanh nhưng hình như càng về sau uống Glucerna vẫn bình thường”. Bệnh tình hồi phục rất nhanh cụ thể là sao chị nhỉ?

 

Thật ra, Glucerna là sữa dành cho người ĐTĐ vì góp phần đảm bảo người bệnh có được thức uống dinh dưỡng hợp lý, ít làm tăng đường tăng mỡ máu hơn những loại sữa có đường còn nguyên kem khác.

 

Thông thường người ĐTĐ tình trạng sức khỏe yếu kém hoặc bệnh phải nhập viện, hoặc người bệnh cao tuổi ăn kém mới thật sự cần uống bổ sung sữa Glucerna. Nếu chị khỏe mạnh, việc ăn uống đủ chất hợp lý kết hợp với tập luyện thể lực (có hay không có kết hợp thuốc hạ đường tùy theo chỉ định của BS) đủ đảm bảo ổn định đường huyết và tình trạng sức khỏe chung của chị.

 

Bệnh ĐTĐ không thể hết được... nhưng ở 10% người bệnh ĐTĐ, việc ăn uống đúng cách và tập luyện vận động có thể giúp đường huyết bình thường mà không cần phải dùng thêm thuốc. Việc ăn uống, chị hãy tham khảo thêm các câu trả lời trước của BS nhé.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Chào BS Tuyết Hoa,
 
Tôi 54 tuổi (nam), tôi đọc nhiều lời khuyên về ăn uống của người ĐTĐ, nhưng những bài viết chủ yếu dựa trên các bài của báo nước ngoài (như quả dâu tây, bánh mỳ đen,...). Vậy nên tôi muốn có lời khuyên cụ thể về các thực phẩm của Việt Nam gần gũi hay dùng. Xin cảm ơn BS rất nhiều.

 

Ngoài ra hiện nay có 2 cách tính về chỉ số đường huyết, khi thì tính bằng 120 là bình thường, lúc thì bảo chỉ số 4,9mlg. Tôi mù mờ về 2 cách tính này quá. Xin BS tư vấn giúp và cho biết bảng so sánh giữa 2 chỉ số này.

 

 Đoàn Đình Hòa (Long Khánh, Đồng Nai - [email protected])

 

Anh thân mến,

 

Đối với người ĐTĐ, lượng ăn cũng tùy vào cân nặng và hoạt động thể lực/lao động của anh, nghĩa là nếu người có cân nặng lý tưởng nhưng lao động nặng có thể ăn 3 chén cơm lưng/bữa, nhưng lao động nhẹ thì chỉ không hơn 1 chén đầy (2 chén lưng) /bữa ăn. Ăn 2 bữa chính, 1-2 bữa phụ... và rất linh động theo từng cá thể (tham khảo thêm ý kiến bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể).

 

Thật ra, việc ăn uống cho người ĐTĐ không quá phức tạp, anh hãy ăn những thức ăn vốn có ở địa phương mình và nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Ví dụ bánh mì đen (làm từ bột lúa mạch) ít làm tăng đường hơn bánh mì trắng (làm bằng bột mì), tuy nhiên VN chúng ta không phổ biến bánh mì đen, vì vậy vẫn có thể ăn bánh mì trắng thông thường, nhưng với số lượng hạn chế (thay vì ăn 1 ổ 3.000đ, anh chỉ có thể ăn nửa ổ mà thôi).

 

Trái cây hãy ăn đa dạng để cơ thể có đủ khoáng chất và vitamin và nên chọn thứ ít ngọt. Trái cây ít ngọt: mận, táo ta (táo xanh nhỏ), cóc, ổi... loại này anh có thể với số lượng gần như người bình thường, nghĩa là mỗi suất ăn được 2 trái mận, 3-5 trái táo ta, 1 trái ổi nhỏ...

 

Trái cây ngọt: nho, nhãn, mít... vẫn ăn được, nhưng mỗi suất ăn chỉ 3-4 trái (hoặc múi mít) mà thôi. Sầu riêng nên kiêng. Xoài, thanh long có thể ăn 1/2 trái nhỏ mỗi suất. Chuối cau 2 trái.

 

Tóm lại trái cây ăn đa dạng, nhưng chỉ 3-4 suất mà thôi, chia đều trong ngày. Rau cải nên ăn nhiều gấp đôi người bình thường sẽ có lợi.

 

Có 2 Đơn vị đo glucose máu: mmol/L và mg/dL (hay mg%). Khi đường huyết đo được là 7mmol/L tức tương đương với 126 mg%.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

 

 

Thưa bác sĩ Tuyết Hoa,

 

Mẹ cháu năm nay 63 tuổi, bị tiểu đường tuyp 2 đã 6 năm. Huyết áp bình thường. Cao 1,57m, nặng 60kg. Hàng tháng mẹ cháu vẫn đi khám định kỳ ở bệnh viện và uống thuốc đều đặn. HBA1C của mẹ là 7,7. Nhưng khi uống thuốc mẹ cháu ăn uống rất kém và hay bị đi ngoài phân lỏng. Có phải mẹ cháu đi tiêu lỏng là do thuốc? Nếu vậy có cần đổi thuốc không? Xin BS cho biết mẹ cháu phải ăn uống chế độ như thế nào để có sức khỏe mà không ảnh hưởng nhiều đến bệnh?

 

Nguyễn Thị Thúy (Đồng Tháp - [email protected])

 

Cháu thân mến,

 

Cháu hãy cho mẹ đến BS chuyên khoa khám, vì có vài lý do tiêu chảy liên quan trực tiếp đến ĐTĐ như: do tác dụng không mong muốn của thuốc, do bệnh thần kinh tự chủ trên đường ruột của ĐTĐ... và còn những lý do khác của bệnh nội khoa người lớn.

 

Việc đổi thuốc do vậy sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh ĐTĐ của mẹ cháu. Chắc rằng câu trả lời này chưa thỏa mãn được cháu... nhưng trường hợp của bác chỉ có thể trả lời chính xác và cụ thể khi thăm khám bệnh nhân thôi cháu ạ.

 

TS-BS Lê Tuyết Hoa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]