Không phủ nhận những nhà đầu tư giàu có tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vẫn ưa thích đầu tư vào TTCK trong nước, song nhiều người đang hạn chế tối đa các rủi ro bằng cách đặt gần một nửa tài sản của mình vào các khoản đầu tư ít biến động hơn như cổ phiếu cá nhân và bất động sản.

Trong báo cáo về chiến lược đầu tư của các công ty quản lý tài sản gia đình mới được Trung tâm nghiên cứu đầu tư Campden Wealth Research và Ngân hàng UBS công bố, sự trồi sụt gần đây trên các TTCK Trung Quốc, song hành cùng sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, đã khiến những người siêu giàu tìm tới các khoản đầu tư có mức độ điều chỉnh tương quan thấp hơn so với các TTCK trong nước, bao gồm danh mục ít thanh khoản như quỹ đầu cơ thanh khoản.

Trung bình, các công ty quản lý tài sản gia đình tại châu Á phân bổ chỉ 5% tài sản vào các quỹ đầu tư thanh khoản trong năm 2014 so với mức tương ứng 9% của toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ sau những biến động trên các thị trường trong giai đoạn 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư giàu có tại châu Á đang hướng tới những chiến lược khác, có thể tạo thêm các “bộ đệm” cho danh mục đầu tư của mình.

Các công ty quản lý tài sản gia đình được hình thành bởi các gia đình sở hữu hàng trăm triệu USD, số tiền cần được chuyển giao và tái đầu tư từ thế hệ này sang thế hệ khác. Năm ngoái, các gia đình châu Á phân bổ tổng cộng 45% tài sản của họ vào những công cụ đầu tư thay thế ít thanh khoản: cổ phiếu cá nhân (28%), đầu tư bất động sản (12%) và quỹ đầu cơ thanh khoản (5%), theo báo cáo của Campden Wealth Research và UBS.

Trong khi “nhà giàu” châu Á phân bổ lượng đầu tư đáng kể vào cổ phiếu cá nhân, các công cụ đầu tư khác của họ cũng không khác biệt nhiều so với các đối tác toàn cầu. Theo báo cáo, trong năm 2014, tỷ lệ trung bình của toàn cầu là 22% cho cổ phiếu cá nhân, 13% cho đầu tư bất động sản và 9% cho quỹ đầu cơ thanh khoản.

Đây là năm thứ hai liên tiếp UBS cộng tác với Campden Wealth để nghiên cứu về đầu tư của các công ty quản lý tài sản gia đình, trong đó tập trung vào cấu trúc, mục đích và chi phí các khoản đầu tư của họ. Năm nay, có 224 công ty quản lý tài sản gia đình tham gia, trong đó có 35 tại châu Á với khối tài sản trung bình 431 triệu USD. Tại châu Á, khái niệm công ty quản lý tài sản gia đình vẫn tương đối mới, và phần lớn hoạt động không chính thức hoặc như một bộ phận kinh doanh của gia đình.

Trong khi đó, các công ty quản lý tài sản gia đình trên thế giới hiện vẫn chủ yếu sử dụng tiền đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Nhìn chung, các công ty quản lý tài sản châu Á theo đuổi xu hướng đa dạng hóa đầu tư theo kiểu “không để trứng vào một giỏ”, phản ánh những lo ngại của họ trong việc duy trì tài sản bền vững cho các thế hệ tương lai.

Điều này đã tỏ ra có hiệu quả, khi theo khảo sát, họ thu được 6,3% lợi nhuận trên phương diện đồng USD trong năm ngoái, chỉ đứng sau khu vực châu Âu với lợi nhuận trung bình 6,4%.

Sự biến động của TTCK đã tác động tới lợi nhuận các gia đình trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các TTCK phát triển theo đánh giá của MSCI World Index, khu vực này chỉ chứng kiến mức sụt giảm trung bình 2,9% năm 2014, so với mức tụt dốc 24% của năm 2013.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)