Bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây để nhận biết một số bệnh trẻ thường gặp nhất. Tuy nhiên, cần nhớ là phải luôn đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị chính xác.
1. Bệnh ecpet mảng tròn
Côn trùng không là thủ phạm gây ra những vòng trên da này. Nguyên nhân có thể da bị nhiễm trùng do một loại nấm sống trên lớp da chết, tóc và mô móng tay. Lúc đầu, mảng da này đỏ, tróc vẩy hoặc phồng lên, sau đó phát triển thành những vòng tròn đỏ ngứa với những đường viền bỏng giộp xung quanh. Các vòng tròn này có thể lây qua việc tiếp xúc da hay dùng chung vật dụng như khăn, dụng cụ thể thao với người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều có thể trị lành với những loại kem chống nấm.
2. Hội chứng má đỏ
Là bệnh lây nhiễm nhưng nhẹ và có thể lành sau 1 vài tuần. Ban đầu, bệnh có những triệu chứng như cúm, sau đó xuất hiện những nốt đỏ trên mặt và cơ thể. Bệnh thường lây khi ho hoặc ngáy, thời điểm dễ lây nhất là 1 tuần trước khi những vết đỏ này xuất hiện. Có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, sử dụng thuốc giảm đau (không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi). Tuy nhiên, cần quan sát các dấu hiệu khác có thể chỉ ra những bệnh nặng hơn.
3. Bệnh thủy đậu
Đây là loại bệnh rất dễ lây với biểu hiện là những vết đỏ ngứa bỏng giộp trên khắp cơ thể. Bệnh thường không gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ. Đặc biệt, nếu đã bị 1 lần thì thường sẽ không bị nữa. Hầu hết trẻ chỉ cần điều trị ở nhà như nghỉ ngơi, uống thuốc để giảm ngứa, sốt hay những triệu chứng khác như bệnh cúm.
4. Bệnh chóc lở
Cũng là bệnh lây nhiễm làm xuất hiện những vết bỏng giộp đỏ và gây đau nhức. Chúng có thể vỡ, rỉ nước và tạo thành một lớp vỏ có màu nâu vàng. Bệnh làm trẻ đau khắp nơi trên cơ thể nhưng thường xuất hiện xung quanh miệng và mũi. Đường lây của bệnh chủ yếu qua việc tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ như khăn, đồ chơi. Việc trẻ gãi sẽ làm lây sang những phần khác trên cơ thể. Một số chất kháng sinh dạng thoa có thể chữa được bệnh này nhưng cũng cần uống một số kháng sinh dạng viên.
5. Mụn cóc
Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc với virut papilloma, một loại virut lây nhiễm ở người. Những mụn trên có thể lây từ người qua người khi dùng chung đồ dùng của người bệnh. Phòng chống lây nhiễm bằng cách đừng bóc chúng ra hay che lại bằng băng dán, hãy luôn giữ khô ráo. Trong hầu hết các trường hợp chúng vô hại, không đau và có thể tự biến mất. Nếu chúng vẫn còn thì bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp phẫu thuật laser hay dùng chất hóa học.
6. Chứng nổi rôm
Đó là hậu quả của việc tắc ống dẫn mồ hôi. Những nốt nóng gây cảm giác kim châm này giống như những đồng tiền nhỏ màu đỏ hoặc hồng. Chúng xuất hiện trên đầu, cổ hoặc vai của trẻ, thường là do bố mẹ cho trẻ mặc quá ấm và cũng có thể xảy ra với trẻ khi thời tiết quá nóng. Nên cho bé mặc nhẹ, thoáng dù bàn tay hay ngón chân của chúng có vẻ lạnh- một tình trạng không đáng ngại.
7. Viêm da do tiếp xúc
Đó là phản ứng dị ứng do tiếp xúc với thực phẩm, xà phòng hay dầu của một số cây có độc… Những vết đỏ sẽ nổi lên trong vòng 48 tiếng sau khi tiếp xúc. Nếu nhẹ sẽ gây đỏ da hoặc những vết sưng đỏ nhỏ; nặng có thể gây phồng da, bỏng giộp lớn trên da. Bệnh thường có thể tự biến mất khi không còn tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vì vậy, bạn nên giữ con tránh xa loại cây sơn độc.
8. Tay chân miệng
Đây là bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu, bắt đầu với biểu hiện sốt. Sau đó, bé sẽ thấy đau miệng, xuất hiện những vết đỏ (nhưng không ngứa), phồng da ở bàn tay, bàn chân, có khi ở mông hoặc ở chân.
Bệnh thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ vật của người bệnh. Do đó, nên rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với bệnh này. Cách điều trị tại nhà là dùng ibuprofen hoặc paracetamol, không dùng aspirin với trẻ dưới 16 tuổi và nên uống nước, ăn nhiều thức ăn lỏng, dinh dưỡng, dễ tiêu, lỏng.
9. Chàm bội nhiễm
Bệnh kinh niên gây ra khô da, ngứa và nhiều vết đỏ. Khi đã lớn hơn, một số trẻ có biểu hiện nhẹ đi nhưng cũng có trẻ bị nặng hơn. Ở các trường hợp nặng, những nốt đỏ không lây nhiễm có thể bị nhiễm trùng. Nguyên nhân gây bệnh là do không vệ sinh sạch sẽ, tuy nhiên bệnh cũng có thể do dị ứng của bản thân, suyễn và hệ thống miễn nhiễm quá nhạy.
10. Mề đay
Bệnh thường xuất hiện với những lớp da đỏ, ngứa, nóng hoặc nhức. Những lớp đỏ này có ở khắp nơi trên cơ thể và kéo dài trong vài phút hoặc vài ngày. Bệnh có thể là dấu hiệu nghiêm trọng nếu kết hợp với việc khó thở. Bác sĩ có thể cho con bạn dùng thuốc như aspirin (không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi), hay penicillin. Hãy hạn chế dùng những thực phẩm như trứng, quả hạch, sò ốc, gia vị thực phẩm. Thân nhiệt cao và nhiễm bệnh như đau cổ họng cũng có thể xuất hiện những vết đỏ này.
11. Bệnh tinh hồng nhiệt
Là bệnh nhiễm trùng cổ họng với lớp đỏ tấy. Triệu chứng là đau họng, sốt, đau đầu, đau bụng và tuyến cổ sưng phồng. Sau 1- 2 ngày, lớp da đỏ này có bề mặt như giấy nhám và sẽ nhạt dần sau 7 đến 14 ngày. Rửa tay sạch sẽ có thể giúp giảm được sự lây lan của bệnh. Nên gặp bác sĩ nếu con bạn bị bệnh này. Cách điều trị thường là dùng thuốc kháng sinh.
12. Bệnh ban đào
Là bệnh lây nhiễm nhẹ và thường có ở trẻ em từ 6 tháng – 2 tuổi, ít xuất hiện ở trẻ sau 4 tuổi. Bệnh có các triệu chứng như bệnh về hô hấp, sốt cao trong hơn 7 ngày. Sốt sẽ đột nhiên kết thúc và theo sau là những vết đỏ nhỏ hồng – cũng có thể hơi phồng lên 1 chút. Phụ huynh có thể dùng paracetamol để trị sốt và nhớ không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi.
Theo Nguyên An - Phụ nữ TP.HCM
Ảnh: internet