Nhận diện bệnh khớp

Có nhiều loại bệnh khớp nhưng triệu chứng của chúng giống nhau, nên nhầm lẫn trong chuẩn đoán là khó tránh. Ngoài ra, lạm dụng thuốc cũng dẫn đến kết quả ngoài ý muốn.

15.5995
Tránh một bệnh gặp nhiều bệnh

Đương sự bị nhức khớp gối và các khớp ngón chân đến mức không đi lại được. Thoạt đầu bác sĩ (BS) cho rằng bị mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (VKDT). Bệnh nhân uống thuốc ròng rã nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, do cơn đau ngày càng “gào thét”, đành phải đổi BS. Vị này yêu cầu làm một số xét nghiệm, kết quả nồng độ axit uric lên đến 478 micromol/lít, thế là uống thuốc điều trị gút song song với ăn uống kiêng khem, cơn đau mới chịu “dịu giọng”.

Bên cạnh những trường hợp chẩn đoán bệnh không chính xác còn có những trường hợp khi tìm đến BS chuyên khoa thì đã có thêm nhiều bệnh, chỉ vì tự dùng thuốc giảm đau. Trong khi đó, thuốc chữa bệnh đau khớp chủ yếu giảm đau, kháng viêm. Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn nôn, nổi mẩn ngứa, cao huyết áp, xương bị giòn... Thuốc có khả năng giảm đau khớp nhưng lại tăng bệnh cho dạ dày: đau, nôn ói, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày... Đáng ngại nhất là những trường hợp điều trị nửa vời, vừa thấy bệnh thuyên giảm đã tự cho phép ngưng uống thuốc. Vì vậy, đã có bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp quay lại tìm BS trong tình trạng ngồi xe lăn, không thể nằm thẳng được.

Mặt khác, việc lựa chọn điều trị bằng cách tiêm thuốc vào khớp có khi cũng ảnh hưởng đến khả năng lao động chỉ vì nhiễm trùng, tổn thương gân xương do không tuân thủ kỹ thuật vô trùng, BS non tay nghề, không đúng chuyên môn…


“Điểm mặt” bệnh khớp hay gặp

Dân gian có câu: “thấp khớp đớp vào tim”. Đây là bệnh thường gặp ở các bé từ 6 - 15 tuổi. Khởi đầu là viêm họng do nhiễm liên cầu trùng rồi sau đó đau khớp thoáng qua vài ngày với đủ triệu chứng: viêm, nóng, đỏ, đau. Cuối cùng gây viêm ở van tim, các bé có thể bị di chứng như hẹp hở van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ… BS Đinh Tấn Phương - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM hướng dẫn cách phòng tránh: “Ăn uống hợp vệ sinh, đánh răng súc miệng sau khi ăn. Khi bị viêm họng cần đi khám bệnh và uống thuốc đúng theo toa của BS. Đừng để bị viêm họng nặng dễ gây biến chứng thấp tim”.

Vận động quá… tải, khuân vác không đúng tư thế... cũng dẫn đến đau khớp. Những cơn đau nhức này thường chỉ cần nghỉ ngơi, xoa bóp, day ấn huyệt, luyện tập hợp lý là bệnh sẽ tự ra đi mà không cần dùng thuốc.

Bệnh khớp hay gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, mất khả năng vận động và nguy cơ tử vong cao là VKDT. BS Hồ Phạm Thục Lan - Khoa Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115 TP.HCM cho biết: ‘Bệnh có liên quan đến nội tiết tố nữ là estrogen nên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp từ hai đến ba lần. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất từ 30 đến 50 tuổi”. Còn BS Thái Thị Hồng Ánh - Khoa Cơ xương khớp BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM thì cho rằng, bệnh gút thường gặp ở nam giới nhưng những người ăn chay cũng có thể bị gút do nhiều nguyên nhân: di truyền, chuyển hóa cơ thể. Phụ nữ qua tuổi mãn kinh tỷ lệ mắc bệnh gút cũng gia tăng.

Người bệnh có thể phân biệt VKDT và gút bằng cách nhận biết cơn đau. Với bệnh gút, khớp bị viêm sẽ gây đau dữ dội nhưng chúng không ở yên một chỗ mà di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Khi cơn đau “từ biệt” để đến khớp mới thì nơi viêm tấy ở khớp cũ không còn đau nhức nữa. Bệnh VKDT thì nhận dạng bằng thời gian. Trong khi những bệnh khớp khác thường cứng khớp trong khoảng 30 phút thì VKDT có thể kéo dài trên một tiếng. Biểu hiện trên nhiều khớp nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân đối xứng, ảnh hưởng toàn thân, buổi sáng thường xuyên bị cứng khớp, khớp đau dai dẳng, đau nặng dần theo thời gian, khớp sưng đỏ nóng và đau khi va chạm, sốt nhẹ.

Thoái hóa khớp là bệnh xảy ra trong quá trình tích tuổi, lạm dụng khớp, tư thế khuân vác không đúng, béo phì… bệnh gây đau nhức và cứng khớp, vì vậy hạn chế cử động ở khớp thoái hóa. Nếu thừa cân nên giảm cân để các khớp không phải “gồng gánh” quá nặng nhọc.

Cho đến nay, điều trị bằng thuốc y học cổ truyền kết hợp châm cứu, bấm huyệt có tác dụng giảm đau khớp, phục hồi chức năng vận động. Tập luyện, vận động nhẹ cũng giúp bảo tồn khớp nhưng cần có hướng dẫn của BS chuyên khoa.

AloBacsi.vn (Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM)

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]