Những dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh

Khó chịu, dễ khóc và thay đổi tâm trạng thất thường là những triệu chứng rất bình thường sau sinh. Có đến 80% sản phụ trải qua chứng rối loạn tâm lý sau sinh (Baby blues).

0

Thông thường, các triệu chứng rối loạn tâm lý hậu sản sẽ hết sau từ 1 đến 2 tuần sau sinh. Nếu các triệu chứng này vẫn kéo dài thì có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm hậu sản. 10% - 15% sản phụ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.

Triệu chứng trầm cảm có thể sẽ xuất hiện ngay khi vừa sinh hoặc phát triển trong suốt sáu tháng sau sinh, tuy nhiên, chứng trầm cảm này có thể điều trị được. Hiểu biết các triệu chứng có thể giúp ngăn ngừa sớm và điều trị. Sau đây là những dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.

1. Cảm giác buồn bã

Trước khi sinh, bạn thường mơ mộng, tưởng tượng về những niềm vui và ngọt ngào với đứa con sắp chào đời. Tuy nhiên, sau khi sinh, mọi thứ dường như trái ngược hoàn toàn, bạn cảm thấy mệt mỏi và tâm trạng thường xuyên buồn bã.

Cùng với cảm giác buồn bã, khóc và mau nước mắt cũng là những dấu hiệu khác của chứng trầm cảm sau sinh (PPD - Postpartum Depression). Sản phụ sẽ dễ có những cảm giác không vui vẻ, muốn khóc nhưng không thể khóc trong hầu hết thời gian.

Hoặc có khi bùng nổ cảm xúc vì những chuyện nhỏ nhặt. Nếu cảm giác buồn bã này kéo dài và không biến mất sau một hoặc hai tuần sau sinh thì có khả năng là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.

2. Khó khăn khi giao tiếp với con

Năm đầu đời của bé hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ, điều này sẽ khiến người mẹ cảm thấy căng thẳng và đôi lúc cảm thấy không muốn gắn bó với con. Người mẹ có thể cảm thấy mình không thể chăm sóc đầy đủ các nhu cầu của bé và nảy sinh cảm giác tội lỗi đối với con.

Thậm chí, mẹ có thể cảm thấy bực bội đối với con nếu đang trong tình trạng trầm cảm sau sinh. Điều quan trọng là bản thân người mẹ nhận biết những dấu hiệu này không có nghĩa là giữa bạn và con không có mối liên kết mẫu tử.

3. Mệt mỏi, mất ngủ và các triệu chứng khó ngủ khác

Trẻ sơ sinh có khả năng phá vỡ đồng hồ sinh học bình thường và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi cùng cực và kiệt sức trong thời gian dài thì nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.

Mệt mỏi quá mức có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu hoặc những vấn đề về sức khỏe khác, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm. Mất ngủ, khó ngủ và cảm giác buồn ngủ kéo dài cũng là những triệu chứng của trầm cảm sau sinh.

4. Biếng ăn/tăng cân

Chán ăn có thể là một triệu chứng trầm cảm sau sinh. Việc phải "vật lộn" với trẻ sơ sinh sẽ xáo trộn nhu cầu cũng như thói quen ăn uống của người mẹ. Nếu người mẹ bỗng dưng cảm thấy "không thấy đói" vào mỗi bữa ăn là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.

Một số phụ nữ có xu hướng ăn nhiều khi gặp trầm cảm. Nếu người mẹ tăng hoặc giảm cân thì đó có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh (ngoại trừ việc giảm cân bình thường sau sinh).

5. Giảm ham muốn tình dục

Nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng giảm ham muốn sau sinh. Đây không phải là điều đáng lo ngại, nhưng nếu kết hợp cùng với các triệu chứng khác thì có thể là chỉ báo của chứng trầm cảm sau sinh.

6. Tách biệt với gia đình, bạn bè và các hoạt động bên ngoài

Một tín hiệu báo động đỏ của chứng trầm cảm sau sinh chính là tách biệt khỏi gia đình và bạn bè. Một khi sự hối hả và tất bật với em bé mới sinh qua đi, người mẹ sẽ quay trở lại với những thói quen thường nhật như trước khi có con.

Nhưng nếu mẹ có xu hướng không thích tham gia vào những hoạt động đã từng rất thích, hoặc muốn tách biệt với gia đình và bạn bè thì đó có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Biểu hiện là thường xuyên thích ở nhà một mình và tự cô lập mình khỏi những thành viên của gia đình.

7. Tự làm tổn thương bản thân và con

Hội chứng trầm cảm sau sinh có thể có những gây nguy hiểm đến người mẹ. Xu hướng tự làm tổn thương bản thân và con là triệu chứng nguy hiểm nhất của hội chứng trầm cảm sau sinh.

Những bà mẹ được khuyến khích đến gặp chuyên viên tư vấn sức khỏe ngay khi có bất kỳ cảm giác muốn làm tổn thương đến con hay bản thân. Tìm hiểu và ý thức được những triệu chứng trầm cảm sau sinh, giữ liên lạc với bác sĩ tư vấn sẽ giúp mẹ có được sự giúp đỡ kịp thời khi cần thiết.

8. Rối loạn tâm thần sau sinh

Chứng rối loạn tâm thần sau sinh là một triệu chứng rất nghiêm trọng bao gồm tất cả các dấu hiệu kể trên cùng với chứng rối loạn tâm thần. Triệu chứng này rất hiếm, nhưng cần phải được phát hiện sớm.

Những dấu hiệu bị rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: hoang tưởng, ảo giác hay ảo tưởng, suy nghĩ nhầm lẫn hoặc vô lý, biếng ăn, mất trí nhớ và có xu hướng gây hại đến bản thân hoặc con.

Chứng rối loạn tâm thần sau sinh thường xuất hiện trong 2 đến 3 tuần đầu tiên sau sinh. Các bà mẹ mới sinh cần nhận thức được tình trạng rối loạn tâm thần và trầm cảm sau sinh để sớm điều trị.

Điều trị

Điều trị hội chứng trầm cảm sau sinh bao gồm: thuốc chống trầm cảm và tư vấn tâm lý. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm được dùng trong điều trị trầm cảm sau sinh, bao gồm những loại thuốc an toàn khi cho con bú. Các bà mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu hội chứng trầm cảm sau sinh.

Theo Thái Minh - Phụ nữ và Gia đình

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]