Những người làm rạng danh âm nhạc dân tộc

Chỉ trong một thời gian ngắn nền âm nhạc nước nhà đã mất đi 3 cây đại thụ: Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê (mất ngày 24/6) và 2 nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân (mất ngày 29/6).

15.6139

Cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình nhiều đời gắn bó với âm nhạc truyền thống, từ bé ông đã làm bạn cùng những làn điệu dân ca cũng như nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác. Rồi như một duyên nợ, suốt cả đời mình, ông đi khắp nơi chỉ để nghiên cứu, biểu diễn và truyền lửa cho bao người về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Trong hành trình miệt mài cống hiến ấy, ông đã góp phần làm rạng danh đất nước khi giới thiệu được nhiều loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc đến bạn bè quốc tế.

Giáo sư Trần Văn Khê.

Chính thức tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, năm 1948, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê bị bắt giam. Một năm sau, ông sang Pháp lánh nạn và bắt đầu sự nghiệp học tập, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam tại nước ngoài. Trải qua bao nhiêu vất vả, năm 1958, ông trở thành tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của nước ta với luận án nói về “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông liên tục hoạt động và cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá âm nhạc dân tộc Việt tại Pháp cũng như nhiều quốc gia khác. Là thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc trên thế giới, ông đã không ngừng giới thiệu các loại hình văn hóa dân tộc độc đáo của Việt Nam như: Ca trù, quan họ, hát chèo, múa rối nước hay đờn ca tài tử, hát bội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… đến bạn bè quốc tế.

Giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê truyền thụ âm nhạc dân tộc cho trẻ em.

Đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, nổi tiếng trong nước lẫn trên thế giới, nhưng lúc nào ông cũng gần gũi, vô cùng khiêm tốn và không ngừng mày mò, học hỏi. Sau năm 1975, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê có nhiều chuyến trở về Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, điền dã về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Năm 2006, Giáo sư Trần Văn Khê chính thức về định cư tại Việt Nam. Ở cái tuổi 85, ai cũng nghĩ ông sẽ dành thời gian để tịnh dưỡng. Thế nhưng, ông lại miệt mài với những buổi trò chuyện, những chương trình quảng bá âm nhạc dân tộc ở khắp mọi miền đất nước. Ngôi nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho ông từ ngày đó trở thành địa điểm tổ chức những buổi sinh hoạt về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ tất cả những tư liệu nghiên cứu suốt cả cuộc đời của ông. Cho đến khi biết mình không còn đủ sức để tiếp tục hành trình cống hiến, trong bản di nguyện của mình, cố Giáo sư Trần Văn Khê vẫn ao ước, mai đây, quỹ học bổng Trần Văn Khê có thể sẽ truyền thêm lửa để nhiều thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục sống với niềm đam mê âm nhạc dân tộc.

Hai đại thụ "lao động miệt mài" của làng nhạc

Trong cùng ngày 29/6, hai cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (91 tuổi) và nhạc sĩ Phan Nhân (85 tuổi) giã từ trần thế, để lại bao nỗi tiếc thương cho công chúng yêu nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng, là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (giữa) cùng hợp ca "Tiếng hát mãi xanh" trình diễn ca khúc "Cuộc đời vẫn đẹp sao" trong đêm nhạc mừng sinh nhật 90 của ông, ngày 8/11/2014.

Âm nhạc của ông có giai điệu đẹp, trau chuốt với khoảng 100 ca khúc ở đủ thể loại: Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan...

Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại Long Xuyên, An Giang. Nhạc sĩ Phan Nhân từng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam II tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, ông cư trú tại TP. Hồ Chí Minh.

Các sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân thắm đượm cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước. Trong đó, nổi bật nhất là bài Hà Nội - niềm tin và hi vọng. Bên cạnh đó là các ca khúc như Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội... cùng rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi: Em là con gái má Út Tịch, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên...

Nhạc sĩ Phan Nhân

Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc...

Mỗi nhạc sĩ có một phong cách rất riêng nhưng đều để lại những ấn tượng khó phai nhạt trong lòng bạn yêu nhạc nhiều thế hệ. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khẳng định mình với những bài tình ca lãng mạn cách mạng, còn nhạc sĩ Phan Nhân nổi danh với những bài tình ca đất nước. Và cả hai đều có nhiều sáng tác rất hay dành cho thiếu nhi.

Hai nhạc sĩ đáng kính chọn con đường cách mạng, làm cách mạng bằng nghệ thuật và lao động miệt mài, không ngừng nghỉ, gắn trái tim mình với nhịp đập của xã hội.

T.B (th)/Báo Đak Nông

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]