Nổi mụn như sâu róm đốt là bệnh gì?

Em gái cháu bị nổi loại mụn giống bị sau róm đốt. Nhưng thường kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần. Xin hỏi là bệnh gì, chữa bằng thuốc nào?

0
Chào bác sĩ,

Em gái cháu bị nổi loại mụn giống bị sâu róm đốt. Nhưng thường kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần. Mụn nổi dày đặc từ mặt đến bàn chân luôn. Mới bị 2 năm nay, cứ 2-3 tháng bị 1 lần. Có người bảo dị ứngng, có người bảo nổi mề đayy nhưng bao nhiêu thuốc cũng không có tác dụng.

Em muốn hỏi đó là bệnh gì, thuốc gì chữa được hoặc giúp giảm bệnh? Em xin cám ơn!


(Thành Hưng, 20 tuổi - An Giang)

Ảnh minh họa

Thành Hưng thân mến,

Triệu chứng mà bạn mô tả như “sâu róm đốt” trên da của em bạn là sang thương da của mề đay, đây là một triệu chứng thường gặp trong bệnh viêm da do dị ứng. Các sang thương da được hình thành do sự giãn nở mạch máu đi kèm với hiện tượng thoát dịch từ lòng mạch máu ra ngoài bởi ảnh hưởng của các chất trung gian trong quá trình viêm.

Nguyên nhân của mề đay rất nhiều và thường xuất hiện trong bệnh cảnh dị ứng:

- Nguyên nhân từ thức ăn: thức ăn giàu histamine hoặc thức ăn gây phóng thích histamine tự do từ cơ thể như: các loại hải sản, trứng, sữa, chocolate, cà chua,...

- Nguyên nhân do sử dụng thuốc: tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng, mà mề đay là triệu chứng thường gặp.

- Nguyên nhân do tiếp xúc: thông qua cơ chế miễn dịch (các yếu tố đã kể ở trên như: thức ăn, thuốc,..) và cơ chế không miễn dịch (tiếp xúc dịch tiết của côn trùng, hoặc nhựa cây trồng,..)

- Nguyên nhân nhiễm trùng: nhiễm virus (viêm gan B, Cytomegalo virus,..) hoặc nhiễm  ký sinh trùng (giun đũa, giun kim, giun móc,..)..

- Nguyên nhân môi trường: vết cắn côn trùng, phấn hoa, bụi, lông gia cầm, lông chó mèo,…

- Mề đay tự phát (mề đay vô căn hay không rõ nguyên nhân): thường gặp trong các thể mề đay mãn tính, phần lớn không thể xác định được nguyên nhân chính xác.

- Nguyên nhân sinh lý (mề đay sinh lý): ngoài các nguyên nhân kể trên thì mề đay còn có thể xuất hiện trong hiện tượng da vẽ nổi (khi ta dùng một vật đầu tù “kẽ” trên da, vài phút sau trên da sẽ xuất hiện hiện tượng phù theo đường mà ta đã kẽ), khi đổ mồ hôi (chơi thể thao hay đùa giỡn), khi tiếp xúc với nước, với nhiệt độ lạnh, và khi phơi nắng,…

Để điều trị mề đay bắt buộc phải loại bỏ được tất cả các nguyên nhân gây bệnh kể trên, điều này thật sự khó thực hiện cũng như tốn kém chi phí để tìm kiếm nguyên nhân. Do đó việc điều trị chỉ dừng lại ở việc điều trị các triệu chứng, khi mà nguyên nhân khởi phát bệnh không được xác định cụ thể.

Các thuốc sử dụng trong điều trị triệu chứng mề đay:

- Nhóm thuốc kháng histamine H1 như : Chlorpheniramine, Hydroxyzine, Cétirizine, Fexofénadine, Loratadine,…

- Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: corticoids,..

Trường hợp của em bạn, để giảm sự xuất hiện bệnh, có thể theo các hướng dẫn sau:

- Nếu có thể, nên quan sát khi “làm phép thử” với các món ăn hàng ngày,để ý rằng nếu ăn món A mà mề đay xuất hiện thì nên bỏ hẳn món A, cứ như vậy cho các món B, C khác,…

- Tránh ăn các thức ăn giàu histamine (chất gây dị ứng) như: hải sản, trứng, sữa,…

- Hạn chế tiếp xúc động vật nuôi như chó mèo và gia cầm,…

- Xổ giun định kỳ, mỗi năm 2 lần cách nhau 6 tháng.

- Tránh tự ý dùng thuốc, khi bắt buộc phải sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, cần khai báo với bác sĩ cơ địa dễ dị ứng của mình.

Điều quan trọng nhất bạn nên đưa em bạn đi khám bệnh, vì tùy theo tuổi, cân nặng của em mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc cụ thể, đặc biệt trên cơ địa dễ mẫn cảm mà em có.

Thân mến,

  BS Đoàn Mạnh Khải - AloBacsi.vn

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: [email protected].

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]