Đó là thành quả của Dự án “Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bắc Giang thực hiện tại 3 xã thuộc huyện Yên Thế và 3 xã của huyện Tân Yên, với 900 hộ dân hưởng lợi.
Yên tâm chăn nuôi lớn
Đoàn cán bộ Bộ NNPTNT và lãnh đạo địa phương tham quan mô hình chăn
nuôi gà tại gia đìnhông Dương Mạnh Hùng ở xóm Tân Lập, xã Cao Thượng.
Do 1ha vải thiều của gia đình đã già cỗi, năng suất giảm dần nên ông Dương Mạnh Hùng ở xóm Tân Lập, xã Cao Thượng (huyện Tân Yên) đã đầu tư mua gà giống về chăn thả dưới tán cây vải để có thêm nguồn thu nhập mới. Tuy nhiên, do nuôi manh mún, chưa có kinh nghiệm phòng trị bệnh nên đàn gà của gia đình ông thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, không ít lần thua lỗ. Đến năm 2013, ông tham gia vào dự án nói trên và được tập huấn, đào tạo
kỹ thuật chăn nuôi, được cấp vaccine, thuốc khử trùng… Ông Hùng cho biết: “Khi được học đầy đủ kiến thức về phòng chống dịch, tôi yên tâm hẳn và đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lớn hơn. Hiện gia đình tôi đang nuôi gà mía và gà lai chọi, trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 8 tấn gà thịt, thu nhập đạt hơn 500 triệu đồng”.
Cũng được hưởng lợi từ dự án, ông Dương Văn Nam ở thôn Đa Thành, xã Tiến Thắng (huyện Yên Thế) cho biết, khi tham gia dự án, vợ chồng ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và được hỗ trợ vaccine, thuốc sát trùng, vôi bột. Gia đình đã sử dụng theo đúng hướng dẫn, nhờ vậy đàn gà luôn khỏe mạnh, lớn nhanh. Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát với quy mô đàn vài trăm con, đến nay gia đình ông Nam đã mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 1.000 con gà thịt.
Sạch dịch bệnh
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Phó Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: Lâu nay đàn gà trên địa bàn chủ yếu được nuôi theo phương thức bán công nghiệp, kết hợp thả vườn. Mặc dù phương thức này giúp người chăn nuôi tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp nhưng năng suất, hiệu quả không cao, lại tiềm ẩn nhiều dịch bệnh do trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, quy trình chăn nuôi thiếu đồng bộ. Do đó, việc triển khai dự án phòng chống dịch bệnh cho các hộ là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bắc Giang cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn gà; hướng dẫn các hộ viết sổ nhật ký theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Vì vậy mà từ khi triển khai dự án đến nay, trên địa bàn chưa hề xảy ra dịch bệnh trên đàn gà. Đặc biệt, thông qua việc triển khai dự án, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y tại cơ sở cũng được nâng cao, từ đó có thể tập huấn hiệu quả cho người dân, giúp bà con tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình.
Ngoài việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông quốc gia còn hỗ trợ bà con 40.500 liều vaccine; 40.000kg vôi bột; 450 lít thuốc sát trùng; 540 lọ kháng sinh tổng hợp...