Phát hiện sớm cong vẹo cột sống

GiadinhNet - Cong vẹo cột sống ở trẻ em từ 10-20 độ có thể tự khắc phục bằng luyện tập, từ 25-30 độ, trẻ phải mặc áo nẹp, trên 50 độ, trẻ sẽ phải phẫu thuật với chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng/ca.

15.6032
Từ 9/4, hàng trăm trẻ em đã đến Khoa Cột sống (BV Việt Đức, Hà Nội) để được khám, tư vấn về cột sống. Chương trình do Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam (VOA) và Hội Hàn lâm phẫu thuật viên chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), BV Việt Đức tổ chức, với sự có mặt của GS Stuart Weinstein (Mỹ) trực tiếp khám và điều trị. Chương trình kéo dài đến hết ngày 13/4.
 

GS Stuart Weinstein (Mỹ) trực tiếp khám và điều trị cho trẻ bị cong vẹo cột sống tại BV Việt Đức. Ảnh: TG

 
Tim mạch, khó sinh nở vì cong vẹo cột sống
 
Tư thế ngồi đúng
Thân thẳng, đầu hơi cúi về phía trước một góc 10-15 độ, vai cân bằng, hai cẳng tay đặt thoải mái trên bàn. Mắt cách mặt bàn từ 25 - 35cm. Vở ghi đặt hơi chếch 25 độ và lệch qua phần tay phải. Thân, đùi, cẳng chân và bàn chân hợp với nhau 3 góc vuông, ngực không tì vào bàn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch (Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình- BV Việt Đức), nhiều trẻ mắc bệnh cong vẹo cột sống (CVCS) tới 50 độ, thậm chí là 80 độ, đi kèm các bệnh lệch tim, thiếu thận… đã được phát hiện dịp này.

Thống kê của chương trình y tế học đường tại Hà Nội, có khoảng 19% học sinh có dấu hiệu CVCS (nam 19,6%, nữ 18,5%). Học sinh THCS cao nhất (22,2%), Tiểu học 17,2%, PTTH 18,8%. Tại Hà Nội trẻ bị cong vẹo chữ C thuận cao gấp 2 - 4 lần so với C ngược (gây gù vẹo lưng, ưỡn lưng, vẹo cột sống). Hè nào BV Việt Đức cũng tiếp nhận gần trăm bệnh nhi, hầu hết khi đến đã ở mức độ nặng do không có thông tin về bệnh và không biết nơi điều trị. Việc điều trị muộn sẽ dẫn đến các biến chứng không thể xử lý được.

BS Trần Bá Thanh (Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên - Huế) cho biết, bệnh cong vẹo cột sống do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngoài giờ học các em thích xem tivi, chơi máy tính, ít tham gia vui chơi giải trí, hoạt động cơ bắp thể dục, thể thao… khiến thần kinh căng thẳng, quá tải cho hệ cơ xương kéo dài dẫn tới CVCS.

Bệnh CVCS gây lệch trọng tâm cơ thể khiến trẻ ngồi học không được ngay ngắn, cản trở việc đọc, viết, căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung. Trẻ gái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nếu bị lệch khung chậu. Ở mức độ I (10-20 độ) thì chưa sao. Mức độ II (25-30 độ) đã ảnh hưởng đến hình dáng, tư thế, chức năng hô hấp. Mức độ III (trên 40 độ), nhìn rõ cột sống vẹo lệch sang bên, thể hình thiếu thẩm mỹ, đối mặt với hàng loạt nguy cơ về tim mạch, hô hấp, biến dạng khung chậu, khớp háng, chiều dài của lưng - thắt lưng ngắn lại, xương sườn ngực bị biến dạng gây suy hô hấp mạn tính, các cơ quan trong ổ bụng bị chèn ép... Tốc độ vẹo tăng thêm 1,7%/năm.
Theo TS Nguyễn Văn Thạch, bệnh CVCS khá phổ biến ở tuổi thiếu niên, ảnh hưởng lớn đến phát triển, sinh hoạt, học tập và thẩm mỹ nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều ca nặng nhưng không được phát hiện sớm, đến bệnh viện khám với cột sống vẹo trên 100 độ (ở các nước tiên tiến chỉ 40 - 45 độ đã được phẫu thuật), nếu phẫu thuật cũng chỉ khắc phục được một phần vì cột sống cong góc quá lớn.
 
Dấu hiệu nhận biết sớm

Để nhận biết trẻ có bị CVCS hay không, các bậc phụ huynh cần theo dõi tư thế ngồi của trẻ. Nếu thấy trẻ hay ngồi lệch sang một bên, phần lưng không thẳng khi đi hoặc đứng thì cần nghĩ là trẻ có thể bị CVCS. Hãy quan sát kỹ cột sống ở giữa lưng - nơi không bị các khối cơ che lấp, hoặc dùng tay miết dọc sống lưng xem các đốt sống có nằm thẳng hay không (nếu thẳng thì trẻ bình thường và ngược lại).

Cách khác đơn giản khác để phát hiện trẻ bị CVCS sớm là quan sát sự cân bằng hai vai khi trẻ tắm. Để trẻ cúi lưng xuống, nếu CVCS thì bả vai bên trái thường thấp hơn bên phải. Hoặc nhìn từ phía sau thấy cột sống của trẻ không thẳng, hoặc có dấu hiệu vẹo sang một bên thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa ngay để sớm được chẩn đoán, tư vấn điều trị kịp thời.

Bệnh CVCS phát triển nhanh nhất là độ tuổi dậy thì (10 - 17 tuổi ở trẻ gái, 12 - 18 tuổi ở các trẻ trai), nếu điều trị không đúng cách sẽ khiến chứng vẹo ngày càng nặng. Do đó, khi phát hiện trẻ bị CVCS hãy đưa đến các BV chuyên khoa cột sống (hay chấn thương chỉnh hình) khám sớm để có nhiều cơ hội cứu chữa với nhiều phương pháp ít tốn kém như tập trị liệu, đu xà, bài tập kéo giãn các cơ vùng lưng...

Khi góc vẹo còn nhỏ, trẻ có thể dùng áo chỉnh hình và theo dõi. Nếu CVCS 10 - 20 độ trẻ cần được quan sát, theo dõi và có thể tự khắc phục bằng tập thể dục, tập xà đơn, bơi lội… Các kỹ thuật vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt nhất là việc ngồi học… tình trạng bệnh sẽ được ổn định. Từ 20 - 25 độ trẻ cần khám định kỳ 6 tháng/lần. Từ 25 - 30 độ cần can thiệp điều trị bảo tồn (dùng áo nẹp chỉnh hình) để ngăn cản đường cong vẹo. Vẹo trên 40 độ nên được tư vấn phẫu thuật. Nhưng khi góc vẹo từ 50 độ trở lên và mặc áo nẹp không có tác dụng thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

Hiện kỹ thuật ốc chân cung - nắn chỉnh và cố định cột sống là kỹ thuật tiến bộ nhất trên thế giới cho góc vẹo trên 40 độ, hiệu quả cao và an toàn trong nắn chỉnh cột sống nhưng chi phí cao (từ 60 triệu đến hơn 100 triệu đ/ca) do dụng cụ, nẹp vít nhập ngoại. Mổ vẹo cột sống tốt nhất là 14 - 17 tuổi, khi cột sống đã phát triển tương đối ổn định và quan trọng là cột sống còn mềm dẻo.

Để phòng ngừa CVCS cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ protein, chất khoáng và vitamin. Chăm tập thể thao (nhất là các môn luyện cơ bắp, cơ vùng bụng và thắt lưng như đu xà ngang...) để cơ thể cân đối, dẻo dai. Không nên cho trẻ kéo tạ, nắn bẻ xương sống, châm cứu, day bấm huyệt... vì ít ngăn chặn được bệnh CVCS.
 
Trà Giang
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]