Phở gánh - món ăn khuya

Hơi lửa từ chậu than hồng, mùi thơm ngầy ngậy của nồi nước dùng đang sôi, cùng với sự yên tĩnh của phố phường, của gió sương trời đất và ông hàng phở ân cần, phở gánh từ xa xưa đã tạo được một “phong cách” rất độc đáo.

15.6177
Khoảng vài chục năm trước, người Hà Nội vẫn còn được hưởng thú ăn phở gánh. Những đêm trời lạnh, phố xá vắng vẻ, đâu đó văng vẳng tiếng “nhạc hiệu” xịch tắc, xịch xịch tắc… chợt thấy cái đói, cái thèm như thức dậy. Tiệm phở lưu động được xếp gọn trong hai đầu gánh, mỗi đầu là một cái chạn cao gần đến thắt lưng. Bên này là nồi nước dùng luôn sôi sục, bên kia đựng bát, đũa, thìa, âu thịt gà xé sẵn, bánh phở, cùng hành chẻ, rau thơm. Còn người bán thường là mấy ông tuổi tầm tầm, quần áo vóc dáng đều có vẻ dầu dãi phong sương, rất kiệm lời.

Phở gánh khác với phở hiệu ở chỗ không có thịt tái, xào, nạm hay sốt vang mà chỉ có thịt gà hay thịt bò chín. Những bát phở nông, bánh ít, thịt không nhiều, nước dùng trong vắt ngọt đậm,

đặc biệt là rất nóng. Từ lát hành, ngọn rau, miếng chanh, lát ớt đều tươi roi rói, gợi lên cảm giác như gánh phở này chỉ để dành riêng cho mình.
Nhiều người “nghiện” phở gánh về khuya, đêm nào vắng tiếng xịch tắc là thấy thiêu thiếu một cái gì. Có nhà ngại ra sương lạnh, buộc làn vào sợi dây thả từ trên ban công xuống để kéo bát phở, ăn xong lại thả bát và trả luôn tiền. Không ham đầy, ham no, phở gánh làm ấm lòng người bằng sự tinh tế, nhuần nhụy, làm cho con người cảm thấy mình được chiều chuộng. Tiếc thay, nó chỉ còn nằm trong ký ức của những người dân Hà Nội gốc.

(Theo SGTT , Xuân Tân Tỵ).

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]