Phòng bệnh bằng rau quả và gia vị

SKĐS - những tác dụng phòng, trị bệnh khá hiệu quả của một số loại rau quả, gia vị mà chúng ta có thể tận dụng.

15.6018

Không chỉ đơn giản là các loại thực phẩm thường dùng trong đời sống, những nghiên cứu khoa học còn phát hiện ra những tác dụng phòng, trị bệnh khá hiệu quả của một số loại rau quả, gia vị mà chúng ta có thể tận dụng.

* Gừng tươi chữa đau cơ

Gừng tươi là một loại gia vị có tính nóng với nhiều tác dụng chữa bệnh trong dân gian như: viêm họng, cảm lạnh, đau bụng, buồn nôn… Song những nghiên cứu khoa học còn phát hiện thêm nhiều tác dụng khác của gừng, trong đó có tác dụng làm giảm đau cơ của gừng tươi. Đặc biệt đối với các vết thương và đau cơ sau tập luyện.

Một thử nghiệm được tiến hành tại viện thí nghiệm Hoa Kỳ nhằm kiểm tra tác dụng của các loại gia vị, trong đó có gừng trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Mỹ lại phát hiện ra tác dụng giảm đau cơ của gừng tươi. Họ chia những người tình nguyện ra thành hai nhóm và cho tập luyện cơ tay cho tới khi xuất hiện các cơn đau mỏi. Sau đó, nhóm thứ nhất được cho sử dụng thuốc điều trị thay thế (placebo) và nhóm thứ hai chỉ ăn sống một mẩu gừng tươi khoảng 2 g/ngày trong vòng 11 ngày. Kết quả là ở nhóm thứ hai, tình trạng đau nhức cơ đã giảm đi rõ rệt và nhanh hơn nhiều so với nhóm thứ nhất. Đối với các vận động viên thể thao và những người lao động chân tay vất vả, tình trạng căng, giãn cơ thường xuyên xảy ra và có thể gây ra hiện tượng đau kéo dài dai dẳng. Việc sử dụng gừng tươi ăn sống sẽ chữa trị dứt điểm các cơn đau nhanh chóng và ít để lại các tác động phụ.

*Dưa hấu – thực phẩm giúp hạ đường huyết và ngăn chặn nguy cơ đột quị

Tại Trường đại học bang Florida – Mỹ, các nhà khoa học nước này đã phát hiện thêm một tác dụng mới của dưa hấu. Đó là tác dụng làm giảm đường huyết, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quị.

Đa số các trường hợp mắc đột quị và tăng huyết áp là do tình trạng máu bị vón cục gây ra hiện tượng máu khó lưu thông trong não, dẫn tới thiếu máu cục bộ và đột quị. Trong dưa hấu có chứa rất nhiều thành phần giúp giãn nở mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quị. Các nhà khoa học cho biết: ăn dưa hấu hàng ngày có thể cung cấp cho cơ thể một lượng lớn L - citruline – một thành phần cần thiết cho quá trình sản sinh oxyd nitric, giúp mở rộng các mạch máu, nhờ đó máu lưu thông tốt hơn, giảm được nguy cơ tắc nghẽn, đồng thời giữ cho huyết áp ổn định ở những người bị mắc chứng tăng huyết áp.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm với những người tình nguyện. Hầu hết trong số họ đều bị mắc chứng tăng huyết áp. Các nhà khoa học đã cho họ dùng 6g L citruline chiết suất từ quả dưa hấu mỗi ngày. Sau 6 tuần thử nghiệm, kết quả thu được rất khả quan. Bên cạnh L – citruline, dưa hấu còn chứa rất nhiều vitamin A, B6, C và chất xơ rất tốt cho người bệnh tim mạch. Giáo sư Bahram Arimandi – người tham gia nhóm nghiên cứu trên về tác dụng của dưa hấu cho biết: những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp nên thường xuyên bổ sung nhiều hoa quả, đặc biệt là dưa hấu nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ hệ tim mạch. Kết quả nghiên cứu này cũng mở ra hướng mới trong việc chiết suất L – citruline từ dưa hấu làm thực phẩm chức năng trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

* Măng cụt giúp giảm ảnh hưởng của bệnh béo phì

Theo nghiên cứu của trung tâm BioMed- Mỹ, măng cụt được phát hiện là có chứa rất nhiều thành phần hóa chất tốt cho người béo, đặc biệt, uống nước ép măng cụt thường xuyên, có thể giúp ngăn chặn nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Theo tiến sĩ Jay Udani – người đứng đầu nhóm nghiên cứu nêu trên về tác dụng của măng cụt, thì loại quả đặc biệt này có thể giúp làm giảm nồng độ protein có tên gọi C – reactive trong máu người bệnh. (C – reactive protein chính là yếu tố giúp xác định nguy cơ viêm nhiễm dẫn tới bệnh tim mạch ở người bệnh). Theo dõi hai nhóm bệnh nhân: một được điều trị bằng liệu pháp thuốc thay thế (placebo) và một được tăng cường chế độ dinh dưỡng bổ sung thêm nước ép măng cụt (khoảng 1/2 lít nước ép măng cụt/ ngày), các bác sĩ nhận thấy, sau một thời gian, nồng độ protein C – reactive ở những người uống nước ép măng cụt giảm xuống nhiều gần gấp đôi so với nhóm điều trị thuốc thay thế. Cụ thể là: ở nhóm điều trị thuốc thay thế, nồng độ C – reactive giảm khoảng 0,9 mg/lít máu, trong khi đó, ở những người uống nước măng cụt, nồng độ C – reactive giảm tới 1,33mg/lít máu.

* Nghệ giúp phòng bệnh ung thư vú

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ đã chỉ ra rằng các thành phần hóa chất có trong củ nghệ (loại nghệ được trồng nhiều ở các nước châu Á) rất tốt cho phụ nữ trong việc phòng chống bệnh ung thư vú. Theo đó, thì trong nghệ có chứa chất chống nhiễm khuẩn, chất chống biến đổi tế bào, do đó, khi sử dụng nghệ trong thực đơn có thể giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, đồng thời hạn chế được sự biến đổi của các tế bào thành những tế bào lạ (nguyên nhân gây ra ung thư).

Khi dùng kèm nghệ trong chế biến thực phẩm, nghệ có thể cung cấp một lượng vitamin đáng kể và rất tốt cho sức khoẻ, chẳng hạn như vitamin A (beta carotene), các khoáng chất, chất xơ và một số chất dinh dưỡng.

Một số nghiên cứu khác được tiến hành trên chuột cũng chứng minh hiệu quả của nghệ trong việc làm chậm lại diễn biến của quá trình di căn các tế bào ung thư vú vào phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, một số thành phần trong nghệ còn giúp chống lại một số viêm nhiễm của bệnh giang mai, bệnh lậu và ngăn chặn sự hình thành của các u xơ vùng ngực.

Minh Ngọc (tổng hợp)

 

Minh Ngọc (tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]