Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?

Cách phòng tránh và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng tốt nhất là phòng tránh tiếp xúc dị nguyên gây bệnh.

15.5948

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như bụi, khói, lông, tơ, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí....Tuy không đe doạ tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian kéo dài.

Bệnh này làm ảnh hưởng tới hiệu suất tại nơi làm việc cũng như tại trường học, cản trở các hoạt động thể thao, giải trí. Nó thường kết hợp với viêm tai giữa, viêm mũi xoang, suyễn... Đa số những người bị viêm mũi dị ứng là dưới 45 tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 21-30.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể có vai trò chống lại những thành phần có hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus. Nhưng ở những người bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại phản ứng quá mức đối với những thành phần hầu như vô hại như phấn hoa… gây ra phản ứng viêm và kích thích gọi là phản ứng dị ứng ở lớp niêm mạc phủ ở bề mặt mũi, các xoang và mắt.

VnExpress dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Võ Công Minh, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, các loại dị nguyên gây viêm mũi dị ứng: Thường do các vật lạ bay lẫn trong không khí như phấn hoa, bụi nhà, trong đó con mạt là tác nhân chính. Nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất.

Những chất lạ trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở trên.

Có dị ứng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, tố chất di truyền của mỗi người. Tiền sử gia đình có vai trò rất quan trọng. Cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao. Phân nửa số con của cha và mẹ đều bị dị ứng sẽ bị dị ứng. Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này là 30%.

Cách phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng

Tránh tiếp xúc với dị nguyên

Cách điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên và phòng ngừa không để các triệu chứng xảy ra.

Giữ nhà khô sạch, thoáng khí, hút bụi thường xuyên, không nuôi chó mèo, diệt chuột, gián. Cần loại bỏ nấm mốc, những con mạt, những nơi thiếu ánh sáng, giày cũ, sách báo cũ, cây cảnh, giấy dán tường, chiếu, mền, thảm trải nền nhà, các loại hoa khô.

(Ảnh minh họa)

Tăng cường sức đề kháng

- Giữ ấm: Vào mùa lạnh cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt khu vực vùng cổ, ngực và mũi, không nên tắm nước lạnh. Đối với những ai phải làm việc quá khuya, dậy quá sớm cần lưu ý vì thời điểm này dễ bị cảm và dễ chuyển thành viêm mũi xoang.

Tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột, hoặc để mũi tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa đều có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Thực hiện một vài động tác giúp làm ấm vùng mũi vào buổi sáng: dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy chừng vài phút.

- Bảo vệ mũi khỏi các tác nhân gây dị ứng. Trong không khí chứa rất nhiều tác nhân xấu, gây kích ứng niêm mạc mũi như bụi, khí thải, vi khuẩn, nấm mốc, khói thuốc lá, hóa chất… Cần tránh và hạn chế sự xâm nhập của các yếu tố này bằng cách sử dụng khẩu trang hoạt tính khi làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm khi đi ra ngoài đường.

- Vệ sinh vùng tai, mũi, họng. Đường hô hấp trên nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì tạo điều kiện cho các vi khuẩn ký sinh sinh sống và phát triển. Vì vậy cần vệ sinh họng, răng, miệng thật tốt: hằng ngày đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý.

Khi bị viêm họng, viêm amidan, sâu răng, viêm chân răng, viêm lợi... cần phải khám và điều trị dứt điểm để tránh bệnh trở thành mãn tính dễ gây viêm xoang về sau.

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để làm loãng chất tiết nhày, giúp dịch tiết mũi lỏng hơn, chất nhày thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn, tránh ứ đọng, gây viêm nhiễm.

- Sử dụng thuốc hợp lý. Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuốc, gây nhờn thuốc, nhỏ thuốc đúng liều để tránh những tác dụng phụ đi kèm. Ngoài ra những người đã bị viêm xoang mãn tính nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý và đi khám sớm khi có những nghi ngờ biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp.

- Khi bị viêm xoang, viêm mũi, bạn cũng có thể xông mũi bằng nước ấm, nước muối hoặc nước có pha một chút tinh dầu bạc hà giúp thông mũi.

Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi, làm sạch niêm mạc mũi (tránh tiếp xúc lâu giữa niêm mạc mũi và kháng nguyên, bụi, hóa chất, vi trùng), giúp thông thoáng mũi, tạo điều kiện tốt cho thuốc xịt mũi tác dụng trên niêm mạc.

Giải mẫn cảm đặc hiệu

Khi thất bại trong việc kiểm soát môi trường và điều trị bằng thuốc, không dung nạp thuốc hoặc nhiều cơ quan cùng bị tác động của phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ điều trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân.

Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, bệnh nhân sẽ được tiêm dưới da hoặc nhỏ dưới lưỡi chất kháng nguyên gây bệnh với nồng độ tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.

Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90%, có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo. Thời gian điều trị phải kéo dài 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn, các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.

Vài điều cần lưu ý về viêm mũi dị ứng

-  Cách điều trị tốt nhất là phòng tránh tiếp xúc dị nguyên.

- Tốt nhất là dùng thuốc để phòng ngừa các cơn dị ứng, hơn là chữa các hậu quả của phản ứng.

- Nếu dùng corticoids thì an toàn nhất là dùng dạng thuốc phun tại chỗ.

- Đối với những bệnh nhân bị dị ứng cần phẫu thuật, nên chữa dị ứng trước mổ để đảm bảo kết quả.

- Phẫu thuật không chữa được viêm mũi dị ứng, nhưng nếu giải quyết được những lệch lạc về cấu trúc trong mũi thì rất có lợi. Có thể làm giảm 30-60% những triệu chứng của viêm mũi dị ứng do làm giảm các tác nhân gây kích ứng.

- Không phải bị nhảy mũi là bị dị ứng.

- Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp bội nhiễm.

- Nếu việc chữa trị một bệnh nhân dị ứng đang tốt bỗng trở nên không hiệu quả, cần xem lại dị nguyên có bị thay đổi không, bị viêm mũi do thuốc hay bị bội nhiễm.

Thuốc tham khảo: Loratadin Stada® 10mg

- Giảm các triệu chứng đi kèm với viêm mũi dị ứng theo mùa như hắt hơi, chảy nước mũi, kích ứng như ngứa mắt và nóng mắt.
- Kiểm soát các triệu chứng và dấu hiệu của chứng mề đay tự phát mãn tính và các rối loạn dị ứng da khác.

Thùy Linh

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]