Phương pháp viết luận tiếng Anh học thuật (phần 2) – Cấu trúc bài luận học thuật

Trong buổi tư vấn về chương trình tiếng Anh học thuật tại Language Link được tổ chức ngày 09/10/2013, thầy Marshall Presnick đã nhận được khá nhiều câu hỏi của độc giả về cách viết một bài luận học thuật.

15.6023

Với bài viết này, thầy Marshall sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về cấu trúc một bài luận tiếng Anh học thuật.

 

Tổng hợp, phân tích các thông tin từ tài liệu tham khảo

 

Sau khi đã đọc các tài liệu tham khảo tìm được, bạn chắc chắn sẽ thu nhận một lượng thông tin lớn. Những thông tin này cần được xử lý để có thể sử dụng trong bài luận một cách hợp lý và hiệu quả. Bạn nên sắp xếp những gì tìm hiểu được theo một trình tự nhất định phù hợp với bài luận của mình.

 

Ví dụ có thể phân chia những thông tin theo trình tự các mốc thời gian để theo dõi sự thay đổi, có thể phân chia theo các trường phái quan điểm khác nhau của các học thuyết, hay phân chia theo các vấn đề nhỏ thuộc chủ đề lớn của bài luận. Từ đó bạn có thể dễ dàng hơn trong việc đối chiếu, so sánh và phân tích vấn đề với nhiều cái nhìn, có chiều sâu và toàn diện hơn và rút ra luận điểm chính cho bài luận của mình.

 

Cũng từ việc tổng hợp phân tích các thông tin từ tài liệu tham khảo, bạn sẽ lên được một dàn bài chi tiết, phù hợp với cấu trúc quy định của bài luận học thuật. Lưu ý rằng, trong quá trình tổng hợp lại thông tin từ tài liệu tham khảo, bạn cần ghi lại cả nguồn của các tài liệu đó để thực hiện đúng quy định trích dẫn và tham khảo tài liệu trong các bài luận học thuật. Nội dung trích dẫn và tham khảo tài liệu bạn có thể tham khảo tại đây.

 


Thầy Marshall trong một buổi giảng dạy chương trình Tiếng Anh học thuật tại Language Link

 

Cấu trúc của bài luận học thuật

 

Giống như các bài luận thông thường, bài luận học thuật cũng bao gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết luận. Tuy nhiên, phần thân bài của bài luận học thuật được chia cụ thể hơn thành nhiều phần, nhiều đề mục lớn nhỏ, mỗi mục thể hiện một ý, một luận cứ hay một phần nghiên cứu trong bài luận; một mục lớn cũng có thể chia thành nhiều mục nhỏ hơn nếu cần thiết. Các đề mục trong bài cần được đặt tên ngắn gọn nhưng rõ ràng và có hệ thống với các đề mục khác để bài luận mạch lạc và dễ hiểu cho người đọc, thể hiện trình tự phân tích, lập luận có kết nối giữa những ý trong bài.

 

Phần mở bài (introduction) trước hết cần giới thiệu khái quát về chủ đề của bài luận, ngoài ra cần đưa ra những định nghĩa, giải thích về những từ khóa, những khái niệm chính sử dụng trong bài. Ví dụ như đề bài là phân tích về chính sách tiền tệ của một đất nước, trong phần mở bài bạn cần nêu định nghĩa về chính sách tiền tệ để người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn. Tất nhiên bạn phải nêu ra luận điểm chính của bài luận một cách rõ ràng trong phần mở này.

Tiếp đó, phần mở bài cần liệt kê đủ những ý chính sẽ được phân tích trong bài luận và chỉ ra rõ ràng trình tự các ý đó xuất hiện trong bài, ví dụ như phần 1 sẽ phân tích điều gì, phần 2 sẽ nêu dẫn chứng gì,…

 

Phần thân bài (body paragraphs) như đã nói ở trên cần chia các đề mục nhỏ, mỗi đề mục có những đóng góp nhất định trong việc đi đến luận điểm chính. Mỗi phần trong bài cần 1 hoặc 2 câu văn giới thiệu về ý chung của đoạn, phần đó. Tiếp đến là những dẫn chứng, bao gồm những thông tin có được từ các tài liệu tham khảo (luôn nhớ ghi nguồn trích dẫn) cùng với các so sánh, phân tích, đánh giá của riêng bản thân mình sau quá trình tư duy phản biện. Có thể coi mỗi mục trong bài là một bài luận nhỏ để chia thành các mục nhỏ hơn và đi đến kết luận đóng góp cho luận điểm lớn của toàn bài.

 

Phần kết luận (conclusions) sẽ một lần nữa tống hợp lại các ý chính đã nêu trong bài và nhấn mạnh thêm lần nữa luận điểm chung một cách thống nhất với phần mở bài. Bên cạnh đó, với một bài luận học thuật, bạn có thể bao gồm trong phần kết luận cả những mặt hạn chế tự nhận thấy trong bài luận của mình. Ví dụ như trong những tài liệu tham khảo của bạn còn thiếu những tài liệu của một khoảng thời gian nào đó, các dữ liệu còn thiếu có thể ảnh hưởng đến kết luận của bài nhưng bạn chưa có điều kiện tiếp cận. Từ đó, mở ra hướng đi tiếp (further research) cho bài luận của mình nếu có cơ hội tiếp tục.

 

Một bài luận học thuật không chỉ dừng lại ở 3 phần mở thân kết mà còn có những mục phụ bên ngoài phụ thuộc vào tính chất của bài luận. Một bài luận dài như luận văn tốt nghiệp sẽ cần phần tóm tắt ngắn gọn ban đầu, phần mục lục ghi rõ các mục trong bài, cuối bài sẽ là tổng hợp các bảng biểu, đồ thị, số liện sử dụng (appendices) và cuối cùng là phần liệt kê danh sách các tài liệu tham khảo một cách chi tiết (references list).
 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]