Quản lý tốt, hiệu quả cao

Theo ông Anil Kapur – Giám đốc Quỹ WDF (World Diabetes Foundaution) - Quỹ phòng chống bệnh ĐTĐ thế giới, năm 2011, toàn cầu có khoảng 8,3% dân số mắc ĐTĐ và 6,4% dân số bị tiền ĐTĐ.

15.6
(SKDS) - Theo ông Anil Kapur – Giám đốc Quỹ WDF (World Diabetes Foundaution) - Quỹ phòng chống bệnh ĐTĐ thế giới, năm 2011, toàn cầu có khoảng 8,3% dân số mắc ĐTĐ và 6,4% dân số bị tiền ĐTĐ. Dự đoán tới năm 2030 thì tỷ lệ tương đương sẽ là 9,9% và 6,7%, nhưng chỉ có 6% số bệnh nhân (BN) ĐTĐ trên thế giới đạt được mục tiêu điều trị.

Vì sao ĐTĐ tấn công các nước đang phát triển?

ĐTĐ là bệnh không lây nhiễm nhưng là một đại dịch bởi sự tăng lên số bệnh nhân một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ông Kapur cho rằng bệnh ĐTĐ tấn công mạnh ở các nước này là do lối sống thay đổi đột ngột; đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng và kỹ thuật viên chẩn đoán cận lâm sàng còn thiếu; kinh phí hạn hẹp; chương trình giáo dục cộng đồng còn kém… Cũng vì thế mà tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc điều trị và quản lý bệnh ĐTĐ còn gặp phải rất nhiều khó khăn…

 Đái tháo đường là một bệnh do thiếu hụt Insulin (một loại hóc môn do tụy).

Mô hình quản lý bệnh ĐTĐ

trên thế giới

Camila Rossil (35 tuổi, một bệnh nhân ĐTĐ typ 1) cho biết, gia đình chị đã rất sốc và có cái nhìn bi quan khi chị được phát hiện mắc bệnh ĐTĐ năm lên 4 tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống của chị đã thay đổi từ khi gia nhập Trung tâm (TT) Chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ Steno (Đan Mạch). Dù đã 31 năm mắc bệnh, nhưng hiện nay, chị đang có một cuộc sống tươi đẹp với sức khỏe tốt, có việc làm ổn định, có con và đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội… như những người có sức khoẻ bình thường khác.

Camila được đeo một máy kiểm tra đường huyết điện tử insulin pump (to bằng 1 bao diêm, dành cho BN ĐTĐ typ I, máy sẽ tự động tiêm insulin khi lượng đường huyết của BN tăng cao), chị là một trong số 5.800 BN mắc ĐTĐ (trong đó có 3.600 BN typ I và 2.200 BN typ II) đang được quản lý và điều trị miễn phí suốt đời tại TT Steno. Đây là một trong những TT quản lý tốt BN ĐTĐ hàng đầu thế giới, có phòng quản lý và chăm sóc bàn chân; phòng theo dõi biến chứng về mắt và áp dụng quản lý sức khoẻ của BN bằng máy điện tử từ năm 2001; mỗi năm kiểm tra định kỳ sức khoẻ cho BN từ 3-4 lần… Với hệ thống quản lý và chăm sóc BN ĐTĐ hiện đại, nhưng GS. Bruun Jensen – GĐ TT Steno cho rằng việc quản lý BN ĐTĐ không phải dễ thực hiện nếu không có sự hợp tác của BN và gia đình của họ.

Vậy làm thế nào để BN tuân thủ điều trị? Theo ông Kapur, ngoài điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân còn cần được xã hội quan tâm tới các yếu tố như: vấn đề tâm lý; giáo dục hành vi văn hóa, thay đổi lối sống; chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sự quan tâm chăm sóc của người thân… Cũng theo ông Kapur, mỗi BN ĐTĐ cần có 4 người trong gia đình quan tâm chăm sóc, tuy nhiên, vấn đề này hiện chưa được chú ý, do đó truyền thông cần tập trung nói về sự chăm sóc của người thân với BN ĐTĐ để nhằm đạt được mục tiêu điều trị.

 Người bệnh nên thử máu thường xuyên để có thể điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.

Tình hình quản lý ĐTĐ

tại Việt Nam

Theo thống kê của BV Nội tiết TW, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó hơn 90% BN mắc ĐTĐ typ II và hơn 50% số người mắc bệnh không biết mình có bệnh. Đa số các trường hợp khi phát hiện ra bệnh thì đã có các biến chứng. Với 5 triệu người mắc ĐTĐ, nhưng Việt Nam chỉ có khoảng hơn 300 bác sĩ cho chuyên ngành này. Không chỉ thiếu về nhân lực mà khả năng nhận thức hạn chế của bệnh nhân cùng với nếp sống - văn hóa của họ cũng ảnh hưởng không ít tới vấn đề quản lý và điều trị bệnh.
 
ĐTĐ là một bệnh mạn tính và phải tuân thủ điều trị suốt đời, nhưng ở một số BN, vì lý do nào đó mà đã bỏ điều trị giữa chừng. TS. Trần Thị Thanh Hoá – Trưởng khoa HSCC - BV Nội tiết TW đã có lần chia sẻ rằng không ít BN ĐTĐ được điều trị mức đường huyết trở về bình thường rồi thì tự ý bỏ thuốc. Họ tìm đến với các bài thuốc Đông y, các loại lá, thậm chí là cúng lễ… để mong khỏi được hoàn toàn bệnh. Với BN điều trị kiểu này không những làm cho lần điều trị trước đó trở nên thất bại, lãng phí tiền của, công sức mà còn khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Theo PGS.TS. Tạ Văn Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu RLCH – ĐTĐ Việt Nam thì việc quản lý BN ĐTĐ ở một nước phát triển như Đan Mạch đã không dễ thì ở Việt Nam lại càng có khăn. Ngoài các yếu tố về nguồn nhân lực, ý thức tham gia điều trị của BN thì sự thiếu thốn insulin, thuốc điều trị cùng sự khó khăn về kinh tế và việc hợp tác quốc tế bị hạn chế là những vấn đề mà ngành ĐTĐ Việt Nam đang phải đối mặt.         

Thu Hà

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]