Sỏi tuyến nước bọt là bệnh gì vậy BS?

Gần đây, tôi bị đau và sưng ở vùng mang tai trái, niêm mạc miệng bị viêm đỏ và nổi hạch ở góc hàm. Tôi đi khám và được chuẩn đoán là sỏi tuyến nước bọt.

0
“Gần đây, tôi bị đau và sưng ở vùng mang tai trái, niêm mạc miệng bị viêm đỏ và nổi hạch ở góc hàm. Tôi nghĩ mình bị quai bị nên không đi khám ngay. Sau đó vì bệnh kéo dài nên tôi đã đi khám và được chẩn đoán là sỏi tuyến nước bọt. Xin bác sĩ cho biết kỹ về chứng bệnh này”. (Bạn đọc)
 
Ở người có 3 đôi tuyến nước bọt là tuyến mang tai, dưới lưỡi, dưới hàm. Sỏi có thể được tạo thành ở tất cả các tuyến này nhưng hay gặp nhất vẫn là tuyến dưới hàm, chủ yếu là trong ống dẫn của nó.

Sỏi hình thành khi các thành phần hóa học của nước bọt đóng thành cặn trong ống dẫn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này còn chưa được xác định, nhưng trong nhiều trường hợp, sỏi xuất hiện sau khi xảy ra nhiễm trùng hoặc chấn thương vùng tuyến. Nguy cơ tạo sỏi cũng cao hơn ở những người bị viêm tuyến nước bọt hoặc hút nhiều thuốc lá.

Do dòng chảy nước bọt bị tắc nên bệnh nhân sỏi tuyến nước bọt có thể có các triệu chứng như:

- Đau, có cảm giác như bị đè nén tại tuyến và ống dẫn, đôi khi đau dữ dội, nhất là khi ăn.

- Vùng tuyến tắc bị sưng.

- Viêm, phù nề quanh vùng ống dẫn.

- Xoa bóp nhẹ tuyến không thấy nước bọt tiết và đôi khi sờ thấy sỏi.

- Trường hợp bội nhiễm vi khuẩn có thể kèm theo sốt, nổi hạch ở góc hàm và có thể có mủ.

Khi có các dấu hiệu và triệu chứng trên thì cần đi khám ngay. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám khoang miệng và chỉ định chụp X-quang tuyến nước bọt nếu nghi ngờ có bệnh.

Trong đa số trường hợp, các sỏi nhỏ được giải thoát khỏi ống dẫn một cách tự nhiên hoặc sau động tác xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo ống dẫn. Đôi khi phải tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi. Để giảm đau có thể chườm khăn nóng hoặc lạnh, uống thuốc giảm đau loại acetaminophen. Nếu có hiện tượng bội nhiễm thì phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nên uống nhiều nước.

Để phòng bệnh cần phải vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng vùng miệng. Cần kiểm tra định kỳ răng hàm mặt để phát hiện bệnh kịp thời.

AloBacsi.vn
Theo BS Lê Quang Hồng - Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]