Sốt - Các bệnh sốt ở trẻ nhỏ

SKĐS - Những ngày này, đến các bệnh viện nhi tại TP.HCM thấy đông nghìn nghịt trẻ, cùng với người nhà, đi khám và nhập viện. đây là tình trạng do số bệnh sốt xuất huyết tăng cao mấy tuần nay, còn thêm các bệnh tay chân miệng và hô hấp.

15.6018

Đến phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, hàng nghìn người chen chúc nhau xếp hàng, đợi lấy số thứ tự, đợi gọi tên. Chị M. ở Tân Bình, TP.HCM, bồng đứa con chừng 2 - 3 tuổi, than thở: “Thật không thở nổi. Đi từ sáng mà đê gần 10 giờ trưa rồi mà con tui vẫn chưa đến lượt”.

Bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng

Phòng bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mấy ngày qua luôn đông đúc. Ở phòng bệnh thường (bệnh không nặng), các giường đầy kín, chen chúc đông người. Người nhà thường chỉ cử 1 người theo sát bé, người còn lại ra… hành lang, ngồi nghế, ngồi chiếu.

Anh L.V. P. có cháu L. H. Ph, 8 tuổi, nhà ở Đồng Nai, đang nằm trong phòng cấp cứu. Anh cho biết cháu sốt 4 ngày thấy không đỡ, thấy da của cháu vết sung huyết nên sợ quá phải cho nhập viện. Bệnh của cháu khá nặng nên phải nằm phòng cấp cứu, nay đã đỡ. Hỏi: tại sao không cho cháu nhập vện ở Đồng Nai mà lại lên TP.HCM? Anh trả lời: “Tin tưởng vào Nhi Đồng 1. Cứ có bệnh gì là cho cháu lên đây”.

Như vậy, việc các bệnh viện Nhi ở TP.HCM đông còn là vì được sự “tin tưởng” như trường hợp ở trên. Ngẫu nhiên, chúng tôi hỏi thăm vài trường hợp thì đều là người tỉnh khác đến. Mẹ của bé L.P.K., 9 tuổi, ở Long An, cho hay: cháu bị bệnh nặng, có xuất huyết dưới da nên đưa lên TP.HCM, cũng vì: “Tin tưởng ở bệnh viện này”.

ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: tình hình sốt xuất huyết vẫn còn gia tăng, khoa Sốt xuất huyết của Nhi Đồng 1 hàng ngày nhận khoảng 100 ca. Trong đó, có những ca nặng, trẻ bị sốc, suy đa cơ quan, việc điều trị rất khó khăn.

Tình hình cũng tương tự như ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Thời gian này đến bệnh viện thấy số lượng trẻ đi khám tăng cao.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 12/10, tại TP.HCM có hơn 11.413 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng khoảng 85% số ca so với cùng kỳ năm 2014. Con số thống kê số ca sốt xuất huyết 9 tháng đầu năm 2015 ở một số tỉnh thành khác: Đồng Nai: 5.694 ca; Bình Dương: 3.942 ca; Hà Nội: 2.729 ca; Khánh Hòa: 2.694 ca; An Giang: 1.836 ca; Long An: 1.587 ca; Đồng Tháp: 1.475 ca; Tiền Giang: 1.226 ca.

Lưu ý: những con số trên là số ca xuất huyết chung, tính cả ở người lớn; còn những ca sốt xuất huyết ngoại trú không thể thống kê được.

Thêm mối lo bệnh tay chân miệng và bệnh đường hô hấp

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 12/10/2015, TPHCM có 6.373 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện, thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 18%. Từ tuần lễ 35, số trẻ mắc bệnh này tăng nhanh trung bình mỗi tuần có 400 trẻ mắc. Tính riêng tháng 9, số trẻ mắc tay chân miệng là 1.388.

Như thường lệ, vào mùa mưa này, cộng thêm thời tiết lúc nóng, lúc chuyển lạnh, trẻ dễ bị bệnh ở đường hô hấp. Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, với 200 giường bệnh lúc nào cũng kín giường.

Các bác sĩ cho biết: thời tiết lúc nắng, lúc mưa kết hợp độ ẩm không khí cao chính là điều kiện thuận lợi cho virút, vi khuẩn phát triển, phát tác. Khi đó, trẻ em sức đề kháng kém nên kém thích nghi với thời tiết, nên dễ mắc bệnh. Với thời tiết này, những trẻ mắc bệnh mạn tính như: hen suyễn, tim mạch, gan… càng dễ bị bệnh.

Phòng bệnh đầy kín người

Chăm sóc tại nhà: quan trọng

Khi trẻ nhập viện, việc chăm sóc trẻ sẽ chủ yếu do các bác sĩ, điều dưỡng lo. Khi trẻ đang ở nhà, việc chăm sóc sẽ do phụ huynh đảm trách và việc chăm sóc đúng cách sẽ rất quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, bệnh không trở nặng; đồng thời qua theo dõi trẻ, phụ huynh cũng cần nhận biết các dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Về chăm sóc trẻ ở các bệnh sốt do đường hô hấp trên (riêng bệnh tay chân miệng, xin đọc bài cùng đăng trên số báo này - PV), theo ThS.BS. Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi Đồng 1), cha mẹ nên cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt giúp trẻ giảm sốt. Cho trẻ uống nhiều nước vì sốt thường làm trẻ mất nước, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng, theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng nhiệt kế mỗi 4 giờ.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt trên 38,50C, thuốc được chọn lựa là Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô... Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 - 15 mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày.

Lau mát cho trẻ bằng nước ấm, đặt khăn nhúng nước ấm 2 bên nách và 2 bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu làm trẻ mát. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (370C). Thông thường nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng 30 - 45 phút.

Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não của trẻ (hội chứng Reye).

Những tình huống cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện:

Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 380C; trẻ lừ đừ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức trẻ.

Trẻ bị nôn tất cả mọi thứ; trẻ bị co giật hoặc trẻ bị sốt kèm tay chân lạnh run.

Trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn; trẻ không uống được bất cứ thứ gì.

Trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; trẻ có dấu hiệu cổ cứng.

Trẻ có dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc những trẻ có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh.

Với trẻ bị sốt xuất huyết, ThS.BS. Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: cũng cho trẻ uống nhiều nước (nước chín, nước biển khô oresol, cháo, trái cây, sữa…) và hạ sốt bằng pracetamol, lau mát như với trẻ sốt khác. Nếu dùng pracetamol đường uống không được thì dùng thuốc đạn đặt hậu môn cho trẻ. Không cho trẻ uống các loại nước có màu đen để nếu trẻ bị nôn tránh nhầm xuất huyết đường tiêu hóa.

Cũng theo BS. Tuấn, trẻ sốt xuất huyết khác với trẻ sốt thôngthường khác là thường sốt đột ngột, rất cao từ 390C trở lên, người rất mệt mỏi, niêm mạc có thể sung huyết, ửng đỏ, buồn nôn; trẻ lớn: đau đầu, đau bụng, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp…

Phụ huynh cần theo dõi dấu hiệu trở nặng của trẻ: lừ đừ, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, đau bụng, buồn nôn kéo dài hoặc nôn ói, chảy máu mũi, máu răng… cần đưa trẻ nhập viện ngay.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưng

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]