Sự thay đổi - Bài học quý của doanh nhân trẻ

Lần đầu gặp Huỳnh Trần Phi Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Sóng Thần, tôi hơi bất ngờ vì đây là một công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh địa ốc, du lịch, khu vui chơi giải trí, dịch vụ mua bán, cho thuê, sửa chữa xe hơi và đào tạo lái xe... mà anh thì khá trẻ và thư sinh.

15.6054

Tuy nhiên, sau khi trò chuyện, tôi nhận ra ở Long một con người khác: Không sôi nổi, nhiều lý lẽ nhưng anh tỏ ra rất nhạy bén, tâm huyết với những suy nghĩ sắc sảo và khát vọng đột phá của một thế hệ doanh nhân trẻ.

Huỳnh Trần Phi Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp Sóng Thần
* Khi được giao chức vụ Tổng giám đốc, hình như nhiều người chưa tin lắm vào khả năng điều hành của anh?

- Đúng hơn là họ lo lắng vì ai cũng nghĩ tôi còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm cả về thương trường, quan hệ lẫn cuộc sống. Gần 10 năm du học ở nước ngoài, khi trở về tôi không khỏi bỡ ngỡ trước cuộc sống ở Việt Nam, nhất là thời kỳ hội nhập theo xu hướng phát triển của thế giới, nhiều thành phần kinh tế đua chen làm ăn; rồi chuyện thủ tục giấy tờ, các chính sách của Nhà nước, các luật bất thành văn trong quan hệ kinh doanh và cả nếp nghĩ của con người. Nói chung, tôi phải mất vài năm mới thích nghi dần môi trường sống và làm việc ở quê nhà. Song, đến nay, với ít nhiều thành quả mà tôi góp phần mang lại cho công ty, có thể nói mọi người đã yên tâm về trách nhiệm được giao phó cho tôi.

* Với anh, điều gì khó nhất khi đảm nhận trọng trách mới?

- Đó là thay đổi môi trường văn hóa doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp Việt Nam, quan hệ tình cảm gia đình, người thân xen lẫn trong công việc nên vấn đề quản lý, xử lý nhân sự gặp khá nhiều rào cản. Nhân viên Việt Nam không thực dụng như nhân viên nước ngoài, họ làm việc và trung thành với người chủ đôi khi không phải vì tiền mà vì tình cảm. Chính vì vậy mà người chủ cũng không nỡ “mạnh tay” khi họ lỡ làm điều sai trái hoặc không còn thích nghi với sự phát triển của công ty. Song, khó khăn lớn nhất là khi mình tuyển được người giỏi, thì họ lại bất mãn bỏ đi khi gặp sức ỳ, tư tưởng và cách làm không phù hợp của người cũ, trong đó có cả người thân, ruột thịt của lãnh đạo. Bản thân tôi cũng muốn đem những cái học được từ nước ngoài, nhất là cách quản trị hiện đại áp dụng trong công ty nhưng vẫn chưa làm được nhiều vì vẫn phải theo “luật gia đình”, vả lại kiến thức của nhân viên chưa theo kịp với những gì mình muốn thay đổi và hướng họ đi.

* Anh muốn nói đến hạn chế của mô hình công ty gia đình? Có sự mâu thuẫn nào trong cách điều hành giữa anh và cha chưa? 

Công ty gia đình tuy có một số hạn chế nhưng vẫn có nhiều ưu điểm. Khi doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ thì công ty gia đình có lẽ là mô hình thích hợp, các thành viên ruột thịt sát cánh chung một mục đích, trách nhiệm, sống còn với nhau vì đó là sự nghiệp và cuộc đời của họ, việc quản lý tài chính giao cho người nhà cũng an tâm hơn. Ở nhiều nước, hầu hết các thương hiệu có tên tuổi
đều có điểm xuất phát từ công ty gia đình.

Tuy nhiên, khi công ty phát triển với quy mô lớn hơn thì không thể quản lý theo kiểu gia đình mà phải thay đổi theo cách điều hành hiện đại, nhưng vẫn duy trì các quan hệ tình cảm, lấy chữ tâm làm đầu. Quan điểm này của tôi không khác biệt với cha nhưng trong điều hành, đôi lúc cha con cũng có những tranh luận, mâu thuẫn. Cha tôi làm việc bằng thực tiễn, kinh nghiệm, bằng sự quyết đoán của người từng trải trên thương trường, có thể chậm nhưng chắc.

Còn tôi theo tiêu chí nhanh, gọn, lẹ, muốn thay đổi công ty theo đúng nghĩa công sở, có hệ thống và chuẩn mực. Nhưng những điều tôi đưa ra đều dựa trên sách vở, lý thuyết theo công thức 1+1 = 2 mà không biết bài toán 1+1 khi áp dụng vào thực tiễn Việt Nam khó như thế nào nên tôi chưa tạo nên sức thuyết phục.

* Và để được chủ động và toàn quyền điều hành anh đã thành lập Công ty Sóng Thần?

- Việc thành lập Công ty Sóng Thần là kế hoạch của cha, nhưng toàn bộ hoạt động kinh doanh là do tôi điều hành và quyết định. Tuy có nền tảng về tài chính và sự giúp đỡ từ cha nhưng tôi luôn bị áp lực về tính hiệu quả của kinh doanh, cũng như chứng minh tính khả thi của những ý tưởng kinh doanh mới.

"Một người kinh doanh thành công thì phải có ý chí và biết truyền niềm tin cho mọi người"

* Hai mảng anh phụ trách là kinh doanh khu hành chính, dân cư Dĩ An (Bình Dương) và dịch vụ mua bán, sửa chữa xe hơi, được xem là khá thành công. Anh tự đánh giá như thế nào?

- Dự án khu dân cư - hành chính kiểu mẫu ở Dĩ An là một trong những dự án lớn của Công ty Sóng Thần và thước đo thành công của tôi chính là số lượng căn hộ bán ra rất nhanh, ngay trong thời điểm thị trường bất động sản đang “đóng băng”. Cái mới hay sự khác biệt mà tôi áp dụng trong mảng này là vừa bán căn hộ, tôi còn kèm theo dịch vụ miễn phí thủ tục giấy tờ cho khách hàng, đồng thời tư vấn cho họ những thông tin có lợi nhất. Riêng dự án khu phức hợp Auto Kingdom bao gồm các dịch vụ mua bán, bệnh viện sửa chữa, bảo trì, cho thuê ô tô và đào tạo lái xe... do tôi đưa ra ý tưởng thì tiềm năng rất lớn. Ở nước ngoài, mô hình này hoạt động
khá nhiều và hiệu quả nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn rất ít, trong khi nhu cầu đi lại bằng xe hơi đang ngày một gia tăng.

* Anh chọn kinh doanh vì bổn phận gia đình hay vì đam mê?

- Vì cả hai. Gia đình tôi có 3 anh em, tôi là anh cả nên sớm hiểu nỗi gian truân của cha mẹ trong quá trình tạo dựng cơ nghiệp. Vì thế, tôi thấy mình phải có bổn phận gìn giữ, phát triển. Thời còn học tiểu học, tôi thường được cha cho đi theo trong những lần giao du, gặp gỡ bạn bè, thậm chí cả khi bàn bạc, đàm phán chuyện làm ăn. Lúc đầu, tôi không quan tâm nhưng dần dần lắng nghe, tôi bị cuốn vào những chuyện làm ăn của “người lớn”, thấy kinh doanh luôn phải tư duy, tìm tòi cái mới, luyện cho mình nhiều đức tính hay như sự bình tĩnh, điềm đạm khi đối mặt với tình huống xấu nhất. Và có lẽ tôi thích kinh doanh từ đó.

* Anh có vẻ thích kinh doanh mảng dịch vụ?

- Kinh doanh, suy cho cùng là để phục vụ con người. Cuộc sống càng phát triển, nhu cầu phục vụ khách hàng càng phải cao, tinh tế
và chuyên nghiệp. Vì vậy, kinh doanh dịch vụ là một mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, cũng có một lý do tình cờ khiến tôi chọn mảng
này, có thể coi là bài học. Đó là lần tôi đến một showroom xe hơi sang trọng nổi tiếng tại Úc, trong một bộ quần áo đơn giản, xềnh xoàng, dép xẹp và một gương mặt còn rất trẻ (mới 21 tuổi). Với bộ dạng này, nếu ở Việt Nam, tôi chắc nhân viên bán hàng sẽ không niềm nở đón tiếp vì không tin tôi có đủ khả năng mua xe.

Thế nhưng, đích thân ông chủ của showroom ấy ra tiếp, lấy cà phê mời tôi uống và giới thiệu rất tỉ mỉ về từng loại xe. Thậm chí, khi tôi đề nghị cho chạy thử chiếc xe đắt tiền nhất, ông ta cũng vui vẻ đồng ý và tận tình hướng dẫn, không cần biết tôi có mua hay không. Tôi rất hài lòng và cuối cùng, tôi mua xe vì dịch vụ quá tốt chứ không phải vì thích xe.

Tôi thấy dịch vụ ở Việt Nam chưa thật sự cao cấp và còn nhiều thiếu sót. Đó cũng là lý do tôi chọn mảng kinh doanh dịch vụ, cũng là cách góp phần làm thayđổi quan niệm làm dịch vụ ở Việt Nam và để phục vụ khách hàng tốt hơn.

* Nhưng xoay xở thế nào khi nguồn nhân lực cho ngành này còn rất yếu mà chất lượng dịch vụ lại phụ thuộc rất nhiều vào con người?

- Muốn có một dịch vụ tốt thì phải có nhân viên tốt. Song, khó khăn lớn nhất của các đơn vị làm dịch vụ là đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, họ chưa thật sự coi khách hàng là thượng đế, coi dịch vụ là một công việc phải tận tụy vì khách hàng. Để khuyến khích nhân viên, truyền cho họ sự đam mê công việc, tôi phải đào tạo, huấn luyện nhân viên, không chỉ
bằng lý thuyết mà tạo ra nhiều tình huống để họ xử lý.

Thời gian đầu, tôi phải thường xuyên giám sát, theo dõi công việc một cách khe khắt để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những cái chưa được, sau đó, tôi đưa ra chế độ thưởng phạt phân minh, người làm tốt sẽ được hưởng lợi cao, đặc biệt là tin tưởng phân quyền, giao trách nhiệm cho từng bộ phận để họ phát huy tính chủ động trong công việc.

* Tiêu chí nào anh coi trọng nhất khi tuyển nhân viên?

- Chân thật. Có thể chuyên môn chưa giỏi nhưng phải hiểu được nghề mình làm và có sự đam mê, có chí vươn lên, có khát vọng tìm tòi cái mới và hết mình phục vụ khách hàng.

* Nhiều người nói anh giống cha từ gương mặt, dáng đi đến phong cách. Anh nghĩ sao?

- Chỉ giống hình dáng và một vài sở thính thôi, còn tính cách thì tôi đang phải học hỏi nhiều ở cha. Cha tôi là người có chí, mạnh mẽ và quyết đoán. Đã quyết làm việc gì thì dù có ai ngăn cản, dèm pha cũng khó thay đổi. Nhiều dự án của cha tôi bị cho là “điên rồ”, không ít nhân viên, cộng sự hoài nghi nhưng cha tôi vẫn thuyết phục mọi người bằng tầm nhìn sắc bén, có cơ sở và sự tự tin. Ngay cả lúc công việc kinh doanh bế tắc, cha tôi vẫn tạo ra sự an tâm cho những người xung quanh. Từ tính cách của cha, tôi hiểu ra: Một người kinh doanh thành công thì phải có ý chí và biết truyền niềm tin cho mọi người.

* Là một doanh nhân trẻ, anh thấy thế hệ của mình có những mặt mạnh, mặt yếu nào?

- Thế hệ chúng tôi có ưu điểm về kiến thức, năng động, có cơ hội mở mang tầm nhìn, tiếp thu cái mới nhưng cũng dễ rơi vào những tham vọng thái quá, thích làm đủ thứ chuyện, dẫn đến thiếu định hướng và không chuyên sâu. Tóm lại, kiến thức thôi chưa đủ. Cần phải học hỏi, trau giồi thêm kinh nghiệm của người đi trước và tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc, phù hợp với thực tế.

* Vấn đề anh quan tâm nhất hiện nay?

- Mặc dù tôi thuộc thế hệ trẻ, từng đi du học, thích tự lập, có cái nhìn cởi mở hơn về mọi quan hệ trong xã hội nhưng đôi lúc, tôi vẫn chạnh lòng khi nghĩ đến đạo đức xã hội đang bị xuống cấp, nhất là mối quan hệ trong các gia đình ở Việt Nam đang lỏng lẻo dần. Hồi nhỏ, tôi thấy không khí gia đình ấm cúng hơn, bây giờ người nào việc đó, có khi cả tuần, các thành viên trong gia đình cũng không có dịp ngồi trò chuyện với nhau. Muốn hạn chế tình trạng này, trước hết ngành giáo dục cần xem lại cách dạy đạo đức cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Dù đã quen việc ở Mỹ, học sinh đi học về không chào hỏi người lớn nhưng ở Việt Nam thì tôi không thể chấp nhận.

* Anh có thể bật mí một chút về tiêu chí chọn bạn trăm năm của mình?

- Tiêu chí đầu tiên là phải có tình yêu, kế đến là phải có học thức; không cần đẹp nhưng khéo léo, biết ứng xử, có thể tranh luận.

* Kế hoạch lớn nhất trong tương lai của anh?

- Đó là điều hành thành công công ty do chính tôi thành lập. Xa hơn là phát triển công ty ấy thành một tập đoàn.

* Điều quý nhất mà anh học được trong cuộc sống, trong công việc?

- Thời gian học ngành kinh tế ở Mỹ, tôi có dịp được đi thực tế, tham quan một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn ở Mỹ, được nghe họ chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm làm việc nên tôi tích luỹ được nhiều kiến thức. Trong quá trình kinh doanh, tiếp cận được nhiều góc cạnh của thương trường, tôi cũng học được nhiều. Có thể tóm gọn điều quý nhất mà tôi học được, đó là sự thay đổi. Cần phải thay đổi mình, thay đổi cái cũ, cái không còn phù hợp thì mới mang lại điều tốt đẹp, mới mẻ cho tương lai. Dù sự thay đổi nào cũng vấp phải ít nhiều thách thức nhưng nếu quyết tâm thì ai cũng làm được.

* Trong một ngày, công việc chiếm bao nhiêu thời gian của anh?

- Tôi không tính toán cụ thể một ngày mình làm việc bao nhiêu giờ nhưng phương châm của tôi là làm việc không chỉ để kiếm tiền mà để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, khi lao vào công việc, tôi có cảm giác mình đang đi tới nên tôi rất thích tìm những ý tưởng mới trong công việc.

Ý NHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]