Thông điệp về bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

15.565

Những diễn biến của các bệnh sốt phát ban trong đó có sởi đang có xu hướng lan rộng ở nhiều địa phương. Trước tình hình này, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ra thông điệp về bệnh sởi, nhằm giúp cộng đồng có được những hiểu biết về bệnh và cách phòng ngừa tốt nhất.

Bệnh sởi có gì đặc biệt?

 Tiêm vaccin sởi mũi 2 cho trẻ.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Đường lây: Bệnh sởi lây theo đường hô hấp qua dịch tiết mũi họng khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Đề phòng lây truyền bệnh sởi thế nào?

Phát hiện sớm các trường hợp nghi sởi và cách ly kịp thời các trường hợp mắc sởi, nghi sởi và người tiếp xúc là rất cần thiết để phòng chống lây lan bệnh sởi trong cộng đồng. Những trường hợp mắc sởi hoặc nghi sởi cần phải nghỉ học, nghỉ làm việc, tránh tham gia hội họp và tập trung đông người.

Trường hợp mắc sởi nặng cần được điều trị tại bệnh viện. Các trường hợp nhẹ không nhất thiết phải nhập viện vì sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền trong bệnh viện. Tuy nhiên, những trường hợp này cần được thông báo cho các cơ sở y tế.

Những trường hợp nhẹ có thể chăm sóc và cách ly tại hộ gia đình, tránh đi lại, tiếp xúc trong vòng một tuần trước và sau khi phát ban.

Nguyên tắc điều trị

Các ca sởi nặng hoặc có biến chứng cần được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế. Trẻ nhỏ cần được uống bổ sung vitamin A.

Người bệnh mắc sởi cần được vệ sinh thân thể và răng miệng, không kiêng nước.

Phòng bệnh sởi bằng vaccin

Phòng bệnh sởi bằng cách tiêm chủng đủ 2 liều vaccin sởi. Cần tiêm vaccin sởi cho trẻ em để phòng sởi:

- Tiêm mũi 1 vaccin sởi khi trẻ từ 9 tháng đến 11 tháng tuổi.

- Tiêm mũi 2 vaccin sởi cho trẻ 6 tuổi.

- Tiêm vét cho tất cả trẻ em từ 1 đến dưới 6 tuổi chưa được tiêm vaccin sởi.

Thông điệp chung

- Để bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng phòng chống bệnh sởi tiến tới loại trừ căn bệnh này, các bậc cha mẹ cần cho trẻ em đi tiêm chủng đủ 2 mũi vaccin sởi trong tiêm chủng thường xuyên và trong các chiến dịch tiêm chủng.

- Khi có trường hợp nghi sởi: sốt, phát ban, có triệu chứng viêm long (chảy nước mũi, ho, mắt đỏ) cần được thông báo sớm cho các cơ sở y tế.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]