Thức ăn nào bổ dưỡng?

Ăn uống hợp lý sẽ cung cấp cho cơ thể đủ năng lượng làm việc, vui chơi và tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật.

15.6046
Xin giới thiệu một vài món ăn, không quá cầu kỳ trong chế biến nhưng rất tốt cho sức khỏe.
 
Thịt gà: thịt gà là loại thực phẩm chất lượng cao, dễ hấp thu và tiêu hóa. Thịt gà tốt cho não bộ, giúp giảm stress. Hàm lượng protein và phức hợp của amino a-xít trong thịt gà có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, làm phấn chấn tinh thần, giảm lo lắng, stress cũng như có tác dụng cải thiện huyết áp và nhịp tim.
 

Theo Đông y, thịt gà có tính ôn ngọt, không độc, bổ dưỡng. Là loại thực phẩm bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, huyết và thận. Đặc biệt, thịt gà có tác dụng bồi bổ cao cho người bị bệnh lâu ngày, dạ dày bị hàn, suy yếu, khả năng hấp thu thức ăn kém.

Thịt gà được chế biến dưới nhiều hình thức. Thịt gà luộc, hầm, chưng cách thủy giúp cơ thể dễ tiêu hóa hơn chiên, rán.

Theo dân gian, thịt gà kỵ với rau kinh giới, khi chế biến thức ăn cần chú ý.

Thịt bò: thịt bò chứa nhiều chất đạm, tham gia vào quá trình hình thành cơ bắp và đem oxy đến các tế bào trong cơ thể. Thịt bò rất cần thiết cho những người làm việc với cường độ lao động nặng, đặc biệt với những người thường xuyên chơi thể thao.

Chú ý: để đề phòng bệnh sán, không nên ăn thịt bò tái. Những người bị dị ứng với thịt bò, thịt gà, không nên ăn các loại thịt này.

Cá: cá biển giàu i-ốt và kẽm, là nguồn cung ứng lượng chất béo omega-3 có lợi cho cơ thể, giúp tránh tình trạng máu đông và tránh những phản ứng viêm nhiễm, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng thì người lớn nên dùng từ ba – bốn lần cá biển/tuần.

Hàu, sò, hến: hàu, sò, hến rất giàu chất kẽm, giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật.

Nấm: trong nấm rơm có chứa đủ các loại axít amine cần thiết cho cơ thể, nhiều hơn cả trong thịt bò và đậu tương. 100g nấm rơm tươi cho cơ thể 31 calorie.

Ảnh: P.Huy

Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn, bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, có khả năng kháng ung thư và làm hạ cholesterol máu.

Nấm được chế biến nhiều món:

- Canh nấm rơm (200g) nấu với đại táo (5 - 7 quả), ăn  mỗi ngày một lần. Ăn 5-7 ngày liền giúp bồi bổ, tăng sức khỏe.

- Nấm rơm nấu với đậu phụ ăn ngày một lần, thường xuyên ăn càng tốt, giúp bổ tỳ vị.

- Nấm rơm xào với trứng bồ câu hay trứng chim cút. Ngày ăn một lần giúp bổ can thận, ích khí, tăng sức.

Rong biển: rong biển có hàm lượng đạm dễ chuyển hóa rất cao. Rong biển còn có nhiều vitamine A và những carotenoids là những chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng kháng viêm, bảo vệ màng tế bào. Những polysaccharides trong rong biển có tác dụng tăng cường tính miễn dịch và nâng cao sức chịu đựng của cơ thể đối với những thay đổi của môi trường. Rong biển được chế biến thành thức ăn dưới nhiều dạng: nấu chè, canh rong biển...

Trái cây có màu đỏ, vàng: trái cây có màu đỏ, vàng, tím như gấc, khoai lang, bí đỏ, dâu tây, nho tím… có hàm lượng vitamine C, A và nhiều hợp chất chống oxy hóa khác có khả năng trung hòa những gốc tự do, bảo vệ màng tế bào.

Theo PGS-TS Lưu Thị Hiệp - Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]