Thực hiện thành công kỹ thuật đóng dò động mạch vành hiếm gặp

SKĐS - Ngày 14/1, TS. BS. Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, khoa vừa thực hiện thành công kỹ thuật đóng dò động mạch vành hiếm gặp

46.804

Ngày 14/1, TS. BS. Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế  cho biết, khoa vừa thực hiện thành công kỹ thuật đóng dò động mạch vành hiếm gặp cho bệnh nhân Trần Thị N.H, 44 tuổi, quê Tam Kỳ, Quãng Nam. Kíp phẫu thuật do TS.BS. Nguyễn Cửu Lợi chỉ  đạo và TS. BS. Hồ Anh Bình cùng ThS. Nhật thực hiện.

Bệnh nhân H. vào viện với triệu chứng thở gấp thở liên tục, bệnh nhân nghe rõ  tiếng thở rất to từ tim mình  phát ra. Do cơ thể mệt, yếu, bệnh nhân H đã không làm được bất cứ việc gì.

Siêu âm tim phát hiện bệnh nhân có một mạch máu to, bất thường đi từ động mạch chủ vào nhĩ phải. Chụp mạch máu cản quang chọn lọc xác định một nhánh dò lớn có đường kính 7-10mm đi từ động mạch chủ đổ vào nhĩ phải, và động mạch vành trái lại xuất phát từ nhánh dò này. Như vậy, nếu không đóng đường dò này thì máu từ động mạch chủ vào động mạch vành để nuôi tim sẽ bị đường dò “lấy cắp”, và tim luôn ở trong tình trạng thiếu máu cục bộ, về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim không thể hồi phục.

Kíp phẫu thuật đã sử dụng dù Amplazer ADO1 cỡ 14/16  đi ngược dòng từ tĩnh mạch đùi vào nhĩ phải rồi vào nhánh dò để đóng miệng lỗ dò. Trong một giờ đồng hồ, kíp phẫu thuật đã  dùng nhiều kỹ thuật phức tạp, dụng cụ đặc biệt  để đi từ tĩnh mạch đùi của bệnh nhân lên nhĩ phải, sau đó thả dù vào bít được lỗ dò, không còn  gây  nguy hiểm cho  bệnh nhân.

Đây là một kỹ thuật khó, phức tạp, cần những bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề cao, dụng cụ và trang thiết bị đầy đủ. Kỹ thuật can thiệp này tránh được cuộc phẫu thuật và bệnh nhân hồi phục nhanh chóng sau thủ thuật.

Sau thủ thuật 10  giờ đồng hồ, bệnh nhân đã  khỏe mạnh trở lại. H cho biết: “Tôi chưa bao giờ được khỏe mạnh như lúc này, kể từ khi mắc bệnh”.

Theo TS. BS. Nguyễn Cửu Lợi, lần đầu tiên tại miền Trung- Tây Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công kỹ thuật  này.

Xuân Hồng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]