Một ít thuốc tiết qua sữa có làm cho việc bú mẹ nguy hiểm hơn so với dùng sữa bình không? Hầu như không đáng lo ngại. Nói cách khác thái độ thận trọng nghĩa là tiếp tục cho bú chứ không phải là chuyển sang bú bình. Cần lưu ý rằng ngừng cho bú 1 tuần có thể làm cho trẻ thôi bú vĩnh viễn vì trẻ không chịu bú mẹ nữa.

Mặt khác cũng cần tính đến chuyện một số trẻ có thể không chịu bú bình hoàn toàn do đó lời khuyên ngừng cho bú không những không đúng mà thường không thể thực hiện được. Có thể khuyên các bà mẹ hút sữa trong những ngày mẹ không cho bú nhưng việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng và bà mẹ muốn chấm dứt tình trạng căng đau vú.

Cho con bú khi người mẹ dùng thuốc, nhìn nhận thế nào? Hầu hết thuốc mà người mẹ dùng đều có trong sữa nhưng thường chỉ ở mức rất nhỏ. Mặc dầu một số rất ít thuốc vẫn có thể gây ra vấn đề cho trẻ dù với lượng rất nhỏ nhưng đa số không như vậy.

Vì nồng độ thuốc trong máu mẹ thường chỉ tính bằng microgram, thậm chí nanogram (một phần triệu hay một phần tỷ của gram) trong khi người mẹ dùng thuốc ở liều milligram (một phần nghìn của gram) hoặc gram. Hơn nữa, không phải mọi thứ thuốc có trong máu mẹ đều có thể chuyển qua sữa. Chỉ có loại thuốc không gắn với protein trong máu mẹ mới có thể chuyển qua sữa.

Nhiều thuốc hầu như gắn hoàn toàn với protein trong máu mẹ, do đó trẻ không nhận được lượng thuốc tương tự như liều lượng người mẹ dùng mà luôn thấp hơn nhiều trên cơ sở cân nặng cơ thể. Ví dụ, đã có nghiên cứu với thuốc paroxetine (Paxil) dùng cho bà mẹ cho con bú, trẻ chỉ nhận dưới 0.3% lượng thuốc cho mỗi cân nặng cơ thể so với bà mẹ (cụ thể là người mẹ có trên 300 microgram cho mỗi kilogram cân nặng mỗi ngày trong khi trẻ chỉ nhận khoảng 1 microgram cho mỗi kilogram cân nặng mỗi ngày).  

Những thuốc nào được coi là an toàn khi cho con bú? Một số thuốc thường dùng được xem là an toàn khi cho con bú, bao gồm: Acetaminophen (Tylenol, Tempra), rượu (với lượng hợp lý), aspirin (liều thông thường, trong thời gian ngắn). Hầu hết các thuốc chống động kinh, hầu hết các thuốc hạ huyết áp, tetracycline, codeine, thuốc chống viêm không có nhân steroid (như ibuprofin), prednisone, thyroxin, propylthiourocil (PTU), warfarin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil), các thuốc chống trầm cảm, metronidazole (Flagyl), omperazole (Losec), Nix, Kwellada.

Những thuốc bôi ngoài da, thuốc hít (như thuốc chữa hen) hay thuốc rỏ mắt, rỏ mũi đều gần như luôn an toàn khi cho con bú.

Những thuốc gây tê tại chỗ hay khu vực dùng cho người mẹ không được hấp thụ vào dạ dày trẻ và an toàn. Những thuốc dùng trong gây mê toàn thân cho mẹ chỉ đi vào sữa mẹ với lượng rất nhỏ (giống như các thuốc khác) và rất khó có thể tác động đến trẻ.  Những thuốc này có đời sống bán hủy rất ngắn và bị thải trừ rất nhanh khỏi cơ thể mẹ. Người mẹ có thể cho con bú ngay sau khi tỉnh mê.  

Gây miễn dịch (tiêm hay uống vắc-xin) cho mẹ không đòi hỏi phải ngừng cho bú. Trái lại, việc gây miễn dịch cho mẹ còn giúp trẻ phát triển sự miễn dịch nếu như chất có trong vắc-xin vào sữa. Trong thực tế, hầu hết các vắc-xin đều không đi vào sữa, ngoại trừ có thể một số phương pháp gây miễn dịch với virus sống như vắc-xin phòng bệnh sởi Đức nhưng không sao cả, vẫn dùng được khi mang thai.

Chụp X quang hay scan (phương pháp chẩn đoán hiện đại dự trên hình ảnh): X quang thông thường không đòi hỏi bà mẹ ngừng cho con bú ngay cả khi có dùng chất cản quang (ví dụ chụp bể thận với thuốc tiêm tĩnh mạch). Lí do là thuốc không đi vào sữa và dù có thì trẻ cũng không hấp thụ. Cũng như vậy với CT scan (chụp cắt lớp vi tính) và MRI scan (cộng hưởng từ). Không cần ngừng cho bú dù có làm lần thứ 2.  

Còn phương pháp chẩn đoán bằng chất phóng xạ?
Khi mẹ cần đến phương pháp chẩn đoán có dùng chất đồng vị phóng xạ (để có hình ảnh tổn thương ở phổi, hệ bạch mạch, xương) thì nên dùng chất technetium (dù các chất khác vẫn có thể dùng) vì chất phóng xạ này có đời sống bán hủy là 6 giờ, có nghĩa là sau 5 lần thời gian bán hủy tức 30 giờ thì tất cả chất phóng xạ đã thải trừ khỏi cơ thể mẹ và mẹ đã có thể cho con bú mà không sợ con bị nhiễm xạ.