Bố tôi năm nay 74 tuổi. Không hiểu lý do gì mà cụ rất hay bị táo bón mặc dù uống nước và ăn rau quả đều đặn. Xin hỏi, bố tôi có nên dùng thuốc nhuận tràng không và dùng thế nào?
Nguyễn Văn Trà (Nghệ An)
Trên thị trường hiện nay, thuốc nhuận tràng để điều trị bệnh táo bón có rất nhiều loại khác nhau. Chủ yếu là:
Chất xơ và chất nhầy: Loại này bao gồm sợi thức ăn hoặc chất nhầy lấy từ tảo biển, trong đó thạch agar agar hay được dùng. Các thuốc này có tác dụng làm tăng thể tích phân và ngấm nước, được dùng để trị các chứng táo bón vô căn. Chống chỉ định trong các trường hợp nghi tắc ruột cơ học, loét hành tá tràng, cắt đoạn dạ dày.
Thuốc nhuận tràng và làm mềm phân: Dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước. Trong trường hợp trào ngược dạ dày thực quản, không dùng thuốc này trước khi đi ngủ để phòng dịch trào ngược vào đường hô hấp.
Các thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Mục đích làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo theo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng lượng nước trong phân giúp bài tiết và tống xuất phân ra ngoài. Đại diện của nhóm thuốc này là macrogol (biệt dược forlax, fortrans), thường dùng để chuẩn bị soi đại tràng bằng cách cho uống với 2 - 3 lít nước, ngoài ra cũng được sử dụng trong điều trị táo bón mạn tính. Thuốc chống chỉ định ở các bệnh nhân viêm loét đại trực tràng, tắc ruột, ung thư trực tràng, mất nước, suy tim.
Các thuốc nhuận tràng kích thích nhu động: Đó là các acid ricinoleic, acid mật, dẫn xuất diphenylmethan, tác dụng qua nhiều cơ chế khác nhau. Đáng ý trong nhóm thuốc này có anthraquinolic gồm các sản phẩm tự nhiên là các aglycol của cây cascara, rhubarbe... những thuốc xổ thực vật này không hấp thu ở ruột non, chúng chỉ hoạt động khi đến đại tràng, gia tăng sự tống phân bằng cách kích thích tiết prostaglandin nội sinh, tuy nhiên, thuốc bị phân hủy bởi các vi khuẩn ở đại tràng nên các thuốc này mất tác dụng khi dùng kháng sinh diệt vi khuẩn chí ở ruột.
Thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ: Các thuốc này làm phóng thích khoảng 50 - 100ml dịch trong lòng trực tràng và gây kích thích phản xạ đại tiện. Ngoài ra, có thể sử dụng thụt tháo với các chất nhầy hoặc thụt tháo vi lượng, thường hay dùng để chuẩn bị nội soi đại trực tràng hoặc cho táo bón khi nằm lâu để làm mềm phân, tuy nhiên, không được dùng kéo dài.
Tuy nhiên, tùy theo cơ chế tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng loại thuốc nào. Vì vậy, bạn nên đưa người nhà đến phòng khám chuyên khoa để được khám, điều trị kịp thời.
BS. Hoa Tân