Ngoài việc là chủ của Virgin Group, tập đoàn có hơn 300 công ty lớn nhỏ trên 30 quốc gia ở khắp thế giới với xấp xỉ 50.000 nhân viên và doanh thu toàn cầu khoảng18 tỉ USD (năm 2009), Richard Branson còn là một doanh nhân tầm cỡ thế giới. Hãy nghe những trải nghiệm thú vị của ông.
Sau mỗi doanh nhân thành công là một cố vấn đại tài
Nhiều người cho rằng, doanh nhân thành công là người đơn độc. Nhưng không phải thế. Dù có nổi danh và thành công đến mấy đi chăng nữa, họ vẫn cần có sự trợ giúp.
Đối với tôi, người cố vấn đầu tiên là mẹ. Khi còn nhỏ, tôi luôn thiếu kiên nhẫn trước những thử thách, trong thể thao cũng như trong học tập. Những lúc ấy, mẹ tôi bảo rằng đừng nhìn lại phía sau và hối tiếc, hãy nhìn về phía trước và trải nghiệm những điều mới mẻ. Đây là bài học giúp tôi thành công trong sự nghiệp.
Khi khởi nghiệp, đôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn và bế tắc, nhưng hãy xem đó là thử thách và bài học để thành công. Duy trì thái độ tích cực và chịu trách nhiệm trước mọi hành động của mình cũng là điều mẹ tôi từng dạy. Những bài học này đã theo tôi trong suốt những năm tháng trưởng thành.
Mọi ý tưởng dù đơn giản, đều có giá trị
Nhiều người hỏi tôi rằng làm thế nào thương hiệu Virgin thành công như thế và bí quyết là gì? Sự thật là chúng tôi luôn bắt đầu từ những ý tưởng đơn giản và phát triển chúng theo thời gian. Khi mới mở cửa hàng bán đĩa hát, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ thành công nếu đây là điểm đến thú vị đối với khách hàng. Điều này trở thành kim chỉ nam cho tất cả công ty của Virgin về sau: mang lại trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng và khiến họ thực sự hài lòng về sản phẩm.
Mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều ý tưởng có vẻ như không tưởng. Nhiệm vụ của chúng tôi là sàng lọc những ý tưởng đó, xem chúng có phù hợp với giá trị của Công ty và với kỳ vọng của khách hàng hay không. Điều này đôi khi dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa.
Trở thành thương hiệu uy tín nhất
Người ta nói Virgin là một trong những thương hiệu mạnh nhất thế giới, nhưng mục tiêu của chúng tôi là đưa Virgin trở thành một trong những thương hiệu uy tín nhất thế giới.
Nhiệm vụ đầu tiên và khó khăn nhất là làm sao để hơn 300 công ty trực thuộc Virgin có thể nhận thức sâu sắc kim chỉ nam của Tập đoàn. Để làm được điều đó, chúng tôi thường mở các khóa huấn luyện và cung cấp những công cụ cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi luôn đặt chỉ tiêu về sự hài lòng của khách hàng và kiểm tra hằng quý; huy động mọi ý tưởng từ bộ phận marketing của mỗi công ty, đồng thời đảm bảo mỗi doanh nghiệp của mình đều được trang bị tốt những phẩm chất này.
Ở các trường kinh tế, giá trị thương hiệu thường được nhấn mạnh ở khía cạnh marketing và người ta xem nó là đích của một quy trình, thay vì phải là điểm khởi đầu của doanh nghiệp. Thật may mắn chúng tôi đã học được điều này từ thực tế kinh doanh. Chúng tôi hoàn toàn có thể xây dựng một thương hiệu theo tiêu chuẩn trường lớp nhưng để có thể tiến xa hơn, chúng tôi luôn tuân thủ những giá trị nền tảng của Virgin: sáng tạo, nhạy bén và thấu cảm.
Yêu thích việc mình đang làm
Tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh tại tầng trệt căn hộ nằm ở phố Tây London. Khi ấy tôi không đặt mục tiêu sẽ biến nó thành một đế chế kinh doanh mà đơn giản tôi chỉ muốn làm những gì mình yêu thích và mang lại thu nhập đủ để chi trả hóa đơn hàng tháng. Cái tên Virgin cũng sinh ra trong bầu không khí vui nhộn, nhân một dịp ăn uống và trò chuyện với bạn bè. Chúng tôi thích nó vì tại thời điểm đó, Virgin hoàn toàn lạ lẫm với giới kinh doanh.
Sản phẩm phải nổi bật
Dù sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu của bạn có tốt đến mấy đi nữa, bạn cũng khó đứng vững và phát triển nếu không tạo sự khác biệt và nổi bật.
Hãy thử nhìn những doanh nghiệp thành công nhất trong 20 năm qua mà xem, Microsoft, Google hay Apple, họ đều đổi mới liên tục và làm những điều chưa ai từng làm trước đó. Họ trở thành những thế lực chủ đạo trong giới kinh doanh ngày nay.
Tạo niềm tự hào cho nhân viên
Nhân viên là tài sản quý giá nhất của công ty. Làm sao để nhân viên luôn tự hào về công việc họ làm là yếu tố then chốt đối với tôi khi xây dựng một công ty. Chúng tôi thu hút nhân tài, cùng tạo ra những sản phẩm mang đến sự khác biệt cho cuộc sống của khách hàng.
Một nhà lãnh đạo tốt
Để trở thành một nhà lãnh đạo tốt, bạn cần biết lắng nghe và làm chủ quyết định của mình. Điều đó không có nghĩa là bạn có thể áp đặt quan điểm của bản thân cho người khác. Điều tối kỵ của một lãnh đạo tốt là sự độc đoán trước lời khuyên chân thành và ý tưởng độc đáo.
Một nhà lãnh đạo tốt còn phải biết cách khen ngợi người khác, không bao giờ công khai chỉ trích một ai và không để nóng giận mất khôn. Nếu nhân viên làm việc không hiệu quả thì cũng không vì thế mà sa thải họ, thay vào đó hãy xem trong công ty có vị trí nào phù hợp với họ hơn không. Hầu hết các trường hợp, câu trả lời là “có”.
Sẵn sàng học hỏi
Công việc của tôi đòi hỏi phải đi lại liên tục, vì vậy tôi luôn có một quyển sổ tay để ghi lại các câu hỏi, mối lo ngại cũng như ý tưởng của mình.
Khi ngồi trên máy bay, tôi hay bắt chuyện với nhân viên, hành khách hoặc phi hành đoàn và thu được không ít ý tưởng hay. Tôi ghi cả vào sổ tay. Điều quan trọng là tôi luôn xin tên và địa chỉ email của họ để phản hồi ý kiến vào ngày hôm sau.
Ngoài ra, bạn cần phải thực tế. Đối với những công ty đi lên từ con số không thì điều quan trọng nhất trong những năm đầu hoạt động là làm sao để tồn tại. Bạn cần phải tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo được điều này trước khi tạo ra những đột phá. Nếu thất bại, đừng mất tinh thần. Hãy nhớ rằng không trải qua thất bại, bạn sẽ khó vươn đến thành công.
Chiến đấu với gã khổng lồ
Nhiều người thường mặc cảm rằng: “Làm sao tôi có thể cạnh tranh với gã khổng lồ ấy chứ!”. Điều này hoàn toàn sai lầm. Phần lớn sự nghiệp của mình, tôi thường đóng vai chàng David nhỏ bé đương đầu với gã Goliath khổng lồ và tôi tự hào về điều đó. Tôi cho rằng những công ty nhỏ và tham vọng sẽ có nhiều lợi thế hơn các công ty lớn, cồng kềnh vì họ dễ tìm thấy điểm yếu ở những gã khổng lồ này và khai thác triệt để.
Trong cuộc chiến với Hãng hàng không British Airways (BA), Virgin Atlantic (VA) của chúng tôi đã chứng tỏ được lợi thế vượt trội của mình. Nếu như quy trình ra quyết định của BA rất nhiêu khê, cản trở sự thay đổi thì VA lại hoàn toàn trái ngược. Khi khách hàng hay phi hành đoàn của chúng tôi cho biết họ không thích điều gì đó, chúng tôi sẽ ghi nhận và nếu thấy hợp lý, sự thay đổi sẽ được thực hiện gần như lập tức. Tôi nhớ mãi lời khuyên của Freddie Laker, doanh nhân huyền thoại trong ngành hàng không: “Richard này, hãy nhớ rằng chỉ có thằng khờ mới không chịu thay đổi quan điểm của mình”.
(Theo Entrepreneur)