Trầm cảm sau sinh: SOS!

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, từ một cô gái luôn vui vẻ, dịu dàng, yêu chiều chồng, Lan bỗng trở nên ít nói, dễ cáu gắt, hay khóc, không còn muốn sẻ chia với người thân... Lo lắng trước sự thay đổi đột ngột của vợ, chồng Lan đã đưa cô tới chuyên gia tâm lý,

15.5948

sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã kết luận cô mắc hội chứng trầm cảm sau khi sinh - đó là một hội chứng phổ biến ở phụ nữ.

Theo nhiều nghiên cứu, có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của hội chứng này là 50%. Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện khoảng vài ngày đến 6 tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau. Ở dạng trầm cảm nhẹ, sau khi sinh khoảng 3-4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc lóc vô cớ... Nếu bị trầm cảm nặng, từ trạng thái lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác. Nếu tình trạng trầm cảm nặng kéo dài quá 2 tuần, người mẹ sẽ rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Thậm chí, nhiều người mẹ còn không quan tâm tới con của mình, bỏ mặc, hành hạ con, thậm chí giết hại hoặc tự sát.

Cần phân biệt giữa “cơn buồn thoáng qua sau sinh” - một phản ứng bình thường của sản phụ sau khi sinh, với tình trạng trầm cảm sau sinh. Ở “cơn buồn thoáng qua sau sinh”, người mẹ thường thấy mệt mỏi, lo lắng, thoáng buồn... Tình trạng này thường xuất hiện sau sinh và kéo dài vài 3 ngày là chấm dứt. Nhưng, nếu tình trạng trên kéo dài hơn 10 ngày với các triệu chứng ngày càng nặng hơn như: Luôn cảm thấy buồn, không quan tâm đến những sự việc chung quanh, ăn không ngon dẫn đến sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, hay khóc không lý do, thấy bản thân vô giá trị hoặc có một tội lỗi gì ghê gớm, luôn bồn chồn, lo âu hay dễ tức giận, bi quan về tương lai, không muốn chăm sóc con hay sợ mình sẽ làm hại đứa bé... thì bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm sau sinh.

Hiện nay, y học vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh, nhưng có một vài giả thiết cho rằng đó là hậu quả của sự thay đổi của vài loại nội tiết tố sinh dục trong khi có thai và ngay sau khi sinh, do sinh khó, có thai ngoài ý muốn, không được sự hỗ trợ của người thân trong quá trình sinh nở và nuôi con, phải tự chăm sóc con ban đêm, cuộc sống căng thẳng, trở lại công việc hằng ngày sớm hơn 30 ngày... Ngoài ra, trầm cảm sau sinh một phần là do hệ quả của lối sống hiện đại. Cuộc sống sôi động với nhiều áp lực đã khiến các bà mẹ trẻ chưa kịp học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chưa chuẩn bị sẵn tâm lý làm mẹ nên thường nảy sinh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn tới trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh tuy không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu không có phương pháp điều trị sớm và tích cực sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe cả tinh thần và thể chất của người mẹ, của người cha, đặc biệt là của đứa trẻ. Trẻ nhỏ có mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ bị ảnh hưởng tính cách khi trưởng thành như rụt rè, nhút nhát trước đám đông, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức chậm, hành động tiếp thu yếu hơn các bạn cùng trang lứa.

Để tinh thần của người mẹ sau khi sinh được ổn định, vui vẻ, thoải mái, ngay từ khi bắt đầu mang thai, sản phụ và người thân, đặc biệt là người chồng, cần có những biện pháp tâm lý thật tốt. Với các bà mẹ trẻ, ngoài việc đọc sách báo và học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe bản thân khi mang thai, chăm sóc và nuôi dạy em bé... Còn cần phải học hỏi các phương pháp xử lý những rắc rối khi gia đình có thêm thành viên mới. Mang thai, sinh nở và nuôi dạy con là một biến động rất lớn, thậm chí là có thể thay đổi hoàn toàn so với cuộc sống thời son rỗi. Người mẹ sẽ vất vả hơn, mệt mỏi hơn, lo lắng nhiều hơn; thời gian dành cho bản thân, cho người thân, cho sự nghiệp không còn nhiều; kinh tế xáo trộn; quan hệ thay đổi... Xác định được điều đó sẽ giúp các bà mẹ vượt qua những năm tháng khó khăn đầu tiên khi gia đình có thêm thành viên mới.

Ngay từ thời kỳ thai nghén, nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, bên cạnh việc nghỉ ngơi, thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, thai phụ rất cần sự động viên, nâng đỡ tinh thần của người thân và bạn bè. Nếu có các rối loạn tâm thần nặng thì cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Sau khi sinh con vài ngày, người mẹ cần theo dõi các diễn biến tâm lý của chính mình để kịp thời điều chỉnh. Với trầm cảm nhẹ, có thể can thiệp bằng những viên thuốc ngủ giúp giải quyết những cơn mất ngủ trước mắt. Kèm theo đó là sự chủ động từ phía các bà mẹ trẻ trong việc chia sẻ suy nghĩ và công việc với người thân để giải tỏa gánh nặng. Trong trường hợp bệnh có liên quan đến nồng độ hormon bác sĩ sẽ kê toa thuốc cân bằng lại lượng hormon. Điều quan trọng là bạn đừng cố gắng chống lại hiện tượng mệt mỏi này mà hãy nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt. Bạn hãy tự nhủ rằng những cảm giác căng thẳng này rồi sẽ qua, hãy thư giãn để thưởng thức mọi cung bậc tình cảm, bởi vì con bạn lớn rất nhanh. Cùng với sự chuẩn bị tốt về tâm lý của sản phụ, những lời khuyên giải, động viên, nâng đỡ của người thân sẽ giúp tinh thần của các bà mẹ bình thường trở lại. Chỉ có khoảng 15% kéo dài trạng thái trầm cảm đến hàng năm, hoặc bị trầm cảm nặng có các rối loạn hành vi. Những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị. Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được động viên, an ủi, nâng đỡ về tinh thần để tránh mặc cảm.

BS. Trần Thu Thủy

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]