Tháng 7-2011, đánh giá điều tra sơ bộ về tình hình sản xuất chăn nuôi heo cho thấy cả nước có gần 27 triệu con với khoảng 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Hằng năm, lượng chất thải rắn xả ra môi trường là hơn 20 triệu tấn, đó là chưa kể đến các vật nuôi khác. Đây là nguồn thải gây nguy hại rất lớn cho môi trường. Mặt khác, nhiều trang trại đã có hệ thống xử lý chất thải với các loại công nghệ khác nhau nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Làm thế nào để việc kinh doanh phát triển đồng bộ với bảo vệ môi trường là điều mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM muốn đề cập tới.

Tách biệt riêng rẽ từng khu vực

Theo hướng dẫn của Sở, trong quá trình xây dựng chuồng trại, chủ đầu tư cần chú ý vị trí phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt phải cách tối thiểu là 100 m; cách nhà máy chế biến, giết mổ heo, chợ buôn bán heo phải cách tối thiểu 1 km. Nơi xây dựng phải có nguồn nước sạch, đủ trữ lượng cho chăn nuôi, đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Khu vực chăn nuôi không sạch sẽ dễ gây bệnh và nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Internet

Trại chăn nuôi phải có tường, hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát người và động vật ra vào trại. Dự án cần thiết kế riêng biệt các khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; khu cách ly heo ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác. Cổng ra vào trại, chuồng nuôi, lối ra vào phải bố trí hố khử trùng. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt, phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc 3%-5% đối với chuồng nền. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý phải kín, dễ thoát nước, không trùng với đường thoát nước khác. Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất, thuốc sát trùng, kho thiết bị… phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp, dễ tiêu độc khử trùng.

Phải có hệ thống xử lý chất thải

Trong vấn đề chất thải, các trang trại bắt buộc phải có hệ thống xử lý trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn cần thu gom hằng ngày, sau đó xử lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Đồng thời, chúng cần được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y khi vận chuyển ra ngoài. Đặc biệt, các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Nước thải sau khi xử lý, xả ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn quy định. Hiện nay, công nghệ biogas được chú ý và đánh giá cao vì hiệu quả nó mang lại. Lợi ích đầu tiên của phương pháp này giúp giảm chất thải làm ô nhiễm môi trường. Thứ hai là tạo ra năng lượng dùng cho đun nấu, thắp sáng… Qua đó, chủ trang trại có thể tiết kiệm phần lớn các chi phí kinh doanh, tăng thêm thu nhập.

Nhiệm vụ đến năm 2020 là đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm các cơ sở chăn nuôi; giết mổ; chế biến gia súc, gia cầm gây ô nhiễm. Mỗi chủ trang trại cần ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường. Có như vậy mới đảm bảo hoạt động kinh doanh có tính bền vững. Hơn nữa, đó cũng là cách làm tốt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho vật nuôi.

Lớp tập huấn tổ chức miễn phí

Từ ngày 23 đến 24-8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM dự kiến tổ chức lớp Tập huấn giải pháp quản lý nội vi cho doanh nghiệp. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình sản xuất sạch hơn do Sở phát động. Quản lý nội vi là một kỹ thuật đơn giản, thiết thực, mang lại hiệu quả cao nhưng hầu như không tốn chi phí. Các doanh nghiệp có thể đạt được các lợi ích như nâng cao ý thức nhân viên; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, gọn gàng; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng. Với kiến thức có được, doanh nghiệp có thể tự áp dụng, triển khai vào tình hình cụ thể. Các doanh nghiệp quan tâm có thể gửi phiếu đăng ký trước ngày 18-8. Để biết thêm thông tin chi tiết, có thể liên hệ Trung tâm Sản xuất sạch hơn: 137bis Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP.HCM, điện thoại: (08) 3844 3881 - 3844 3860.

NGỌC CHÂU


Video đang được xem nhiều