Trật khớp háng bẩm sinh: Phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

Bệnh ít được nói đến, nhưng lại xuất hiện nhiều trong những năm qua

15.5986

H.B.T (sinh năm 2001), ở Nha Trang, phát triển như bao đứa bé bình thường khác, nhưng đến khi biết đi thì gia đình phát hiện cháu bị chân thấp chân cao. Được đưa vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM điều trị, bác sĩ chẩn đoán cháu bị trật khớp háng bẩm sinh (TKHBS). Thật may mắn vì bệnh của H.B.T được phát hiện tương đối sớm. Không ít trường hợp do phát hiện trễ, việc điều trị tốn kém và nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Phan Văn Tiếp, Trưởng khoa Chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, cho đến nay TKHBS vẫn là căn bệnh không rõ nguyên nhân. Trước năm 1975, tại khu vực miền Nam bệnh rất ít hoặc hầu như không có, nhưng trong những năm gần đây số ca được ghi nhận khá nhiều. Năm 1999, bệnh viện điều trị 40 ca (1,7%); năm 2000, 32 ca (1,4%); năm 2001, 33 ca (1,4%). Trong cả năm 2001, Bệnh viện Từ Dũ cũng ghi nhận 64 ca TKHBS. Theo khảo sát của bác sĩ Tiếp, bệnh gặp nhiều ở bé gái (70,3%), sanh ngôi mông (73,4%), đa số đều có triệu chứng lâm sàng rõ rệt: giới hạn dang đùi, mất đối xứng nếp mông, giới hạn khép đùi, co rút cơ khép... Bệnh xảy ra ở 1 chân lẫn 2 chân và có thể kèm theo các dị tật khác như bàn chân vẹo trong, vẹo cổ, chân khoèo, bàn chân vẹo gót, ưỡn gối hoặc tinh hoàn ẩn. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp (9,3% theo khảo sát của bác sĩ Tiếp), trẻ không có triệu chứng lâm sàng lẫn dị tật kèm theo.

Mặc dù vậy, với hỗ trợ của những phương pháp cận lâm sàng hiện nay thì việc phát hiện TKHBS không khó, vấn đề chỉ là nếu phát hiện trễ, bệnh để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến tương lai trẻ sau này. Bác sĩ Tiếp nói: “Nếu bị TKHBS thì khi tập đi trẻ sẽ khập khiễng, lâu ngày không chữa trị dẫn đến vẹo cột sống, nặng hơn thì bị hoại tử chỏm xương đùi, trở thành tật nguyền”. Đáng lưu ý là nếu được phát hiện sớm, việc chữa trị đơn giản mà cơ may thành công rất lớn. Ở đây vai trò của bác sĩ sản, nhi, nữ hộ sinh và bác sĩ cộng đồng rất quan trọng. Cần đưa bài giảng TKHBS vào nội dung giảng dạy cho các đối tượng này. Tại Bệnh viện Từ Dũ, tỉ lệ điều trị thành công TKHBS trong những năm qua là trên 80%. Thông thường, trẻ bệnh trước 8 tháng tuổi thì được nắn chỉnh, điều trị bảo tồn. Sau 8 tháng, nếu kéo nắn không được thì phẫu thuật. Nhưng càng mổ sớm thì càng dễ và vết mổ càng nhỏ; lớn hơn mổ khó khăn, thậm chí phải cắt ngắn xương đùi, cắt khung chậu... Nếu để trễ đến 15-16 tuổi, phẫu thuật chỉ mang tính vớt vát, hầu như không còn ý nghĩa gì. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Trưởng khoa Trẻ khuyết tật - phục hồi chức năng Bệnh viện Từ Dũ, nói: “Cần xóa bỏ một quan niệm sai lầm vẫn tồn tại trong dân gian là không nên điều trị các tật bẩm sinh ở tuổi sơ sinh. Trong thực tế, trẻ càng nhỏ thì việc điều trị càng ít tốn kém nhưng lại dễ thành công”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]