Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2, còi xương là bệnh gây ra do cơ thể bị thiếu vitamin D, dẫn đến thiếu calcium làm ảnh hưởng phát triển hệ xương.

Những cậu ấm còi xương

Bé HA con của chị TH (quận Gò Vấp) 1,5 tuổi, nặng gần 14 kg, ăn uống rất khỏe và không bị bệnh lặt vặt nhưng đi lại, đứng ngồi chậm chạp hơn trẻ cùng lứa. Chị H. đưa bé đi khám, không ngờ bé lại bị chẩn đoán là còi xương. Trước đó, chị thấy con hay quấy khóc, đổ mồ hôi cả khi chơi lẫn khi ngủ và tóc sau gáy rụng nhiều, xoáy lại thành một vòng tròn nhưng không biết đó là biểu hiện của bệnh còi xương.

Tương tự, cả hai gia đình nội ngoại của bé NN (quận 2) đều không thể tin đứa cháu đích tôn của mình lại bị còi xương vì gia cảnh rất khá giả, bé ăn uống không thiếu thứ gì, mới hai tuổi đã nặng gần 20 kg. Do là cháu đầu tiên nên bé NN rất được cưng chiều. Cứ rời tay ông ngoại thì đến tay ông nội, rời tay bà ngoại thì đến tay bà nội nên bé hầu như rất ít được ra ngoài. Mỗi lần có việc phải đi đâu, bé được bao bọc từ đầu tới chân, bất kể sáng sớm hay tối khuya. Ông bà không cho bé tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì sợ làn da mỏng như trứng của quý tử sẽ đen sạm. Ai ngờ chính sự cưng chiều này đã khiến cậu ấm bị còi xương, một bệnh những tưởng chỉ xảy ra với những trẻ thấp còi.

Tắm nắng là một trong những phương pháp chống còi xương ở trẻ em. Ảnh: CTV

Bé càng bự càng cần nhiều calcium

Theo BS Hậu, bệnh còi xương xảy ra nhiều ở trẻ dưới ba tuổi, thường gặp nhất là trẻ 3-18 tháng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là thiếu vitamin D do thiếu cung cấp (ít phơi nắng, da sậm màu, trẻ sinh non, trẻ quá bụ bẫm…), mất vitamin D qua thận, còi xương kháng vitamin D...

Trong suy nghĩ của nhiều người, bệnh còi xương chỉ xảy ra ở trẻ nhẹ cân thiếu ký. Thật ra trẻ nhẹ cân và dư cân đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Thậm chí trẻ càng lớn con thì nguy cơ còi xương lại càng nhiều vì trẻ phát triển quá nhanh, nhu cầu về calcium cao hơn trẻ bình thường, nếu cha mẹ không chú ý sẽ không đáp ứng đầy đủ.

Tắm nắng, ăn dặm đúng cách

Cũng theo BS Hậu, trong suốt thời gian mang thai, người mẹ phải sớm bổ sung calcium bằng cách ăn thực phẩm chứa nhiều calcium như cua, tôm, trứng, cá, đậu, sữa.

Biểu hiện của chứng thiếu calcium là trẻ quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, rụng tóc vùng sau gáy hình vành khăn, chậm mọc răng, thóp rộng, có bướu đỉnh đầu hoặc trán dồ, giảm trương lực cơ, chậm phát triển vận động (chậm biết lật, bò, đi, đứng…).

trẻ nhỏ, phơi nắng chính là nguồn cung cấp chính yếu. Dưới da trẻ đã có sẵn các tiền vitamin D, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời, các tiền vitamin D này sẽ chuyển hóa thành vitamin D. Phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng hằng ngày bằng cách để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài 15-30 phút buổi sáng (trước 9 giờ); lưu ý là phải tắm nắng trực tiếp, không đứng sau lớp kính cửa sổ vì không có tác dụng. Ở những nơi thiếu ánh nắng mặt trời, việc cung cấp vitamin D phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn.

Tất cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thiếu niên đều phải được cung cấp tối thiểu 400 UI vitamin D mỗi ngày. Sau sinh, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn, tiếp đó cho bú mẹ một phần cho đến khi trẻ bú được khoảng 1 lít sữa/ngày hoặc uống thêm trên 250 ml sữa có bổ sung vitamin D. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho trẻ ăn thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều calcium và dầu mỡ vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì trẻ không hấp thu được. Lưu ý, chế độ ăn quá dư đạm cũng làm tăng khả năng mất calcium qua thận. Đối với trẻ nhỏ trên một tuổi nếu ăn ít thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, bột, lòng đỏ trứng…) thì cũng nên bổ sung vitamin D 200-400 UI/ngày.

Đặc biệt, với những trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D như kém hấp thu mỡ (suy tụy, bệnh gan mạn…) hoặc sử dụng thuốc chống động kinh thì phải được theo dõi nồng độ vitamin D và bổ sung định kỳ. Liều bổ sung phải cao hơn bình thường 2-4 lần.

. Cứ cho trẻ uống nhiều sữa, ăn nhiều thực phẩm chứa calcium và ăn nhiều xương thì trẻ sẽ không bị còi xương?

+ Sai. Nếu cung cấp đủ calcium mà thiếu vitamin D thì dưỡng chất trên cũng không hấp thu được.

. Trẻ bú sữa ngoài có nguy cơ còi xương cao hơn trẻ bú sữa mẹ?

+ Đúng. Hàm lượng vitamin D ở sữa ngoài thấp hơn sữa mẹ. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ cũng không cao, chỉ khoảng 22 UI/lít trong khi mỗi người phải bổ sung 200-400 UI/ngày. Do đó, trẻ bú mẹ phải phơi nắng đều đặn, đặc biệt trong những tháng mùa đông phải uống thêm vitamin D.

. Nếu không điều trị, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng xấu?

+ Đúng. Còi xương không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ xương như làm gù, vẹo cột sống mà còn ảnh hưởng cả hệ thần kinh, cơ, làm giảm chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi. Nếu là bé gái, bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến việc sinh đẻ sau này do bị hẹp khung chậu.

YÊN THẢO


Video đang được xem nhiều