Nơm nớp lo âu
Không giống như nhiều chị em khác, mất bò mới lo làm chuồng, Yên Hà đã sớm nghĩ ra cách giữ chồng từ khi… chưa là vợ của anh. Phải buộc cho chặt, giữ cho khéo, vì thiên hạ lúc nào cũng có kẻ thấy chồng người thì thương, thấy quả ngon trong vườn cây nhà khác chỉ muốn hái trộm, thử ăn chơi.
Nghĩ vậy nên cô đã chăm lo chu tất cho gia đình ngay từ lúc nó mới thành hình. Gia đình là số một. Chồng là thứ nhất. Con cái là vật báu vô giá. Yên Hà không bao giờ xa rời ba nguyên tắc vàng mà cô đã đề ra.
Chồng ư? Cô chuốt cho thật đẹp. Cô tự đi mua vải, đưa anh đến những hiệu may nổi tiếng để cắt những bộ cánh thật lịch sự, phù hợp với vóc dáng của anh. Trước khi anh ra khỏi nhà, cô là chiếc gương để anh soi xem trang phục ấy có phù hợp với công việc của ngày hôm nay không, có đẹp không, cà vạt thắt như vậy đã ngay ngắn hay chưa. Ai đó bảo: “Để chồng trau chuốt thế kia thì có mà khác gì đem mỡ đến trước miệng mèo. Đứa nào nó chịu để yên”. Yên Hà vênh mặt: “Nó thấy chồng mình được chăm sóc tốt, tự mình biết không làm nổi như thế, nó cũng phải chờn chứ”.
Tình yêu của đàn ông đi qua dạ dày. Người chồng nào nghiện cơm vợ rồi sẽ không ăn nổi cơm của người khác nấu. Điều này thì Yên Hà tâm đắc nhất. Cô rất ít khi để chồng có cơ hội phải đi ăn cơm ở ngoài. Bữa sáng, cô tự tay chế biến lấy những món ăn ưa thích cho cả nhà. Mà đổi món luôn luôn. Hôm thì phở bò, hôm thì bún sườn. Hôm thì mì hải sản, cháo ngao… Nhìn chồng con ăn uống ngon lành mà hởi lòng hởi dạ. Ai có thể không hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh ấy cơ chứ.
Với gia đình chồng và họ hàng nhà chồng cũng vậy. Yên Hà chủ đọng trong mọi mối quan hệ. Cô biến mẹ chồng thành đồng minh, em chồng thành chuyên gia tư vấn, anh trai, chị dâu là những người trung lập, họ hàng chồng là những người bạn thân thiết để đề phòng nhưng lúc nóng lửa sôi dầu. Cô tin tưởng làm như vậy, khi có cơ sự gì xảy ra, họ không đến nỗi hùa vào với nhau để tấn công cô. Lúc đó cô mới đễ bề xoay xở, đối phó với một phía duy nhất mà thôi.
Bạn bè, đồng nghiệp của chồng thường lấy nhà cô làm nơi lui tới, thăm viếng, chơi bời, nhậu nhẹt. Ai chẳng thích khi bà chủ nhà niềm nở, hiếu khách lại biết nấu ăn. Cũng một vị khách ấy, mỗi lần đến chơi lại được thưởng thức những món ngon khác nhau. Có người bảo: “Tội gì nấu nướng cho mệt. Ăn xong họ lại bày ra cho mình dọn. Cứ để các ông ấy đi quán là xong”. Yên Hà lắc đầu: “Nấu ăn ở nhà vừa rẻ, vừa ngon lại vừa vui. Quan trọng nhất là chồng không có cơ hội để hư, không dám nghĩ đến tăng hai, tăng ba đâu nhé”. Thỉnh thoảng, Yên Hà lại chủ động gợi ý để chồng cùng mấy người bạn tổ chức cho cả gia đình đi chơi dã ngoại. Trong khi giao lưu, tâm sự với bạn bè chồng, cô tranh thủ “điều tra” những thông tin ngoài lề để nắm thêm binh tình. Cô yên trí, những tấm rào chắn cô hình cô dựng lên đủ để ngăn cách anh với những “ả mèo hoang”.
“Dìm hàng”
Cưới được anh chồng đẹp trai, con một nghiệp chủ lớn ở ngoại vi thành phố, Huyền Anh không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới việc các cô gái khác nhìn chồng mình mà thèm muốn chết. Nhìn tương quan lực lượng, chị càng lo ngại hơn. Chị vốn chẳng phải là con nhà danh gia vọng tộc, nhan sắc cũng chẳng mặn mà. Ưu thế duy nhất của chị là sở hữu một thân hình cân đối với vòng một đầy quyến rũ. Chưa đủ tự tin, chị phải tìm cách “đập cho bẹt cái dương dương tự đắc” của anh chồng đẹp trai.
Tính cách chị mạnh bạo, nói được, làm được. Chị lao ra ngoài bươn chải, kiếm sống nên đã nhanh chóng trở thành trụ cột kinh tế cho cả gia đình. Nhà chồng giàu ư? Chị không xin họ một xu, và nhất định không để chồng nhận một đồng từ tay bố mẹ chồng. Chị để chồng con có cuộc sống phong lưu không thiếu thứ gì. Cái gì nhà chồng có, chị cũng phải có bằng được. Cái gì nhà anh chưa có, chị mua sắm để được hơn, lại còn đem về biếu bố mẹ chồng để thể hiện với họ, để lấy “le” với chị em nhà chồng. Trong khi giao đãi, chị hào hiệp rộng rãi, quan tâm đến người lớn, trẻ nhỏ, chăm chút đến ông già bà lão. Không ai là không được quà từ tay chị biếu. Bởi vậy mỗi lần cùng chồng về quê, chị được tiếp rước như thượng khách. Cuộc “chạy đua vũ trang” lên đời xế hộ, điện thoại, nhà mới, quần áo, túi xách… với bạn bè chồng luôn khiến chị đau đầu. Chơi thế nào cho sang, cho đẳng cấp hơn hẳn chị mới tạm hài lòng. Thua kém họ một ly, chị mất ăn mất ngủ.
Chị ăn nói sắc sảo, trơn tru, đối đáp chồng như hát mà vẫn khiến anh cười. Chẳng phải anh không biết. Nhưng cứ như bị vợ át mất vía, anh sợ hãi khiếp nhược trước miệng lưỡi như dao cau của chị. Chẳng bao giờ anh dám hy vọng được chị khen, chứ đừng mơ là làm vợ hài lòng. Chị toàn nhằm vào điểm yếu là tính cách rụt rè, kém tự tin của anh để đá xoáy. Nếu thấy anh có vẻ tự hào về vẻ bề ngoài hay gia thế của mình, chị lập tức hờn dỗi, mỉa mai hay vờ tự ái làm cho anh bối rối. Chị sai khiến chồng còn hơn con ở. Anh mà cự nự, phản kháng, chị doạ không ăn cơm, dọa ngủ riêng, dọa đủ thứ… rồi khóc lóc bù lu bù loa đổ tội anh không thương vợ mệt nhọc, vất vả, muốn vợ tức mà già nhanh, chết sớm để anh lấy vợ hai… Vốn tính hiền lành, anh chỉ biết đứng ngây thộn mặt ra hoặc cuống quýt xin lỗi. Cô bạn thân phàn nàn: “Mày hay bắt nạt chồng quá. Nhìn thử xung quanh xem có ai lấy chồng được như anh ấy không mà tối ngày sinh sự”. Chị bảo: “Phải làm cho lão tê liệt vì khiếp sợ mới không dám nghĩ đến chuyện phá rào đi ăn vụng được chứ. Cứ để dương dương tự đắc thì có ngày chồng bỏ đi với gái”.
Nhưng tuyệt chiêu của Huyền Anh chỉ có tác dụng với những trường hợp thông thường. Khi cơ quan anh tuyển một số nhân viên trẻ, tình thế bị lật ngược tự lúc nào. Chẳng là anh được giao phụ trách giúp đỡ các nhân viên trẻ ấy. Có một cô gái vừa xinh lại vừa giòn. Cô thường chớp chớp hàng mi vừa cong lại vừa dày mỗi khi gặp anh. Giọng cô thì sao mà oanh vàng thỏ thẻ. Anh nói gì cô cũng uống từng lời. Lại còn hết lời ngợi khen anh vừa phong độ, vừa tài giỏi nữa chứ. Nhất là cái cách cô ấy hết sức tin tưởng ở từng lời chỉ bảo của anh. Đứng trước cô gái như vậy, anh thấy mình thật hiên ngang, vĩ đại, có đủ sức dời núi lấp biển chứ chẳng chơi. Dần dần, những câu chuyện giữa họ đã đi ra ngoài phạm vi công việc. Anh cảm động mà xiêu lòng, chỉ tơ tưởng đến nàng lúc nào chẳng hay. Khi Huyền Anh phát hiện ra cơ sự thì chồng mình đã “tuông rào” đi mất từ lâu. Anh tình nguyện bỏ lại cơ nghiệp đã gây dựng và hai con trai kháu khỉnh để cùng nàng đi xây dựng chân trời hạnh phúc mới.
Yên Hà cứ ngỡ mình bao bọc gia đình bằng những sợi dây mềm mại, kín đáo như vậy thì đã đủ. Nhưng cô không nhận ra người chồng chỉ hứng thú với sự chăm bẵm của cô trong một thời gian ngắn. Bản chất ưa phiêu lưu, khám phá những “vùng đất mới”, thích thử thách mạo hiểm… luôn khiến anh cảm nhận rõ những giới hạn mà vợ tạo ra quanh mình. Chiếc lồng chim dù sơn son thiếp vàng cũng không hấp dẫn bằng bầu trời tự do. Nhưng anh cũng chẳng dại đánh đổi chiếc lồng chim đẹp đẽ ấy. Anh tìm cách tự “cải thiện” cuộc sống của mình bằng những thú vui vụng trộm.
Sau mỗi lần đi “ăn vụng”, anh vẫn để dành bụng về ăn cơm nhà khiến chị chẳng mảy may nghi ngờ. Anh vui vẻ nhận mọi sự chăm sóc của vợ và đem những thứ đó để cùng thưởng thức với cô bồ nhỏ. Cô bồ nghiễm nhiên không phải mất công vun trồng chăm sóc, chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng. Trong khi vợ bận rộn tối ngày để lo chăm chút cho gia đình, chồng con, thì cô bồ nhỏ điền vào chỗ trống như cùng anh đi chơi, đi hưởng thụ những thú vui như hát karaoke, xem phim, nghe nhạc, đi ăn nhà hàng… hộ chị. Chị lo gìn giữ sức khỏe cho chồng nên vừa “ăn” vừa phải tính “gạo” để dành bữa sau thì cô bồ mặc sức tàn phá. Cô vắt kiệt sức anh sau mỗi chuyến đi, khiến anh lê tấm thân mệt mỏi về nhà để cho vợ vỗ về hồi sức. Mọi việc chỉ vỡ lở khi cô bồ gọi điện đòi chị bàn giao toàn quyền sử dụng chồng cho cô ta. Dù anh chồng thề sống thề chết chỉ muốn “cơi nới” chứ không định “đập cũ xây mới”, Yên Hà vẫn cảm thấy lâu đài hạnh phúc của mình đã lung lay tận móng.
Theo Báo Phụ Nữ Thủ Đô