Vài điều cần biết khi mua đĩa cứng máy tính

Khi mua máy tính, ngoài việc chọn bộ xử lý (CPU), bảng mạch (motherboard), bộ nhớ (RAM), v.v... chúng ta còn phải quan tâm ổ đĩa cứng, một thiết bị không kém phần quan trọng, góp phần rất lớn vào tốc độ và ổn định toàn hệ thống.

15.5948



Sau đây là vài vấn đề cần lưu ý:

- Cổng giao tiếp: Hiện nay, chọn giao tiếp loại SATA (Serial Advanced Technology Attachment) hoặc SATA 2 là cần thiết. Bus của SATA được thiết kế theo kiến trúc “tuần tự” (serial), ngược với bus song song (parallel). Nhờ vậy, SATA có tốc độ truyền dữ liệu 150MB/giây, cao hơn nhiều so với chuẩn ATA (Advanced Technology Attachment). Chuẩn SATA2 có tốc độ truyền dữ liệu lên đến 300MB/giây. Cả hai chuẩn SATA và SATA2 đều có thể gỡ/cắm nóng (khi máy đang hoạt động).

- Vùng nhớ đệm (cache): Là vùng lưu trữ tạm thời trong quá trình làm việc của đĩa cứng. Việc đọc/ghi không xảy ra tức thời trên đĩa cứng (do sự di chuyển của đầu đọc/ghi, tần suất truyền dữ liệu giữa CPU và đĩa cứng). Do đó, dữ liệu tới hoặc đi sẽ được đặt tạm thời trong vùng nhớ đệm. Khi mua, ta xem ổ cứng nào có dung lượng vùng nhớ đệm lớn thì hiệu suất làm việc của đĩa đó sẽ cao hơn.

- Tốc độ quay: Hiện nay, đa số các đĩa cứng dùng cho máy để bàn có tốc độ quay 7.200 vòng/phút. Một số ít có tốc độ 5.400 vòng/phút hoặc 4.200 vòng/phút là hàng tồn kho hoặc sản xuất chỉ để dùng cho máy Notebook (một loại máy tính xách tay nhỏ, gọn).

- Công nghệ: Nếu muốn tối ưu hóa thời gian truy xuất ngẫu nhiên thì chọn ổ cứng có công nghệ NCQ (Native Command Queuing). Công nghệ NCQ chứa 32 dòng lệnh so với 1 dòng lệnh đối với ổ cứng bình thường, giúp truy cập dữ liệu nhanh hơn. Nếu cần sự êm ái, giảm tiếng ồn thì chọn công nghệ NoiseGuard hoặc SilentSeek. Đối với máy tính được đặt trên tàu, xe thì nên chọn công nghệ ImpacGuard, đây là công nghệ có tác dụng giảm sốc và chịu rung.

- Dung lượng đĩa: Đĩa cứng được sản xuất có dung lượng ngày càng lớn, nhưng giá cả ngày càng rẻ. Tuy vậy, khi mua ta cần tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không nên mua đĩa có dung lượng quá lớn đến mức không cần thiết. Vì nếu hệ thống trục trặc, hệ điều hành sẽ tốn nhiều thời gian kiểm tra đĩa cứng khi khởi động lại.

Sau đây là bảng kê dung lượng thật của đĩa cứng so với dung lượng ghi trên nhãn đĩa của nhà sản xuất.

Dung lượng ghi trên nhãn đĩa Dung lượng thực tế (ghi được)
40 GB 37.24 GB
80 GB 74.48 GB
120 GB 111.72 GB
160 GB 148.96 GB
180 GB 167.58 GB
200 GB 186.2 GB
250 GB 232.75 GB
320 GB 297.92 GB
400 GB 372.4 GB
500 GB 465.5 GB
640 GB 595.84 GB

Xem bảng, ta biết dung lượng thực tế của ổ đĩa để mua cho đúng với nhu cầu sử dụng.

Những vấn đề trên đây chỉ mang tính tham khảo và gợi ý. Khi mua, tùy vào thực tế và mục đích sử dụng mà bạn chọn lựa phù hợp. Chúc bạn tìm được một đĩa cứng có hiệu suất như mong muốn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]