5 Bài học từ những vụ phá sản lớn nhất thế giới

Năm vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất của nước Mỹ đều xảy ra trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

0

Điều này chẳng có gì là ngạc nhiên bởi trong giai đoạn này, nền kinh tế Mỹ đã bị giáng những đòn đau từ những cuộc suy thoái cũng như sự đi xuống của thị trường nói chung. Ngành công nghệ bị thiệt hại nặng nề nhất trong những năm 2000-2002 – chỉ số Nasdaq Composite bị rớt thê thảm đến 78% trong cùng kỳ – và rồi xảy ra hàng loạt vụ bê bối liên quan đến gian lận kế toán dẫn tới sự sụp đổ của nhiều công ty, trong đó phải kể đến WorldCom và Enron. Suy thoái toàn cầu năm 2007-2009 ảnh hưởng đến toàn thế giới với sức công phá chưa từng thấy. Nó đã xóa sổ 37 nghìn tỉ đô la Mỹ, tức 60% giá trị vốn hóa thị trường cả thế giới chỉ trong vòng 17 tháng, gây lo ngại về một cuộc đại suy thoái toàn cầu. Những công ty có tên tuổi bị đẩy vào con đường phá sản trong giai đoạn đen tối này bao gồm cả Lehman Brothers và General Motors. Hiển nhiên, báo cáo tài chính doanh nghiệp (như là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ) và báo cáo tài chính cá nhân có sự khác biệt về mặt quy mô và độ phức tạp. Tuy nhiên, từ những thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, mỗi cá nhân chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá thể áp dụng vào vấn đề tài chính của riêng mình.

Bài Học 1 – Lạm Dụng Đòn Bẩy Thường Là Chiến Lược Mang Nhiều Rủi Ro

Đòn bẩy tài chính là biện pháp sử dụng tiền đi vay để đầu tư vào tài sản. Tuy nhiên, phương pháp này là một con dao hai lưỡi, bởi ngoài khả năng khuếch đại lợi nhuận khi giá cả trên thị trường tăng lên, nó cũng tiềm ẩn những khoản lỗ khổng lồ khi giá cả sụt giảm trên thị trường.

Lạm dụng đòn bẩy là một trong những yếu tố tạo nên hiện tượng bong bóng nhà đất tại Mỹ năm 2001-2006 cũng như sự đổ vỡ sau đó của nó vào năm 2007. Bong bóng nhà đất được thổi bùng bởi sự gia tăng mạnh mẽ của các khoản vay dưới chuẩn. Nguyên nhân của sự tăng vọt này là do lãi suất khởi điểm thấp và khoản đặt cọc tối thiểu đã làm mờ mắt những người đi vay có điểm tín dụng thấp, khiễn họ đổ xô vào thị trường nhà đất. Ngoài ra, hành vị lạm dụng đòn bảy của các ngân hàng cũng rất dễ nhận thấy, bởi năm ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Mỹ đã tăng đáng kể tỷ lệ đòn bảy giữa những năm 2003 và 2007 và dùng số tiền đi vay khổng lồ đó để đầu tư vào chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp (mortgage-backed securities).

Lehman là trường hợp điển hình cho những nguy cơ của việc lạm dụng đòn bẩy. Việc Lehman tham gia vào thị trường thế chấp dưới chuẩn ban đầu đem lại lợi nhuận theo như công ty này báo cáo hàng năm từ 2005 đến 2007 là lợi nhuận kếch xù. Nhưng cho đến năm 2007, tỷ lệ đòn bảy tăng cao tới mức đáng báo động và cùng lúc đó, Lehman đang là tập đoàn bảo lãnh phát hành chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp hàng đầu tại phố Wall với tổng danh mục vốn đầu tư lên tới 85 tỷ đô la Mỹ. Năm 2007, tỷ số tổng tài sản trên vốn cổ phần của cổ đông lên tới  31 vào, nghĩa là mỗi đô la tài sản trên bảng cân đối kế toán chỉ được bảo đảm bởi ba cent vốn cổ phần.

Những nhóm đầu cơ bất động sản ở Mỹ cũng đã lạm dụng đòn bảy trong thời kì bong bóng nhà đất bằng việc rút vốn từ thị trường nhà ở dân cư để đầu cơ vào những bất động sản đang hot. Cũng như Lehman, thành công ban đầu khiến họ bất chấp rủi ro, nhưng rốt cuộc, họ không còn cách nào khác ngoài việc bán tháo bởi thị trường nhà đất chỉ trong nháy mắt đã xóa sổ lớp đệm vốn tối thiểu của họ.

Không ai trong số những bên liên quan, người đi vay dưới chuẩn, nhà đầu cơ bất động sản hay ngân hàng đầu tư, lường trước được điều gì sẽ xảy đến. Toàn bộ chiến lược đầu cơ của họ có thể đã được tính toán trước để có thể thoái vốn đầu tư khi diễn biến vẫn tốt đẹp hay nói cách khác, rút vốn khi chưa có biến động gì xảy ra. Nhưng sự điều chỉnh của thị trường xảy ra nhanh và sâu sắc hơn so với dự đoán của nhà đầu cơ đồng thời tỷ lệ đòn bảy quá cao thường sẽ làm mất sự linh hoạt của những người đi vay vào.

Bài học ở đây là một tỷ lệ đòn bẩy hợp lý thì không đáng lo ngại nhưng lạm dụng đòn bẩy nhìn chung mang nhiều rủi ro cho hầu hết các nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, hãy dành ra một khoản vốn đủ lớn để làm bảo đảm khi mua một tài sản hoặc khi đầu tư dù cho đó là nhà ở, bất động sản cho thuê hay danh mục cổ phiếu.

Bài Học 2 – Duy Trì Tốt Tính Thanh Khoản

Washington Mutual đã bị buộc phải phá sản khi mà các khách hàng của ngân hàng này đồng loạt rút tiền (chiếm tới 9% lượng tiền gửi) trong khoảng 10 ngày vào tháng 9 năm 2008. Sau sự phá sản của Lehman Brothers và gần sụp đổ của AIG, Fannie Mae và Freddie Mac, thị trường tín dụng gần như đóng băng vào thời điểm đó. Khối lượng và tốc độ của dòng tiền gửi rút ra từ Washington Mutual đã khiến ngân hàng này không kịp trở tay trong việc tìm kiếm nguồn vốn mới, cải thiện tính thanh khoản cũng như tìm đối tác góp vốn cổ phần.

Bài học rút ra là tiền mặt thường bị coi là sự cản trở trong thị trường giá lên (bull market) nhưng nó lại là “vua” trong những thời điểm khó khăn của thị trường. Vì vậy, bạn nên duy trì tính thanh khoản ở mức tốt tại mọi thời điểm để có thể ứng phó với mọi trường hợp bất trắc, ví dụ như, đột ngột mất việc hay phải đi cấp cứu.

Theo một khảo sát thực hiện bởi American Payroll Association trong tháng 9 năm 2009, 71% người dân Mỹ sống qua ngày và đốt sạch tiền lương của họ. Có hơn 28.000 trên tổng số 40.000 người trả lời khảo sát nói rằng họ sẽ gặp khó khăn hoặc chật vật để trả tiền hóa đơn nếu nhận lương chậm một tuần. Một khảo sát tương tự trên 3.000 người dân Canada chỉ ra rằng 59% sẽ phải vất vả xoay sở qua ngày nếu bị chậm lương một tuần.

Thực tế này cho thấy, hầu hết các hộ gia đình không thể tiết kiệm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống trong ba tháng như những gì cố vấn tài chính thường khuyên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có những cách làm khác để làm tăng tính thanh khoản. Bạn có thể mở hạn mức tín dụng dự phòng tại các tổ chức tài chính địa phương hay lên kế hoạch bán tài sản nếu cần.

Bài Học 3 – Gian Lận Sẽ Chẳng Mang Lại Lợi Lộc Gì!

Với sự kiện nguyên CEO của WorldCom, Bernard Ebbers, phải ngồi tù 25 năm vì hành vi gian lận báo cáo tài chính và kế toán, chúng ta học được rằng gian lận là không mang lại lội lộc gì.

Chắc chắn WorldCom không phải là công ty duy nhất dính dáng đến hành vi gian lận kế toán – những kẻ tòng phạm khác đã bị bắt vào năm 2002 gồm có Tyco, Enron và Adelphia Communications. Ngoài ra, xuất hiện rất nhiều hình thức gian lận trong kinh doanh khác những năm gần đây, từ âm mưu Ponzi của Bernie Madoff và Allen Stanford đến những vụ giao dịch nội gián và bê bối về hành vi ghi lùi ngày quyền chọn. Phần lớn những giám đốc điều hành dính líu đến những tội danh này đều có chung kết cục ngồi tù và/hoặc phải chịu phạt những khoản tiền lớn. Ví dụ, một số giám đốc điều hành cấp cao đã bị đuổi việc vì hành vi gian lận bằng cấp trong sơ yếu lý lịch của họ.

Ở phạm vi cá nhân, hành vi gian lận có thể là từ những hành vi tưởng như nhỏ nhặt như làm giả sơ yếu lý lịch hay biển thủ công quỹ đến những vi phạm nghiêm trọng hơn như trốn thuế. Trên thực tế, nếu một cá nhân bị quy tội gian lận thì sự tổn hại đến thanh danh, sự nghiệp cũng như cơ hội nghề nghiệp còn ghê gớm hơn nhiều so với số tiền thu được từ những hành vi sai trái đó.

Bài Học 4 – Nâng Cao Sản Phẩm/Dịch Vụ/Kỹ Năng Để Duy Trì Tính Cạnh Tranh (Trước Khi Tình Hình Tài Chính Của Bạn Suy Giảm).

General Motors (GM) là hãng sản xuất ô tô lớn hàng đầu thế giới trong vòng 77 năm. Năm 1979, GM là công ty thuộc khối tư nhân có lượng lao động lớn nhất nước Mỹ với hơn 618.000 nhân viên. Nhưng điều này đã quay lại làm hại GM khi lượng nhân công quá đông và năng lực quản lý yếu kém đã khiến công ty này nhanh chóng mất thị phần vào tay các hãng sản xuất ô tô “hung hãn” của Nhật Bản như Toyota và Honda kể từ những năm 80. Vì vậy, thị phần của GM tại Mỹ sụt giảm từ 46% vào năm 1980 xuống còn 20,3% vào quý I năm 2009. Sự xói mòn thị phần đáng kể này cùng với chi phí quản lý khổng lồ đã làm lung lay tình hình tài chính của GM với tốc độ nhanh chóng trong thời kì suy thoái, với tổng lỗ lên tới gần 70 tỷ đô la Mỹ trong năm 2007 và 2008.

Bài học rút ra từ câu chuyện của GM là mỗi công ty cần nâng cấp sản phẩm cũng như dịch vụ của mình để tăng khả năng cạnh tranh trước khi tình hình tài chính xấu đi. GM đã thống trị thị trường trong nhiều thập kỷ nhưng rồi để bị lấn áp do phớt lờ nhu cầu từ người tiêu dùng. Chính vì vậy, những chiếc xe ngốn xăng của công ty này dần dần mất thị phần vào tay những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu như Accords và Camrys.

Tương tự như vậy, mỗi cá nhân cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường lao động. Điều này càng mang tính cấp thiết trong thời kỳ tỉ lệ thất nghiệp lên cao và tình hình tài chính của gia đình thì chịu nhiều áp lực, ví dụ như thời kỳ nửa sau năm 2009 khi tỉ lệ thất nghiệp đạt mức 10% tại Hoa Kỳ.

Bài Học 5 – Đừng Đầu Tư Nếu Không Hiểu Rõ

Một trong những châm ngôn của Warren Buffet là “Đừng bao giờ đầu tư vào một hoạt động kinh doanh mà bạn không hiểu biết về nó”. Đây là bài học quý giá cho nhà đầu tư được minh hoạ rõ ràng qua vụ phá sản của Enron.

Enron đã thành công trong việc lừa được những “cao thủ” như quỹ hưu trí và những nhà đầu tư tổ chức khác trong nhiều năm trước khi bị công chúng lật tẩy sự thiếu minh bạch và mơ hồ trong chính sách nhằm che đậy những mánh khóe kế toán.

Enron được thành lập năm 1985 thông qua sự hợp nhất của hai công ty sản xuất ống dẫn khí gas. Tuy nhiên, đến năm 2001, Enron đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn sở hữu và vận hành các ống dẫn khí gas, nhà máy điện, nhà máy nước và các tài sản có băng thông rộng, cũng như được giao dịch trên thị trường tài chính cho các sản phẩm tương tự. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh và báo cáo tài chính của Enron rất khó hiểu bởi sự phức tạp của các cấu trúc tài chính tạo bởi hàng trăm chủ thể chuyên biệt và các công cụ ngoại bảng khác nhau.

Bài học rút ra ở đây là một công ty không hoàn toàn minh bạch hoặc sử dụng cách thức hạch toán kế toán mới lạ có thể là đang che giấu cho hành vi và tình hình tài chính thực sự của mình. Vì vậy tại sao phải đầu tư vào một doanh nghiệp có nhiều nghi vấn khi mà tồn tại rất nhiều phương thức đầu tư khác trên thị trường.

Kết Luận

Một loạt các yếu tố đặc thù trong mỗi vụ việc rốt cuộc đã dẫn tới sự phá sản của những công ty lớn nhất ở Mỹ. Những vụ phá sản này có thể mang lại bài học quý giá cho mỗi cá nhân và nhà đầu tư, bất kể sự khác biệt ở quy mô và độ phức tạp giữa tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân. Từ góc độ hoạch định tài chính và đầu tư cá nhân, những bài học này có thể áp dụng cho hầu hết mọi người, từ những nhà đầu tư non trẻ cho đến những chuyên gia dạn dày.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]