Tin bài Hay
Mẹo vặt

5 nguy cơ rình rập sau món bánh tráng trộn lề đường

01/01/2000 - 00:00

5 nguy cơ rình rập sau món bánh tráng trộn lề đường
5 nguy cơ rình rập sau món bánh tráng trộn lề đường

(VietQ.vn) - Bánh tráng trộn đang là món ăn vặt được ưa thích của nhiều người dân TP. HCM cũng như ở Hà Nội, đặc biệt thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, bên cạnh cảm giác ngon miệng, kích thích cơn thèm ăn, món ăn vặt này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khoẻ.

Bánh tráng trộnmón ăn vặt hỗn hợp gồm nhiều nguyên liệu như: bánh tráng cắt sợi, khô bò, khô mực, trứng cút luộc, đậu phộng, sốt me, sa tế, rau răm… Những nguyên liệu đó được sơ chế, cắt nhỏ và trộn lại tạo thành một món ăn nhiều màu sắc và hương vị, rất khoái khẩu để lai rai. Tuy nhiên không ai bận tâm tìm hiểu những nguyên liệu đó có nguồn gốc và được chế biến như thế nào. Đằng sau đó là rất nhiều ẩn họa với sức khỏe.

Bánh tráng ẩm mốc

Theo tin tức trên báo Một Thế Giới, thời gian vừa qua, rộ lên tin đồn bánh tráng làm từ nilon, đốt cháy dễ dàng và khét lẹt. Thông tin này chưa được thẩm định, tuy nhiên hầu hết bánh tráng ở các quầy bánh tráng trộn đều không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng. Các chủ quầy cứ vô tư bán cho đến khi hết rồi nhập mới. Người mua có mua phải bánh tráng ẩm mốc, hết hạn sử dụng hay không thì có trời và chủ quầy… mới biết được.

Khô mực, khô bò giả

Trên thị trường tràn lan các loại khô mực, khô bò giả. Khi kiểm tra, bằng mắt thường rất khó phân biệt được sự khác biệt giữa khô mực giả và mực thật khi đã xé nhỏ. Tuy nhiên, khi đốt thì số mực giả có mùi sắn cháy. Theo nhận định của các cơ quan chức năng,  khô bò khô mực giả ngoài việc được làm từ sắn còn trộn lẫn các hóa chất khác nên mới tạo được độ dai, màu và mùi vị như mực khô thật.

Các món ăn vặt như bánh tráng khó kiểm tra được nguồn gốc của thành phần liên quan

Vì giá bán rẻ, chỉ vài ngàn đồng nên rất có khả năng người bán đã mua nguyên liệu như muối tôm, bò khô, xoài xanh, trứng cút, gan bò… từ nguồn trôi nổi, không nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

Các loại sốt me, sa tế trộn từ dầu thải

Nước sốt tạo độ ngậy béo, hương thơm hấp dẫn cho món bánh tráng trộn. Nhưng công thức của hầu hết các quầy bánh tráng vỉa hè như sau:Ớt xay trộn cùng dầu ăn không rõ nguồn gốc, bỏ vô hũ, dùng đến khi nào hết thì lặp lại công thức cũ.

Túi đựng là nhựa tái chế độc hại

Theo ThS.BS Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng, đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), với những bịch bánh tráng trộn bán rong, hầu hết không an toàn cho sức khoẻ người dùng. Yếu tố phải kể đến nữa là các loại túi nilon đựng bánh. Nguồn gốc các loại nilon này luôn không rõ ràng và đa số sản xuất từ nhựa tái chế, thậm chí có sản phẩm còn mùi nhựa. Điều này không tốt cho sức khoẻ người sử dụng, theo Dân Trí.

Các chất độc hại trong túi nilon đựng món ăn vặt

Túi nilon được làm từ nhựa PVC (pholy vinyl clorua) không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm cho túi nilon mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng để chế tạo bao ni lông là chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu... là những chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. 

Chế biến mất vệ sinh

Điểm qua một số nguyên liệu cho món bánh tráng đã thấy nhiều hiểm họa với sức khỏe. Đó là chưa kể đến cách thức chế biến mất vệ sinh: dùng tay trộn bánh tráng; rau răm, trứng cút, xoài xanh rửa sơ sài và để nơi nhiều khói bụi (vì hầu hết các quầy bánh tráng đều để ven đường) bánh tráng trộn sẵn đựng trong những túi nilon tái chế nguy hại cho sức khỏe.

Loan Nguyễn (T/h)


Home

    Trang chủTin mớiThị trườngVideo