Ăn cá chép có tác dụng gì, tốt không?
Cá chép là món ăn rất dễ kiếm và rẻ. Tuy nhiên, theo các nhà đông y thì cá chép là một bài thuốc rất hữu ích và mang nhiều tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Ăn cá chép mang lại nhiều tác dụng. Tuy nhiên, một tác dụng mà hiện nay nhiều người đều công nhận, đó là phụ nữ mang thai ăn cá chép sẽ rất tốt cho thai nhi và có tác dụng an thai.
Đó cũng là lý do vì sao các bà bầu khi mang thai thường ăn cá chép.
Tác dụng làm an thai: Phụ nữ mang thai dễ xuất hiện các triệu chứng khí huyết yếu kém, tâm tính không yên. Trong bài thuốc "Thánh Huệ", Thánh Huệ phương có ghi: Lấy một con cá chép nặng khoảng nửa cân, để cả vẩy, mổ bỏ tạp ruột, trộn thêm nửa lạng gạo nếp, rửa sạch, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống. Ðổ tất cả vào nồi ninh chín, cho thêm ít muối, ăn 5-7 lần sẽ có hiệu quả rất nhanh.
Chữa nôn mửa: Phụ nữ thời kỳ đầu mang thai thường xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt... Y học cổ truyền gọi là "Nhiên thần ác trở" (Triệu chứng xấu khi mang thai). Nguyên nhân do tỳ vị suy yếu, mạch đập mạnh... gây nên. Lấy một con cá chép nặng khoảng 250g đánh vẩy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, cho thêm 6g sa sâm đập nhỏ, 10g gừng tươi thái mỏng. Bỏ cả hai thứ vào trong bụng cá hầm chín, ăn trong ngày, có công hiệu kiện tỳ hòa vị, giảm thổn thức, tiêu trừ nôn mửa.
Chữa bệnh phù thũng: Sau khi mang thai 5-6 tháng, phụ nữ thường hay có chứng sưng mặt, chân tay phù thũng, tiểu tiện ít. Có thể dùng một con cá chép nặng 500g, 120g đậu đỏ (loại hạt nhỏ), cho thêm ít gừng, hành, bỏ vào nấu chín, ăn nhạt (chú ý không nêm mặn). Ðây là bài thuốc rất công hiệu.
Giúp làm tăng lượng sữa: Sau khi sinh, phụ nữ có người không có sữa hoặc ít sữa, có thể dùng một con cá chép nặng khoảng 2 lạng rưỡi (1/4kg), một chân giò lợn (loại bé), 3g thông thảo. Hầm thật nhừ, ăn dần 1-2 ngày sẽ có nhiều sữa và sữa rất mát tốt cho trẻ.
Chữa bệnh ứ huyết: Phụ nữ sau khi sinh có thể bị chứng khí huyết ứ trễ, đau bụng dưới, máu xấu không kịp bài tiết ra ngoài... Nghiền, tán nhỏ vẩy cá chép, cho vào từ 3-5g nước đun sôi. Uống với ít rượu nếp có công hiệu làm tan huyết, thông huyết, chữa trị được chứng ứ huyết.
Làm tăng công năng dạ dày: Dạ dày của phụ nữ sau khi sinh có thể thay đổi cường độ co bóp. Dùng một con cá chép nặng nửa cân, làm sạch vẩy và ruột, cho vào nồi nấu canh. Khi cá chín nhừ cho thêm ít gia vị, hồ tiêu, muối. Ăn cả nước và cái, có tác dụng bổ tỳ vị, trị bệnh hư hàn.
Các món ngon làm từ cá chép dành cho bà bầu bổ sung dinh dưỡng
Cháo cá chép – Món ăn số 1 dành cho bà bầu
Là món ăn phổ biến nhất với mẹ bầu. Kinh nghiệm dân gian cho rằng cá chép phải nấu nguyên con, thậm chí phải để nguyên cả mật thì mới tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên làm cá sạch sẽ trước khi chế biến nhé. Việc làm này sẽ không hề làm mất dưỡng chất trong thịt của cá chép.
Chuẩn bị: (Cho 3 – 4 phần ăn)
– 1 con cá chép còn sống khoảng 0,5kg
– Gạo tẻ 1/3 bát ăn cơm.
– 1 nắm gạo nếp
– Gia vị
– 2 củ hành khô
– Lá ngải cứu
– Rau mùi ta, thì là
Chế biến:
– Cá chép bỏ ruột, đánh vẩy và rửa sạch đặc biệt khu vực mang cá.
– Luộc cá đến khi nước sôi, hớt bọt cho trong nước, hạ lửa cho liu riu khoảng 40’ cho cá chín đều thì vớt ra, gỡ lấy thịt cá.
– Nước luộc cá để lắng, gạn lấy nước trong, đun sôi cho ít gia vị rồi cho gạo nếp, gạo tẻ vào nấu thành cháo. Chú ý nước sôi cho gạo vào đợi nước sôi lại thì hạ lửa nhỏ. Hầm gạo khoảng 1 giờ là chín.
Sau khi sơ chế, để có món cháo cá chép ngon, phù hợp với khẩu vị của mỗi người, có 2 cách như sau:
Cách 1: Đối với những người ăn được đồ tanh (tức là không nghén): Cháo chín thả phần thịt cá đã gỡ sạch xương răm vào nồi cháo, đảo đều, nêm nếm gia vị rồi thả rau ngải vào cho lá ngải chín thì có thể ăn được.
Cách 2: Đối với các bà mẹ đang nghén (nghén thì hay sợ mùi tanh): 2 củ hành khô bằm nhỏ, cho dầu ăn vào chảo đợi cho sôi phi thơm hành lên xào thịt cá cho săn, trong lúc xào nhớ nêm ít gia vị. Sau đó trút vào nồi cháo đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Rau mùi và thì là thái nhỏ, khi nào ăn rắc vào cháo cá.
Vân Thanh (t/h)
Theo GĐVN