Bà bầu ăn sữa chua có tốt không?
Theo Tạp chí điện tử Ngày nay, sữa chua rất tốt cho mọi người, đặc biệt là đối với bà bầu. Dưới đây là một số tác dụng của sữa chua với bà bầu.
- Giảm cảm giác thèm ăn
Trong thời gian mang thai, nhiều mẹ bầu thường phải đối mặt với chứng thèm ăn những thực phẩm không lành mạnh như dưa chua, đồ chiên rán, đồ cay… Lúc này mẹ có thể chọn sữa chua thay thế để vừa có cảm giác ngon miệng vừa cung cấp được những dưỡng chất có lợi vào cơ thể.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Các loại vi khuẩn có lợi trong sữa chua cũng giúp chống lại các vi khuẩn có hại gây bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, sữa chua còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
- Bà bầu ăn sữa chua giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu
Căng thẳng và lo lắng là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ. Tác dụng tuyệt vời của sữa chua là sẽ giúp cảm xúc trong não bĩnh tĩnh lại, giảm bớt chứng lo lắng, phiền muộn.
- Kiểm soát trọng lượng
Trong 9 tháng mang thai, tăng cân là điều đương nhiên nhưng cuộc sống vật chất đầy đủ thường khiến các mẹ tăng cân quá nhiều, gây ra những biến chứng không mong đợi như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp. Khi mẹ ăn sữa chua đều đặn sẽ giúp ức chế hormone cortisol gây tăng cân mất kiểm soát, để chị em không bị tăng cân vượt chuẩn.
Kiểm soát được cân nặng nhờ bà bầu ăn sữa chua
- Ngăn ngừa cao huyết áp
Một trong những lợi ích tuyệt vời của sữa chua với mẹ bầu nữa là ngăn ngừa chứng cao huyết áp thai kỳ. Trong thời gian mang thai, nguy cơ mắc cao huyết áp sẽ tăng cao và mẹ bầu chớ quên bổ sung sữa chua hàng ngày. Thực phẩm này cũng rất tốt cho hệ tim mạch, giảm mức độ cholesterol trong cơ thể.
- Cải thiện hệ tiêu hóa
Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Không những thế, có một số vi khuẩn sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột. Ăn sữa chua đều đặn mỗi ngày giúp phòng ngừa bệnh táo bón, trĩ hiệu quả.
Theo một số nghiên cứu gần đây, khoảng 11 – 35% số phụ nữ mang thai bị táo bón trong 3 tháng cuối, tuy nhiên chỉ có khoảng 1,5% số trường hợp phải dùng thuốc nhuận tràng. Nguyên nhân là do những thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai, ngoài ra còn do việc uống viên sắt để bù sắt, chế độ ăn ít chất xơ, giảm hoạt động thể lực, sự chèn ép của thai nhi và yếu tố tâm lý, Báo điện tử VTC News cho hay.
Sữa chua là loại thức ăn có tác dụng chống và chữa táo bón khá hiệu quả. Tuy nhiên, cũng do tác dụng nhuận tràng của sữa chua mà phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều, bên cạnh đó cũng cần lựa chọn kỹ càng nguồn gốc sản phẩm, tránh để ăn phải những loại sữa quá hạn sử dụng, sữa được chế biến một cách thủ công.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý uống nhiều nước, ăn tăng chất xơ và có một chế độ vận động phù hợp. Các chất xơ từ ngũ cốc, cam, chanh, và cây họ đậu có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và hiệu quả khá tốt trong điều trị táo bón.
Với những biện pháp không dùng thuốc này, biểu hiện táo bón thường bắt đầu giảm dần sau 3 – 5 ngày và hết hẳn sau 2 – 3 tuần.
Thùy Linh