|
Trường hợp cần phải dùng thuốc thì nhất định người bệnh phải đi khám bác sĩ để được kê đơn. Ảnh: P. G. |
Phụ nữ mang thai rất dễ bị lây bệnh
Theo BS CKII Nguyễn Quốc Việt – Trưởng Khoa Mắt (BV Trung ương Huế), đây là năm có số người bị đau mắt đỏ lớn nhất từ trước tới nay. Mỗi tuần có khoảng 400-500 bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ, trong đó có không ít thai phụ, phòng khám tại Khoa liên tục quá tải.
Bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ đang bước vào dịch nên số người mắc rất cao. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phụ nữ mang thai cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch nên rất dễ bị lây bệnh. “Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp”, BS Cương cho biết. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là bà bầu “dính” đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, trong những trường hợp cụ thể như: Đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc, tắc mạch máu võng mạc... thì nên tránh hoặc hạn chế tối đa dùng thuốc đối với bệnh nhân đang có thai trong 3 tháng đầu. Trường hợp cần phải dùng thuốc thì nhất định phải đi khám bác sĩ để được kê đơn. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân, khi cái lợi nhiều hơn cái hại, bác sĩ sẽ kê đơn.
Các bài thuốc dân gian có thực sự “lành”?
Một số gia đình có sai lầm tai hại là “kiêng” dùng thuốc Tây vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên tìm đến các bài thuốc dân gian trị đau mắt đỏ, tiêu biểu là xông hay đắp lá trầu không, lá bỏng với “niềm tin” lành cho cả mẹ lẫn con.
Theo bác sĩ Việt, xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng để chữa bệnh đau mắt đỏ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc. Khi xông hoặc đắp xong, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm mắt nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì các loại lá này chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. Tại BV Mắt Trung ương đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Với phụ nữ mang thai, các bác sĩ nhãn khoa có thể kê hai loại thuốc đó là: Hylene và Toeyecin là thuốc được chỉ định có thể sử dụng cho bà bầu. Liều lượng sử dụng cũng như số ngày điều trị cũng cần được bác sĩ kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Với bà bầu, các bác sĩ khuyến cáo không nên đến nơi có người đang đau mắt đỏ, vì bệnh này rất dễ lây.
Mặc dù nước muối sinh lý không có tác dụng điều trị đau mắt đỏ nhưng bà bầu có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Với người chưa mang bệnh thì sử dụng nước muối sinh lý có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa đau mắt đỏ. Bà bầu cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không dụi tay lên mắt để ngăn chặn bệnh nặng lên và giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.
Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các điều sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. |