Bà mẹ của những người con thành đạt

Dân trí Chồng mất sớm, một năm sau thì mẹ đẻ cũng qua đời, bản thân mang bệnh ung thư phổi, mổ xong cơ thể bà chỉ còn 37kg. Kinh tế gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ… Tuy vậy, bà Vũ Thị Thu Nga vẫn một nách nuôi 4 con tốt nghiệp Đại học.

15.5995
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, đến nay nhìn lại những gian khổ đã lùi vào dĩ vãng, đôi mắt đăm chiêu của bà như nhìn vào vô định khi nhắc tới chuỗi ngày khốn cùng mà mẹ con bà phải trải qua. Nhưng sự thành đạt của những người con đã trở thành món quà vô giá, mang lại niềm vui sống cho bà lúc về già. 

Bà Nga là một trong 6 gương mặt tiêu biểu đại diện cho 372 gia đình tham gia trong buổi giao lưu tại Đại hội gia đình hiếu học TPHCM năm 2009

Người phụ can đảm 

Sinh ra giữa thời đất nước chiến tranh loạn lạc, mới 15 tuổi bà Vũ Thị Thu Nga đã tự khai mình lên 17 tuổi và xin phép gia đình đi Thanh niên xung phong. Vừa hòa mình vào trong phong trào lao động tập thể bà vừa dành thời gian để học hết phổ thông. Bằng sự nổ lực học tập không ngừng của bản thân, năm 1962 bà được Nông trường Lam Sơn – Thanh Hóa cử đi học lớp điện đài tại Hà Nội. 

Vào năm 1963 tình yêu giữa cô gái nông trường và người chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc có tên Nguyễn Hoàng Thuấn (quê ở Đồng Tháp) đã góp thêm cho xã hội một gia đình nhỏ. 10 năm sau hai vợ chồng bà Nga đã có với nhau 4 người con, tuy nhiên trong thời gian này chiến trường miền Nam trở nên ác liệt, ông Thuấn đã dấu vợ, làm đơn tình nguyện đi B trở lại chiến trường miền Nam. 

Chồng đi chiến đấu xa, ở nhà bà Nga một mình một nách nuôi cả bốn con thơ, đồng thời tiếp tục học tại chức kinh tế. Sau khi thống nhất đất nước cuối năm 1975 ông Thuấn về Bắc đón vợ con vào Nam chung sống. 

Tâm sự với PV bà Nga cho biết: “Khi mới vào, gia đình tôi được cấp nhà ngay trong quận Tân Bình. Ngôi nhà đó trước đây là của một tướng Ngụy nên khá khang trang. Vợ chồng tôi vốn dĩ quen sống ở nông thôn nên không thích hợp với hoàn cảnh mới, tôi đã bàn với chồng trả lại cho nhà nước căn nhà đó và ra khu vực Thủ Đức này để sống vì nó gần gũi với cuộc sống dân giã”. 

Bà mẹ tần tảo của những người con thành đạt 
 

Vào miền Nam ông bà công tác tại Sở nông nghiệp TPHCM, hai cô con gái là Nguyễn Lan Hương và Nguyễn Thị Phương Lan cũng lần lượt đỗ vào Đại học Y và Đại học Quân Y. Tuy nhiên hạnh phúc của cả gia đình trong những ngày hòa bình đoàn tụ chưa được bao lâu thì người chồng của bà đã vĩnh viễn ra đi sau một vụ tai nạn giao thông vào năm 1989. Đến năm 1990 người mẹ đẻ của bà cũng mất vì căn bệnh của tuổi già. 

Quá nhiều đau thương, mất mát dồn dập cùng một lúc đã khiến bà đổ bệnh. Đến bệnh viện khám các bác sĩ cho biết bà bị khối u ở phổi, nhưng rất may đó là khối u lành. Để giữ lấy sự sống cho bà, một ca phẫu thuật đã được tiến hành. Sau khi giải phẫu cơ thể bà chỉ còn 37 kg, kinh tế gia đình cũng suy kiệt. Cùng thời gian trên cậu con trai thứ 3 là Nguyễn Hoàng Thọ đã thi đậu vào trường Đại học ngoại ngữ và cô con gái út là Nguyễn Thị Tuyết Nhung đỗ vào Đại học sư phạm. 

Giữa lúc gia đình khó khăn, mẹ lại bệnh nặng anh Hoàng Thọ và chị Tuyết Nhung đã xin mẹ cho thôi học để ở nhà phụ giúp cho kinh tế gia đình. Thấu hiểu nỗi lòng của những người con, khi đó bà Nga đã nước mắt lưng tròng khuyên các con nên tiếp tục con đường học vấn bà nói: “Dù có khó khăn đến đâu tôi cũng vẫn khuyên các con tôi cố gắng học cho đến nơi đến chốn”. 

Sau khi xuất viện, bệnh vẫn chưa khỏi hẳn, vết thương vẫn còn đau nhưng bà Nga đã gắng gượng trở dậy, làm đủ mọi việc từ cuốc đất trồng rau cho đến bán nước tương dạo… để có tiền cho con ăn học. Phải về hưu vì mất sức, trở về với cuộc sống thôn quê bà xin phép khu phố cho nấu rượu để nuôi heo.  

Riêng hai người con của bà là anh Hoàng Thọ và chị Tuyết Nhung thì vừa học vừa làm để phụ giúp mẹ. Anh Hoàng Thọ ban ngày đi học, ban đêm đi làm bảo vệ cho Công ty, làm bảo vệ anh mang sách theo tranh thủ học bài. Chị Tuyết Nhung vừa học vừa đi dạy kèm dù mỗi tháng chỉ kiếm thêm được gần 100.000 đồng để phụ cho mẹ. 

Tâm sự với PV bà Nga rớm rớm nước mắt kể: “Nhớ ngày đó bé Nhung đạp xe từ KTX ở quận 11 về tận nhà, xin mẹ 20.000 để đóng tiền học nhưng tôi không có để cho… nghĩ lại cảnh các con vất vả vừa làm vừa học tôi thương con đến đứt cả ruột”. 

Vốn có kinh nghiệm trong chăn nuôi khi còn làm tại Sở nông nghiệp TPHCM nên không lâu sau việc nuôi heo của bà Nga đã khá thành công. Trung bình 3-4 tháng bà Nga lại xuất một lứa heo với khối lượng đến gần 6 tạ thịt. Nhờ khoản lời từ việc nấu rượu và nuôi heo bà đã lo được những khoản chi phí cho các con như tiền ăn uống, học phí, và quần áo… 

Kinh tế gia đình từng bước phát triển trở lại, các con bà cũng lần lượt ra trường và có việc làm ổn định. Người con gái đầu hiện là dược sĩ Đại học làm việc ở xí nghiệp dược phẩm OPV của Mĩ đầu tư. Người con gái thứ hai chị Nguyễn Phương Lan hiện làm bác sĩ quân y tại bệnh viện Quân dân miền đông. Anh Hoàng Thọ hiện đang làm việc tại ngân hàng HSBC của Anh. Cô con gái út Tuyết Nhung hiện nay đã có bằng Thạc sĩ Anh văn của Úc hiện đang là tổ trưởng tổ ngoại ngữ của trường THPT Thủ Đức. 

Người Đảng viên không có… tuổi hưu

Nụ cười mãn nguyện của bà Nga bên đứa cháu nội.
 
Tuy đã nghỉ hưu, nhưng với cương vị là một Đảng viên bà Nga vẫn tiếp tục tham gia nhiều công tác ở Phường và khu phố. Tuổi đã cao song được nhân dân tín nhiệm nên bà vẫn giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên BCH Đảng bộ phường, Bí thư chi bộ khu phố, Chi hội trưởng Hội khuyến học khu phố…  

Khi được hỏi lý do vì sao bà không nghỉ ở nhà để an dưỡng tuổi già mà con tham gia nhiều hoạt động như vậy, bà vui vẻ cho biết: “Bản thân tôi dường như được chia ra làm hai con người, đó là con người bình dân và con người Đảng viên. Với người bình dân thì có thể nghỉ hưu nhưng với người Đảng viên trong tôi thì không có… tuổi hưu”. 

Được sự chỉ đạo của phường bà Nga đã đứng ra thành lập chi hội Khuyến học của khu phố và vận động đông đảo bà con tham gia. Từ năm 2006 đến nay Chi hội Khuyến học khu phố đã trợ giúp cho hơn 20 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được tiếp tục đến trường. Ngoài ra Hội còn tổ chức khen thưởng cho những học sinh, sinh viên có thành quả cao trong học tập. 

Từ hoạt động hiệu quả của Chi hội khuyến học, năm 2008 bà Nga mạnh dạn vận động thành lập CLB ông - bà - cháu. CLB ra đời với mục đích giúp nhau trong phương pháp giáo dục con cháu, và khen thưởng kịp thời cho những cháu có thành tích học tập tốt… 

Đã 8 năm nay, kể từ khi kinh tế gia đình còn khó khăn bà Nga đã dùng tiền túi của mình để giúp đỡ cho gia đình bà Nguyễn Thị Muối, một hộ nghèo có con tâm thần trong khu phố mỗi thàng 10kg gạo. 

Từ sự cố gắng và thành quả to lớn của cả gia đình trong quá trình lao động và học tập. Vừa qua, trong Đại hội gia đình hiếu học TPHCM gia đình bà Nga đã vinh dự đón nhận bằng khen “Gia đình hiếu học” do Hội khuyến học TPHCM trao tặng. Riêng bản thân bà nga được chọn là một trong 6 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho 372 gia đình trò chuyện tại buổi giao lưu trong Đại hội.  

Vân Sơn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]