Tin bài Hay
Mẹo vặt

Ca sỹ trẻ hát nhạc 'đỏ' phá cách: Làm mới hay 'phá nát'?

01/01/2000 - 00:00

Ca sỹ trẻ hát nhạc 'đỏ' phá cách: Làm mới hay 'phá nát'?
Ca sỹ trẻ hát nhạc 'đỏ' phá cách: Làm mới hay 'phá nát'?

Dòng nhạc “đỏ” một thời làm nên tên tuổi các ca sỹ như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy,... giờ đây được khá nhiều ca sỹ trẻ chọn để làm mới mình. Đi liền đó, là sự phá cách trong hòa âm, phối khí, nhằm tạo ra một phong cách trẻ trung, phù hợp với khán giả trẻ hiện đại. Tuy nhiên, sự phá cách “quá tay” đôi khi đã làm mất đi vẻ đẹp của những nhạc phẩm vang bóng một thời này.

Phá cách hay “phá nát”?

Một tác phẩm âm nhạc đẹp, từng đi cùng năm tháng suốt những tháng ngày chiến tranh gian khổ của đất nước, luôn đòi hỏi ở người ca sỹ sự trân trọng. Với những tác phẩm đã có đời sống riêng, rất khó để làm mới chúng mà vẫn được khán giả chấp nhận, đánh giá cao. Ở một thị trường âm nhạc gần như bão hòa ở Việt Nam hiện nay, việc các ca sỹ “đào xới” những nhạc phẩm xưa, những giá trị cũ, vốn đã được khẳng định cũng là điều dễ hiểu. Thời gian qua, một số ca sỹ trẻ tìm lại với những tình khúc vượt thời gian, ít nhiều cũng được xem là thành công như ca sỹ Lệ Quyên, Quang Dũng, Đức Tuấn, Mỹ Lệ,... Bên cạnh đó, dòng nhạc “đỏ” cũng là lựa chọn đổi mới của nhiều ca sỹ trẻ.

Một số album nhạc “đỏ” của ca sỹ trẻ.

Dòng nhạc “đỏ” có sức sống khá mãnh liệt ở thị trường các tỉnh phía Bắc. Một số ca sỹ như Trọng Tấn, Anh Thơ,... đều thành danh với dòng nhạc này. Ở thị trường miền Nam, dù dòng nhạc này không mấy sôi động, nhưng cũng gắn với tên tuổi một số ca sỹ như Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy,... thường xuất hiện trong một số chương trình kỷ niệm. Lớp ca sỹ trẻ hơn có thể kể đến nhóm Mắt Ngọc, ca sỹ Võ Hạ Trâm,... cùng một số ca sỹ lâu lâu “đá trái sân” như Đàm Vĩnh Hưng với Những bài ca không quên, Trang Nhung với Nổi lửa lên em, Đan Trường với Nhánh lan rừng, Hát về anh,...

Không chỉ hát những bài đơn lẻ, vừa qua ca sỹ Uyên Trang đã cho ra mắt hai album nhạc “đỏ” Dòng sông và tiếng hát và Ở hai đầu nỗi nhớ. Trong đó album Dòng sông và tiếng hát giúp cô đoạt giải Mai vàng 2011 với ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Gần đây nhất, Đàm Vĩnh Hưng cũng vừa cho ra mắt album nhạc “đỏ” Chiếc vòng cầu hôn. Ngược về thời gian trước, vào tháng 2/2005 ca sỹ Khánh Ngọc giới thiệu album đầu tay của mình là một album nhạc quê hương Thành phố của tôi. Hay như Thu Minh cũng từng đầu tư khá công phu và nghiêm túc cho album nhạc “đỏ” Tình em, với những ca khúc nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp.

Bên cạnh những ca sỹ làm việc một cách nghiêm túc, tôn trọng phiên bản gốc những nhạc phẩm vốn đã có sức sống lâu dài này, có không ít ca sỹ tùy tiện phá cách, làm mới tác phẩm chỉ để phù hợp với đối tượng khán thính giả của mình. Gần đây, trong chương trình “Tuổi 20 hát” trên kênh VTV6 đã phát một loạt các ca khúc nhạc “đỏ” nổi tiếng với một cách hòa âm phối khí hoàn toàn mới lạ. Trong đó, những ca khúc như Cô gái Pa Kô, Lá xanh, Thời hoa đỏ, Tiếng chày trên sóc Bom Bo,... bị phá nát bằng cách phối jazz, rock hỗn loạn. Còn Đàm Vĩnh Hưng, ca khúc Chiếc vòng cầu hôn đã bị anh đổi luôn cả lời ca khúc, mà không thèm đếm xỉa đến nguyên tác của tác phẩm. Đến cả Diva Hồng Nhung khi trình diễn ca khúc Ngẫu hứng sông Hồng phiên bản mới, cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối.

Ngay như ca khúc Chiếc khăn piêu của nhạc sỹ Doãn Nho được ca sỹ Tùng Dương phá cách thể hiện, từng gây chấn động trong chương trình “Bài hát yêu thích” cuối năm 2012 cũng không tránh khỏi tranh cãi. Bên cạnh đại đa số ý kiến cho rằng cách làm mới ca khúc này đậm chất đương đại, thực sự mang lại cho người nghe những cảm xúc hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn. Thì cũng có một số ý kiến không hài lòng về cách làm mới ca khúc này. Tuy nhiên, Chiếc khăn piêu với bản phối khí hòa âm mới do ca sỹ Tùng Dương thể hiện đã thực sự trở thành một hiện tượng của năm 2012. Chiếc khăn piêu cũng vượt qua hàng trăm ca khúc khác để “ẵm” giải thường “Ca khúc của năm”. Chính cha đẻ của ca khúc này, nhạc sỹ Doãn Nho phải thừa nhận, ông không thể ngờ ca khúc có “tuổi thọ” hơn 50 năm này có thể tạo nên làn sóng dư luận với độ rộng rãi đến vậy.

Một số album nhạc “đỏ” của ca sỹ trẻ.

Bao nhiêu cho vừa sự thay đổi?

Đến nay, dù đã qua chiến tranh, nhưng những bài hát ấy vẫn đi vào lòng người và có một sức sống mãnh liệt. Thế nên sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ dành cho dòng nhạc này như một tín hiệu mừng được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, với thực tế, nhạc “đỏ” ngày nay được thổi một làn gió mới mẻ vào khiến nhiều người bất ngờ về sự thay đổi diện mạo của nó. Từ những bài hát được phối theo phong cách nhạc trẻ khiến nhiều người cảm thấy hoang mang vì sự biến đổi này. Liệu đây có phải là một bước đi quá liều lĩnh khiến những bài hát ấy mất đi chất vốn có của nó?

Dạo quanh thị trường âm nhạc gần đây có thể thấy, sự phá cách này đã xuất hiện rải rác và gây được một hiệu ứng trong giới trẻ, khiến họ phải chú ý và quan tâm hơn đến dòng nhạc này. Nhạc sỹ Trường Nhân chia sẻ: “Âm nhạc phản ánh hơi thở cuộc sống nên nó dễ đi vào lòng người. Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ phối nhạc “đỏ” theo một cách khác và cũng được sự đón nhận từ giới trẻ. Hiện nay, một số bài hát có sự biến tấu hợp với xu hướng, suy nghĩ của tuổi trẻ thì các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn. Tôi lấy ví dụ bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng, đây là một bài hát khó, nó đòi hỏi chất giọng phải cao, hùng hồn, nhưng một số bạn trẻ phối lại theo dạng rock nó tạo ra một âm điệu mới, đặc biệt và cũng thật ấn tượng. Khi làm theo cách này, nhiều người tiếp nhận hơn, điều đó cũng tạo ra một tín hiệu tốt, đáng trân trọng”.

Mỗi bài hát là một món ăn tinh thần, nó cũng đầy đủ gia vị từ mặn, ngọt, cay... cho các thực khách khó tính. Thế nên, nhiều người chế nó thành một món ăn của riêng mình, nghệ sỹ Bích Đào chia sẻ: “Tùy theo khán giả, với thanh niên thì thích nghe theo một cách mới. Người lớn tuổi hơn một chút âm nhạc sẽ đầm lại hơn, hùng tráng hơn. Cũng giống như người thích ăn một chút mặn, người lại thích ngọt hơn... Tuy nhiên, cũng nên ở một mức độ chừng mực để tạo ra một món ăn phù hợp với khẩu vị. Làm mới nhạc “đỏ” đến đâu cũng còn tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của mọi người, và trình độ âm nhạc của họ nữa”.

Tuy nhiên, theo nhạc sỹ Trường Nhân, sự biến chất của nhạc “đỏ” khi làm mới lại theo cách khác là điều khó có thể, nhạc sỹ cho biết: “Khi làm mới nhạc “đỏ” theo cách của những bạn trẻ, khi có sự biến tấu này về giai điệu, nhạc có một chút thay đổi, nhưng về ngôn từ, nội dung bài hát vẫn được giữ nguyên, người nghe vẫn cảm nhận được tinh thần của bài hát, có chăng chỉ là cách phối khác. Khi giới trẻ tiếp nhận thì họ vẫn giữ được tinh thần của bài hát. Trong chiến tranh những bài hát ấy gắn với ký ức một thời của chiến sỹ, thời gian trôi qua, nhiều bạn trẻ ngày nay không sống trong không khí đó, nên họ chưa cảm nhận và hiểu được. Nếu cách làm mới gây sự thu hút cho họ để họ quan tâm và chú ý hơn với dòng nhạc hào hùng của dân tộc thì quả là một điều tốt”.

Hiện nay, trong sự phát triển của âm nhạc, giới trẻ có quá nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, nhạc “đỏ” vẫn có một sự thu hút đặc biệt. Không nằm ngoài quy luật, nó cũng không ngừng vận động và phát triển để phù hợp với người nghe. Trong sự chuyển mình đó, những cái hay sẽ được phát huy và cái không phù hợp sẽ bị loại bỏ. Nhưng trên hết, sự sáng tạo nghệ thuật và lao động nghiêm túc sẽ để lại cho cuộc sống những giai điệu đẹp tuyệt vời chắc chắn sẽ được đón nhận như chính những điều mà nó mang đến.

Phải tạo được xúc cảm tốt cho người nghe

Nghệ sỹ Bích Đào cho biết: “Trong sự sáng tạo nghệ thuật, mỗi giai điệu đẹp sẽ là một món ăn tinh thần phong phú. Nhạc “đỏ” đã hay, và việc làm mới nếu tạo cho nó sự phù hợp chắc chắn sẽ được đón nhận đúng với giá trị của nó. Tuy nhiên, mọi yếu tố phải phù hợp, khéo léo để tạo ra những xúc cảm tốt cho người nghe”.

Quyên Triệu - Hợp Phố

Home

    Trang chủTin mớiThị trườngVideo