Để chụp được một bức ảnh "siêu trăng" đẹp, không những phải nhờ vào sự hỗ trợ tối tân của các thiết bị máy ảnh hiện đại, mà cách chụp ảnh, hay các thủ thuật đi kèm cũng hết sức quan trọng, giúp bạn tạo nên được những bức ảnh sống động, và có hồn. Sau đây là một vài thủ thuật nhỏ các bạn có thể tham khảo khi chụp mặt trăng.
1. Chụp mặt trăng khi gần đường chân trời nhất
Chân trời (hoặc đường chân trời) là một đường có thể nhìn thấy rõ ràng phân cách giữa mặt đất với bầu trời. Tại nhiều vùng, đường chân trời thật bị che khuất bởi cây cối, tòa nhà, núi và giao tuyến của Trái Đất và bầu trời trong trường hợp này được gọi là chân trời nhìn thấy được.
Để chụp được bức ảnh “siêu trăng”, bạn cần phải chọn được một thoài điểm phù hợp, chính là khi trăng lên và ở gần đường chân trời. Vào khoảnh khắc này sẽ vẫn còn ánh nắng mặt trời le lói, mặt trăng lúc này chuyển sang màu da cam và được che phủ bởi những đám mây huyền ảo, mờ nhạt. Đây chính là thời điểm thuận lợi nhất giúp chúng ta có thể chụp lại được những bức hình có chứa đầy đủ các yếu tố cần thiết để làm nên một bức bức ảnh “siêu trăng”.
Hơn nữa, khi mặt trăng di chuyển sát đường chân trời, sẽ xuất hiện những ảo giác khiến người quan sát cảm thấy nó lớn hơn so với kích thước thật.
2. Không thực hiện zoom kỹ thuật số
Đôi khi do tiêu cự không đủ dài, dẫn đến một số người sử dụng zoom kỹ thuật số. Lời khuyên từ các chuyên gia là không nên sử dụng thao tác này trong bất kỳ trường hợp nào. Vì khi bạn sử dụng chế độ này luôn gây ra những hiện tượng nhiễu và làm hỏng bức ảnh của bạn.
3. Đặt mặt trăng trong một bối cảnh
Thật đơn điệu nếu bức ảnh bạn chụp chỉ có mặt trăng ở giữa bầu trời, nó sẽ không gây sức hút cho người xem và không hấp dẫn vì khuân hình quá đơn điệu và tẻ nhạt.
Để tạo những bức ảnh có sức hút hơn, bạn nên lồng ghép mặt trăng vào trong các bối cảnh khác nhau sẽ tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, cuốn hút người xem và tạo ra những ý nghĩa riêng biệt. Bạn có thể đặt mặt trăng trong bối cảnh của một đồi núi hay dòng sông, một thành phố, sau những ngọn đồi, giữa các tòa nhà… Nếu ở trên biển thì đó là những bức hình phản chiếu dưới mặt đại dương.
4. Sử dụng một ống kính với tiêu cự lớn
Khi muốn nhấn mạnh chủ thể trong bức ảnh của mình các chuyên gia thường khuyên nên sử dụng ống kính tele và tiến lại gần đối tượng ở một khoảng cách vừa phải để thực hiện điều này. Ống kính tele giúp thu hẹp trường nhìn và cho cái nhìn cận cảnh về vật thể nằm xa do ưu điểm độ nét tốt và khả năng xóa phông cực mạnh. Thông thường, tiêu cự trong dải từ 70 đến 300 mm.
Điều này là khá phù hợp nếu bạn sử dụng một ống kính tele với tiêu cự 200 mm hoặc nhiều hơn để chụp mặt trăng, khi chụp bạn nên điều chỉnh để khẩu độ mở f/8.0 hoặc hẹp hơn. Với các điều chỉnh và ống kính này bạn sẽ tạo ra được những bức ảnh mặt trăng siêu nét.
Nếu không có điều kiện để sắm cho mình một ống kính có tiêu cự dài, bạn có thể chọn những ống kính tiêu cự ngắn hơn và kết hợp cùng một chiếc teleconverter, hoặc chọn các góc sáng tạo đặt trong các bối cảnh khác nhau.
5. Sử dụng chế độ ngắm Live View
Việc sử dụng chế độ ngắm Live View giúp cho người dùng dễ nắm bắt thông số cũng như bố cục của khung cảnh. Hơn nữa khi để chế độ này sẽ giúp bạn xem được trực tiếp đối tượng qua màn hình của máy để lấy nét được chính xác, sau đó có thể khóa nét và điểu chỉnh các thông số mong muốn.
6. Sử dụng chân máy
Tác dụng của chân máy sẽ giúp bạn chụp được những bức ảnh không bị nhòe, vì khi chụp “siêu trăng” chúng ta phải để khẩu độ mở nhỏ, nên tốc độ chụp sẽ rất chậm và dễ gây nhờ hình. Bạn có thể sử dụng một chân chạc ba cho chắc chắn, hoặc có thể cố định chân máy bằng các phương pháp bất kỳ để máy không bị rung khi chụp.
Khi chụp ảnh tại thời điểm trăng lên, không nên để phơi sáng quá 2 giây. Còn thời gian chụp là vào ban đêm thì có thể để phơi sáng lâu hơn nhưng lưu ý không được để quá 25 giây sẽ dẫn tới hình ảnh bị nhòe do mặt trăng di chuyển. Và chỉ nên điều chỉnh ISO tối đa là 800 để giảm nhiễu một cách hiệu quả nhất trong các bức ảnh chụp.
7. Sử dụng chế độ AEB bracketing cho bức ảnh HDR “siêu trăng”
Bạn muốn những bức ảnh đặc biệt hơn với HDR để tạo ra các hiệu ứng hình ảnh thú vị hơn, giúp cho tác phẩm có một nét độc đáo riêng biệt. Để làm được điều này bạn có thể sử dụng chế độ bracketing tự động với bước bù trừ sáng là +/-2 EV. Máy ảnh sẽ chuyển sang chế độ chụp hẹn giờ hai giây.
Theo Lavender