Hiện nay, ở khu vực gần nhiều trường mầm non và một số bệnh viện, vào buổi sáng, trưa, chiều hàng ngày, các cửa hàng cháo “dinh dưỡng” lại mọc lên như nấm. Không chỉ các quán vỉa hè mà nhiều quầy cháo di động cũng được tư thương chở đến phục vụ các thượng đế nhí".
Liên tiếp những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Hải Phòng đã tiếp nhận gần chục trẻ em có biểu hiện ngộ độc cháo dinh dưỡng với các biểu hiện đau bụng, nôn nhiều lần. |
Vừa bán cháo, vừa bán đồ nhậu
Sáng 13/6, chúng tôi (PV) đã dạo quanh một số khu vực trường học đang là “điểm nóng” về tình trạng cháo dinh dưỡng đường phố. Tuy là chủ nhật nhưng thị trường mua bán cháo ở đây vẫn rất sôi động. Tại khu vực xung quanh trường mầm non Ánh Sao (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), có tới 4 cửa hàng cháo đều gắn mác “dinh dưỡng”, trong đó có cháo thương hiệu (do các hãng có tên tuổi sản xuất) và cháo không thương hiệu (do tư thương tự chế biến).
Bếp chế biến cháo "dinh dưỡng" của quán cháo “Cháo mẹ và bé. Ảnh: Như Biển
Cách cổng trường chừng 5m, một bảng chỉ dẫn khá hoành tráng “cháo dinh dưỡng an toàn” được treo trên cột điện. Lần theo mũi tên chỉ dẫn, chúng vào một quán cháo dinh dưỡng nằm ngay trên vỉa hè phía bên phải trường Ánh Sao. Vừa dừng xe, chị chủ cửa hàng chừng hơn 30 tuổi, đon đả: “Vào đây em, các em ngồi luôn đi, ăn gì để chị lấy?” Tôi đang ngơ ngác vì không hiểu vào quán cháo dinh dưỡng thì phải mua cháo chứ sao lại hỏi “ăn gì” thì được chị giải thích: “Ở đây, chị bán cháo dinh dưỡng, nhưng có cả trứng vịt lộn, mì tôm, đồ uống…”(?) Hỏi ra mới biết không những có trứng vịt lộn, mì tôm mà khách nào muốn uống rượu cũng được phục vụ tận tình.
Theo quan sát của chúng tôi, quán cháo “dinh dưỡng” này ngự trên khoảng vỉa hè chừng 10m2 với 6 cái bàn nhựa, bán cho cả người lớn và trẻ em. Cháo trắng đã được nấu sẵn đựng trong một chiếc nồi lớn, bà chủ ngồi lẫn lộn giữa một đống các hộp nhựa lỉnh kỉnh trông không mấy “sáng sủa” đựng các loại thịt ngao, tôm, ruốc, thịt băm…, trong khi dưới đường thì xe cộ qua lại liên tục và bụi mù.
“Khi khách có nhu cầu loại cháo gì, bà chủ cho cháo trắng vào chiếc nồi nhỏ, lấy loại thịt phù hợp rồi quấy lại trên một chiếc bếp ga nhỏ nhầy nhụa mỡ và váng bẩn”, chị Lan một phụ huynh có con gửi tại trường mầm non Ánh Sao, từng vào quán này mua cháo, cho biết. Tuy nhiên, cách chúng tôi ngồi hai bàn, có hai phụ nữ dẫn con khoảng chừng 4, 5 tuổi đến ăn cháo buổi sáng rất ngon lành. Thi thoảng lại thấy có một vài người dừng xe mua cháo, sau đó được chủ quán ở đây dùng túi nilong màu trắng, mỏng, loại túi các bà bán hàng ngoài chợ thường dùng gói đồ để “đóng gói” cháo cho mọi người mang về.
Cách đó không xa, ngay phía sau khu nhà B4 (Nghĩa Tân) cũng có một quán cháo dinh dưỡng vỉa hè mang tên khá dễ thương: “Cháo mẹ và bé”. Nhưng công nghệ chế biến cũng chẳng khác nhau là mấy. Chiếc bếp ga loại to hơn được đặt sát ngay với một tấm tôn đã ghỉ sét, bẩn thỉu.
Tại một số trường mầm non khác như: Linh Đàm, Thanh Xuân, Định Công, Kim Mã Thượng, Trung Tự… cháo dinh dưỡng không nhãn mác còn được bán lưu động trên các xe đẩy phía trước cổng trường. Ngay cả người bán cũng không biết nguồn gốc loại cháo này từ đâu, chế biến ra sao vì họ cũng chỉ được thuê bán, trả lương.
Mù mờ chất lượng!
Không chỉ cháo đường phố chế biến thủ công, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, các loại cháo có thương hiệu rõ ràng cũng không thuyết phục được người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thanh H, một nhân viên bán cháo thuê cho hãng cháo dinh dưỡng BB cho biết: “cứ đến buổi sáng là họ lại mang cháo đến giao cho em bán, em cũng không biết người ta sản xuất ở đâu, như thế nào…”.
Bên kia đường, một cửa hàng cơm bụi cũng được thuê làm điểm bán cháo cho hãng VNC, tại đây cháo dinh dưỡng được đóng gói sẵn bằng bọc nilong 300g có nhãn hiệu và quảng cáo bắt mắt với đủ các loại: cháo cá, cháo bò, gà,…với giá 7000đ/gói. Khi thấy chúng tôi săm soi tìm hạn sử dụng in trên bao bì thì được anh nhân viên bán hàng giải thích: “Cháo bán trong ngày thì lấy đâu hạn sử dụng, người ta mua đầy ra đấy, cứ tầm trưa là hàng anh chả còn mà bán ấy chứ”. Thấy tôi vẫn chưa yên tâm, anh còn đem cả “lương tâm nghề nghiệp” ra đảm bảo: “Em cứ lấy mấy gói đi, anh bán ở đây mấy năm rồi, chưa bao giờ anh dám bán loại cháo không đảm bảo cho khách”. Nhưng khi tôi hỏi loại cháo này được sản xuất ở đâu thì anh ậm ừ không trả lời.
Khi hỏi về giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP, hầu hết các quán cháo dinh dưỡng vỉa hè đều không có. Nhiều chủ cửa hàng cho biết: “Bọn chị bán ngày có ngày không, lại không có cửa hàng cố định nên người ta cũng không mấy khi kiểm tra”.
Tại các cổng trường mầm non, bệnh biện nhi hiện nay nhan nhản các quán cháo dinh dưỡng tự nấu. Ảnh: Như Biển.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cháo dinh dưỡng dành cho trẻ em được bán tràn lan nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào kiểm định rõ ràng chất lượng của nó. Quản lý lỏng lẻo khiến những loại cháo được coi là “dinh dưỡng” nhưng vẫn mù mờ về chất lượng, sự an toàn…
Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, hầu hết các cơ sở tự quảng cáo, tự công bố chất lượng cháo dinh dưỡng do mình sản xuất, hiện chưa có loại cháo nào được các cơ quan chức năng xác nhận thành phần thực của nó. Vì vậy nếu các bà mẹ lười chế biến, mua sẵn cháo dinh dưỡng cho con ăn thường xuyên mà không bổ sung các nguồn thực phẩm khác thì ngoài thiếu chất, trẻ em còn có nguy cơ mắc các chứng bệnh đường ruột về sau.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện thành phố chỉ có ba cơ sở sản xuất cháo ăn nhanh được cấp phép và sản phẩm của họ được đóng túi để cung cấp cho các trường mầm non, bệnh viện có trẻ em; còn các cơ sở nấu cháo đóng túi thủ công hoàn toàn không xin phép nên Sở Y tế cho đây là các loại thức ăn đường phố, người dân cần cẩn thận khi mua các loại cháo này cho trẻ nhỏ.
"Theo phân cấp của thành phố, hiện tất cả cửa hàng ăn uống ở trước cổng trường học và bệnh viện đều do phòng y tế các quận, huyện quản lý, vì vậy bản thân mỗi trường học, bệnh viện khi phát hiện ra các cháo không rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh cần phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời", ông Cường nói.