Chứng loạn nhịp tim – Dấu hiệu và nguyên nhân

0

Loạn nhịp tim xảy ra khi dòng điện phối hợp nhịp tim không hoạt động bình thường khiến nhịp tim trở nên quá nhanh, quá chậm hoặc không đều đặn.

Chứng loạn nhịp tim có nhiều loại, thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe; ta thỉnh thoảng cảm nhận được tim đập loạn nhịp, nhảy một vài nhịp hoặc tim đập nhanh. Tuy nhiên chứng loạn nhịp tim có thể gây nhiều triệu chứng nguy hại cho sức khỏe và đôi khi tử vong. Bác sĩ dùng thuốc men hoặc một vài dụng cụ để chữa trị chứng loạn nhịp tim.

Dấu hiệu

Loạn nhịp tim có thể không tạo ra triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Đôi khi qua việc thử nghiệm định kỳ mà bác sĩ tìm ra chứng loạn nhịp tim trong khi bệnh nhân không có triệu chứng nào. Bình thường, loạn nhịp tim gây ra một hoặc nhiều triệu chứng sau:
– Tim đập mạnh
– Tim đập nhanh
– Tim đập chậm
– Đau vùng ngực
– Ngộp hơi (nên thở cạn)
– Xây xẩm
– Chóng mặt
– Té xỉu, ngất

Có triệu chứng chưa hẳn là việc loạn nhịp tim nguy hại đến tính mạng, và ngược lại, không có triệu chứng chưa hẳn là việc loạn nhịp tim vô hại.

Ảnh minh họa

 

Khi tim đập, dòng điện kích thích cơ tim co thắt phải chuyển dẫn theo một đường lối nhất định khi đi qua tim. Khi dòng điện nay bị cắt đứt vì bất cứ lý do gì, tim đập loạn nhịp. Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân hay sự bất thường của nhịp tim, ta cần hiểu rõ sự hoạt động bình thường của tim.

Như thế nào là nhịp tim bình thường?

Tim có bốn (4) ngăn, hai ngăn trên là tâm nhĩ (hay atrium phải và trái), hai ngăn dưới là tâm thất (hay ventricle phải và trái).

Trong thời khắc của một nhịp tim, tâm nhĩ (nhỏ và ít cơ hơn so với tâm thất) co thắt và đẩy máu xuống tâm nhĩ đang trong trạng thái nghỉ. Sư co thắt này bắt đầu khi sinus node, một cấu trúc gồm nhiều tế bào dẫn điện trong tâm nhĩ bên phải, truyền một dòng điện kích thích cơ tâm nhĩ phải và trái co thắt.

Dòng điện này truyền đến atrioventricular node, một cấu trúc nằm giữa trái tim, trên hệ thống chuyển điện giữa tâm nhĩ và tâm thất. Từ đây dòng điện đến hai tâm thất, kích thích cơ tâm thất co thắt và bơm máu đi khắp châu thân.

Hiệu đính tiếng Việt:

1) Dòng điện tại sinus node
2) Dòng điện đến atrioventricular node hay AV node
3) Dòng điện đi qua tâm thất
4) Hoàn tất một chu kỳ

Như thế, bình thường, ta cần một khoảng thời gian nhất định, đủ để dòng điện đi qua những cấu trúc của tim, kích thích tim hoạt động theo một chu kỳ sẵn có. Khi chu kỳ dẫn truyền dòng điện này bị xáo trộn, tim sẽ đập loạn nhịp.

Ở trái tim khỏe mạnh, quá trình dẫn chuyển điện hoạt động nhịp nhàng và đều đặn, tạo nên một nhịp tim bình thường là 60 -100 nhịp/mỗi phút. Những thể thao gia, lúc nghỉ, thường có một nhịp tim thấp hơn 60 vì thân thể khỏe mạnh, tim không cần đập nhiều nhịp mà dẫn chuyển máu đầy đủ khắp cơ thể.

Nguyên nhân:

Chứng loạn nhịp tim gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bệnh tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu hoặc cà phê (chưa hẳn là nghiện), ma túy hoặc áp lực tâm thần. Các loại thuốc men, thực phẩm phụ, chất dinh dưỡng kể cả thảo mộc cũng có thể gây loạn nhịp tim.

Thẹo (scar) tại cơ tim (thường do cơn nhồi cơ tim, trụy tim trong quá khứ, những cơ tim bị hư hoại trở thành thẹo) có thể gây loạn nhịp tim vì những mô này không còn dẫn truyền dòng điện hiệu quả như trước.

Những chứng bệnh gây hư hoại cấu trúc tim cũng đưa đến chứng loạn nhịp tim:

Thiếu máu: Khi lượng máu cần thiết giảm sút vì bệnh tật (nghẽn mạch máu), cơ tim sẽ không hoạt động hiệu quả và việc dẫn truyền dòng điện cũng giảm sút.

– Mô tim bị hư hoại: việc dẫn truyền dòng điện cũng bị ảnh hưởng.

1. Chứng nghẽn động mạch tim (coronary artery disease, CAD): Gây nhiều chứng loạn nhịp tim nhưng thông thường nhất là chứng loạn nhịp tim xuất phát từ tâm thất, ventricular arrhythmias, và gây ra những cái chết bất ngờ. CAD gây nhồi cơ tim, trụy tim (heart attack). Sau cơn bệnh và khi hồi phục, những mô tim chết vì thiếu máu trong một thời gian trở thành thẹo và không còn làm việc một cách hiệu quả như trước từ việc dẫn truyền dòng điện đến việc bơm máu.

2. Chứng hoại cơ tim (cardiomyophathy): xảy ra khi mô tim tại hai tâm thất bị giãn nở (dilated cardiomyopathy) hoặc khi mô tim tại tâm thất trái dầy (thicken) và thu nhỏ dung tích tâm thất (hypertrophic cardiomyopathy). Cả hai chứng bệnh này này đều đưa đến việc suy tim, cơ tim không còn bơm máu hiệu quả nữa cũng như không còn dẫn điện hiệu quả nữa.

3. Chứng hư hại van tim: van tim bị hở hoặc van tim bị thu nhỏ đều đưa đến sự giãn nở hoặc dầy cơ tim; sau một thời gian dài sẽ gây giãn nở ngăn tim. Khi các ngăn tim bị giãn nở hoặc suy yếu sẽ đưa đến chứng loạn nhịp tim.

Phân loại chứng loạn nhịp tim

Chứng loạn nhịp tim được phân loại theo nơi xuất phát (tâm nhĩ hoặc tâm thất) và theo tốc độ nhanh chậm của nhịp tim:

– Tim đập nhanh (tachycardia): tim đập trên 100 nhịp/mỗi phút
– Tim đập chậm (bradycardia): tim đập dưới 60 nhịp/ mỗi phút

Tuy nhiên việc tim đập nhanh hay chậm (theo định nghĩa trên) chưa hẳn là bệnh tật. Thí dụ, khi tập thể dục, tim đập nhanh hơn để đưa thêm máu đến các bắp thịt. Đây là một sự “điều tiết” bình thường và tự nhiên của cơ thể khi cần cung cấp một lượng oxygen lớn hơn.

Bác sĩ Trần Lý Lê, Chuyên Khoa Nội Thương và Khảo Cứu Y Khoa

BACSI.com (Theo Yduocngaynay)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]