Có phải chửa ngực sẽ nhiều sữa?

Chửa ngực là khi vòng một của mẹ bầu to lên nhanh chóng, nhiều khi nó còn vượt cả vòng bụng.

15.6117

Chửa ngực là gì?

Chửa ngực là sự tăng trưởng vòng một của thai phụ lớn hơn bình thường so với trước khi mang, có người chửa ngực nhiều và có người chửa ngực ít. Tuy nhiên, chửa ngực cũng gây ra một số phiền toái nhất định như đau lưng, đau đầu, mỏi mệt, đau cơ.

Không những thế, các bà mẹ còn phải lo lắng với những nổi sợ vô hình từ người đối diện, họ cho rằng “ăn uống bao nhiêu thì nuôi ngực hết, con không có chất dinh dưỡng“ hay “ ngực to cho ít sữa”...Tuy vậy, các bà mẹ đừng lo lắng vì chửa ngực chỉ là hiện tượng tự nhiên thường gặp trong quá trình sinh nở.

Theo bác sỹ Hoàng Anh, Khoa Sản, Bệnh viện Từ Dũ, kích thước của vòng 1 là do các mô mỡ tích tụ, vì trong quá trình mang thai, nội tiết tố bắt đầu có sự thay đổi lớn, kích thích các mạch máu ở tuyến vú phát triển, khiến mô mỡ ở vú tăng lên, cùng lúc đó là sự hình thành và phát triển của tuyến sữa

Chửa ngực sẽ nhiều sữa: Nhầm to!

Trao đổi với PV, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho biết: ‘Chửa ngực không gây hại gì cho thai nhi. Tuy nhiên, đây là trường hợp gặp với một số bà bầu do nội tiết khi mang thai, các ống sữa hoạt động mạnh, mô mỡ phát triển nhanh. Việc chửa ngực không liên quan đến sau này bà bầu có nhiều sữa hay không’.

Theo bác sĩ Dung, việc nhiều sữa phụ thuộc vào cơ địa và tuyến sữa của người phụ nữ đó. Có người ngực lép nhưng nguồn sữa vẫn dồi dào nhưng cũng có người chửa ngực nhưng sữa vẫn không đủ cho con bú.

‘Việc chửa ngực có thể gây ra những bất tiện cho bà bầu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mang cảm giác tự ti, hoàn toàn không có gì phải lo lắng. Lưu ý nên chọn áo ngực phù hợp để không bị chật quá gây khó chịu, mặt khác cũng không nên thả rông ngực nếu bị ngã có thể vỡ ngực. Thêm nữa, chửa ngực có thể gây ra hiện tượng rạn da nên mẹ bầu nên bôi kem để chống rạn’, bác sĩ Dung lưu ý.

Khi bị chửa ngực, mẹ bầu nên chọn quần áo rộng rãi. Ngồi thẳng lưng, giữ vệ sinh, có thể nằm nghiêng khi ngủ, đặt gối nâng đầu và ngực lên cao. Nếu có hiện tượng khó thở, ra nhiều mồ hôi khi chửa ngực cần thăm khám bác sĩ sản khoa. Sau giai đoạn cho con bú, chửa ngực sẽ hết. Những người mang bầu lần đầu đã có hiện tượng chửa ngực thì có thể gặp hiện tượng này ở những lần sau.


Theo các bác sĩ, việc bà bầu sau khi sinh có nhiều sữa hay không phụ thuộc cơ địa của bản thân người đó. Sau khi sinh, với một số bà mẹ, chỉ 1 ngày là sữa đã về nhưng có người tới 2 - 3 ngày thì sữa mới về. Mọi tác động qua thực phẩm cũng có thể sẽ giúp cho sữa về nhanh hơn.

Các món ăn như chân giò ninh đu đủ, cháo hạt sen đỗ xanh… sẽ giúp kích thích sữa về sớm. Tất nhiên, nếu bà bầu ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ có số lượng và chất lượng sữa tốt hơn những bà bầu ăn uống thiếu chất hoặc quá kham khổ.

Ngoài ra, có những yếu tố làm ảnh hưởng đến số lượng sữa như tâm trạng bà mẹ, thuốc kháng sinh… Sau khi sinh, nếu người phụ nữ không được hỗ trợ từ chồng, phải thức đêm nhiều để chăm con, cuộc sống gặp nhiều căng thẳng và lo lắng làm ảnh hưởng đến lượng sữa. Cũng có người sau sinh do mắc bệnh nên phải uống thuốc kháng sinh cũng làm cho sữa ít hơn.

Việc chăm sóc bầu ngực khi cho con bú, đặc biệt trong tháng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Bởi vì, trong tháng đầu, lượng sữa tiết ra nhiều trong khi bé bú không hết. Vì vậy, nếu không giữ vệ sinh hay chăm sóc có thể gây tắc tuyến sữa, viêm tuyến vú để lại ảnh hưởng xấu về sau.

Xoa dịu những cơn căng tức khi chửa ngực

Nên đọc

- Massage nhẹ nhàng vùng ngực để giúp máu lưu thông tốt hơn và xoa dịu cảm giác căng tức ngực. Tránh massage ngực trong những tháng đầu thai kỳ vì dễ gây hiện tượng co thắt tử cung.

- Nếu khó thở, bạn hãy đứng, ngồi thẳng lưng, nằm nghiêng khi ngủ hoặc đặt gối nâng đầu và ngực lên cao.

- Chườm lạnh hoặc tắm vòi hoa sen để cải thiện lưu thông huyết mạch, giúp ngực bớt căng, đau.

- Đắp lá bắp cải lạnh lên ngực khi thư giãn, nghỉ ngơi cũng là một cách hay để bạn giảm cảm giác đau ngực.

- Tránh ăn đồ mặn, nóng: Bạn cần tránh các thức ăn mặn, nóng vì chúng làm ngực bạn càng căng và tức hơn. Mặt khác, mẹ bầu nên bổ sung vitamin D, E mỗi ngày.

- Mặc quần áo rộng rãi, vệ sinh cơ thể thường xuyên, đặc biệt là ngực của bạn.

Thùy Linh (t/h)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]