Cao dán giảm đau cơ bắp hoặc đau khớp không gây hại cho thai nhi vì nhiệt độ trung bình tại một vùng cơ thể không làm tăng nhiệt độ của toàn cơ thể bạn. Phụ nữ mang thai thường được khuyên tránh sử dụng bồn tắm nước nóng và phòng tắm hơi trong thời kì đầu mang thai vì nó có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và một số dị tật bẩm sinh.
Tránh tăng nhiệt độ
Các miếng dán giảm đau thường chứa chiết xuất từ bạc hà , khuynh diệp, có tác dụng gây tê tại chỗ và còn có thể làm nóng vùng da tiếp xúc. Vì vậy, việc sử dụng miếng dán giảm đau khi đang mang thai thường chỉ an toàn khi chỉ dán ở một phần nhỏ trên cơ thể. Bằng cách này, miếng dán có thể giúp bạn giảm đau mà không làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn tăng nhiệt độ nhiều, nó có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi như nứt đốt sống.
Đặc biệt lưu ý , nếu bạn bị đau cơ bụng nhưng không biết rõ cơn đau đó là gì, bạn không nên tuỳ tiện dùng miếng dán giản đau mà cần gọi ngay cho bác sĩ, nó có thể là một biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhau thai bong non hoặc vỡ tử cung.
Những điều cần lưu ý khi phụ nữ có thai dùng miếng dán giảm đau
- Miếng dán cũ cần phải được lấy ra trước khi dùng miếng dán mới, vùng da được dán thuốc phải sạch sẽ và khô ráo.
- Không dán thuốc vào những vùng da bị kích ứng hay bị tổn thương, trầy xước. Những vùng da thường được dán là ở ngực hoặc phần trên cơ thể.
- Miếng dán phải còn nguyên miếng, không được cắt đôi ra để dán nhiều lần vì nếu bị cắt sẽ làm lượng thuốc đi vào cơ thể thay đổi.
- Việc tháo bỏ miếng dán cũng nên thận trọng. Khi miếng dán được gỡ khỏi da thì vẫn còn một lượng thuốc nhỏ trong đó, nếu trẻ em vô tình lấy chơi có thể sẽ bị ngộ độc.
- Sau khi tháo miếng dán, cần gấp đôi lại (dán 2 mặt có chất dính vào nhau) rồi bỏ ở một nơi an toàn, không để trẻ em và thú vật nuôi trong nhà có thể tiếp cận, cũng không nên bỏ vào bồn cầu.
Thực ra, mẹ có thể dùng nhiều cách khác để giảm đau thay cho việc phải đưa các hóa chất vào cơ thể mình. Chẳng hạn, một số bài tập và cách xoa bóp có thể giúp mẹ giảm đau lưng và mỏi cơ.
Có thai dùng miếng dán hạ sốt được không?
Miếng dán hạ sốt không được coi là thuốc mà chỉ xếp trong hạng mục các thiết bị y tế. Tuy nhiên thành phần của miếng dán cũng tổng hợp nhiều chất hóa học, do đó, chúng có thể gây lo ngại cho các bà bầu . Hầu hết các miếng dán hạ sốt có mặt trên thị trường có thành phần chính là hydrogel.
Đây là các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước mà hút một lượng nước khá lớn, hạ sốt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài. Một số có thêm tinh dầu như bạc hà, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt .
Tuy nhiên, hầu hết các miếng dán có các thành phần bổ sung giúp hạ sốt kèm theo, trong đó một số loại có các thành phần Eucalyptol, Fentanyl… được liệt kê như các chất gây độc tố sinh sản cho con người, không được dùng khi mang thai, sinh đẻ. Do đó, bạn cần xem kỹ thành phần cũng như chỉ định, chống chỉ định trên nhãn miếng dán.
Trên thực tế, miếng dán hạ sốt chỉ nên dùng khi bệnh nhân sốt dưới 38.5 độ. Trên mức nhiệt này, bệnh nhân cần được hạ sốt bằng thuốc (như paracetamol). Hiệu quả của miếng dán hạ sốt cũng không hơn nhiều so với các phương pháp giúp hạ nhiệt truyền thống như đắp khăn lạnh (tốt nhất là đắp khăn ấm), lau người bằng nước ấm… Những cách này sẽ giúp giãn mao mạch, hạ thân nhiệt nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn có thể dùng các phương pháp dân gian rất an toàn cho thai phụ như đắp và uống nước cỏ nhọ nồi (cỏ nhọ nồi giã nhỏ, chắt lấy nước uống, bã đắp vào trán, gan bàn chân), hoặc nấu cháo hành, tía tô , ăn nóng và đắp chăn ấm cho ra mồ hôi. Tía tô vừa giúp giải cảm, vừa là một vị thuốc an thai. Bạn lưu ý, bà bầu không nên dùng các biện pháp giải cảm bằng cách xông các loại lá.
Nếu bạn sốt trên 38.5 độ, điều trị tại nhà không đỡ, bạn cần đến khám bác sỹ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp, không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Thùy Linh